Buộc giáo viên ôn tập cho học sinh yếu trong hè vì chất lượng hay vì lý do khác?
Đánh cắp ngày hè của thầy cô, đánh cắp thời gian vui chơi của trẻ vì mục đích giúp học sinh lấy lại kiến thức thiếu hụt? Hay chỉ là cách gây sức ép?
Những học sinh có tên trong danh sách thi lại thường là những em vô cùng kém.
Có thể nói trong đầu những học sinh này, không có một chút kiến thức nào.
Thế nhưng nhiều trường học hiện nay, không muốn cho học sinh ở lại lớp đã sắp lịch buộc giáo viên ôn luyện trong hè gây nên nỗi bất bình cho nhiều thầy cô giáo.
Tuy thế, vì sợ hiệu trưởng, vì muốn yên thân không bị làm khó nên phần lớn giáo viên nén giận, giấu nỗi bất bình trong lòng mà thực hiện.
Cả năm học thầy cô kèm cặp còn chẳng ăn thua vài tuần học có được gì?
Thầy cô giáo nào lên lớp cũng có kế hoạch kèm học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trong từng bài dạy của mình cũng luôn lên phương án dạy học phân hóa rõ ràng cho từng đối tượng.
Thế nên trong các tiết dạy, sau khi học sinh cả lớp làm bài giáo viên đến bên những học sinh yếu kém để giúp đỡ và hỗ trợ.
Ngoài ra, vào các giờ nghỉ tiết, giờ ra chơi, thậm chí đối với một số tiết chuyên, giáo viên còn xin để kèm riêng cho các em một số kiến thức cơ bản.
Vậy mà sự tiến bộ của những học sinh yếu kém không nhiều. Bởi, có em đã mất gốc do không được phép lưu ban từ những lớp dưới.
Với trình độ, năng lực như thế, những học sinh này ở lại lớp là hợp lý.
Nhiều đứa trẻ không có mùa hè
Điều này, vừa tốt cho chính các em, vừa tốt cho cả thầy cô giáo (sau này không phải vất vả vì dạy học trò ngồi nhầm lớp).
Thế nhưng, nhiều trường học hiện nay không muốn cho học sinh ở lại lớp đã phân công giáo viên kèm dạy trong hè.
Có trường lên lịch tuần học 3 buổi, trường quy định tuần học 5 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng là xong.
Học sinh tiểu học, thầy cô dạy chủ yếu là ghép âm vần, cách đọc, cách viết.
Học sinh các bậc học lớn hơn, thầy cô dạy những kiến thức sẽ có trong bài kiểm tra.
Thời gian học khoảng 2 tuần là tổ chức kiểm tra. Kiểm tra chưa đạt lần này lại tiếp tục kiểm tra lần khác…
Tránh tình trạng dây dưa gây áp lực và mệt mỏi, thầy cô thường dạy nội dung gì sẽ có trong bài kiểm tra ấy.
Chưa hết, nhiều giáo viên soạn sẵn đề cương câu hỏi, nội dung trả lời cho học trò khi vào thi chỉ việc sao y bản chính là được.
Vậy nên, sau thời gian ôn tập và kiểm tra hầu như học sinh đều được lên lớp trừ một số học sinh thật đặc biệt.
Trường học tổ chức dạy ôn trong hè là vi phạm Luật Lao động
Tuổi thơ của ba, tuổi thơ của con trong những ngày hè
Giáo viên được nghỉ 2 tháng hè (tháng 6 và tháng 7) đã được quy định Thông tư 15/2017/TT-BGĐT
Nhưng nhiều trường học hiện nay trong đó có một số trường tại thị xã La Gi vẫn bố trí giáo viên dạy kèm học sinh yếu trong tháng 6.
Khi phân công giáo viên dạy vào những ngày hè, không biết những vị hiệu trưởng này có nắm được quy định về chế độ làm việc của giáo viên?
Nắm được sao vẫn cố tình vi pham? Hay họ cứ làm theo ý thích của mình mà không biết rằng việc làm ấy đang vi phạm pháp luật?
Đánh cắp ngày hè của thầy cô, đánh cắp thời gian vui chơi của trẻ vì mục đích giúp học sinh lấy lại được những kiến thức thiếu hụt?
Hay đây chỉ là cách gây sức ép cho giáo viên lần sau “chớ có dại cho học sinh vào danh sách thi lại” như cách mà nhiều thầy cô thường chia sẻ cho nhau?
Dù với mục đích nào đi chăng nữa thì việc vi phạm pháp luật của hiệu trưởng nhà trường cũng cần phải lên án.
Giáo viên còn có cả một tháng 8 để tổ chức ôn tập, phụ đạo cho các em. Nguyên cớ gì nhất định cứ phải cắt xén những ngày nghỉ mà thầy cô xứng đáng nhận được?