Bước khởi đầu của tương lai năng lượng sạch
Kết thúc muộn hơn dự kiến, với các cuộc tranh luận càng về cuối càng căng thẳng, song kết quả Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) được đánh giá khá thành công. Những văn kiện quan trọng được thông qua vào ngày đầu và ngày cuối hội nghị, liên quan đến 2 vấn đề chính: tài chính khí hậu và năng lượng hóa thạch.
Ngay trong ngày họp đầu tiên, các nước đã nhất trí với thỏa thuận cho phép chính thức khởi động Quỹ tổn thất và thiệt hại. Ngay lập tức, quỹ cũng đã nhận được những cam kết tài chính đầu tiên, từ UAE, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Nhật Bản, với số tiền hơn 420 triệu USD. Theo Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber, đây là lần đầu tiên một quyết định được thông qua ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu. Quỹ được các nước giàu tài trợ, giúp các quốc gia hoặc cộng đồng dễ bị tổn thương phục hồi sau những tác động không thể tránh khỏi của thiên tai.
Việc thực hiện cam kết tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu thực sự là chủ đề cấp bách cần được giải quyết, trong bối cảnh nguồn tài trợ cho các hành động khí hậu còn thấp so với nhu cầu toàn cầu và có dấu hiệu chững lại bởi nhiều nước giàu không thể tài trợ nhiều hơn do khủng hoảng chính trị và kinh tế. Phát biểu trước thềm COP28, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell đã nhấn mạnh: “Chỉ khi đạt được tiến bộ thực sự về vấn đề tài chính mới có thể mang lại kết quả đáng kể và động lực cho các hành động về khí hậu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo không nên dồn trọng tâm chỉ cho 1 quỹ khắc phục tổn hại do biến đổi khí hậu mà các quỹ khác như “Quỹ Thích ứng” cũng cần nguồn lực để xây dựng khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao.
Hội nghị COP28 cũng ghi dấu ấn trong lịch sử khi lần đầu tiên sau nhiều thập niên, cụm từ “nhiên liệu hóa thạch” với ý nghĩa bao trùm nhất được đưa vào nội dung tuyên bố chung của hội nghị. Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Wopke Hoekstra tuyên bố đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, thế giới “có thể đạt được sự khởi đầu cho hồi kết của nhiên liệu hóa thạch”.
Theo tuyên bố chung, các nước nhất trí “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch” trong các hệ thống năng lượng, bắt đầu trong thập niên này, theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp để đạt mục tiêu trung hòa khí thải năm 2050 trên cơ sở khoa học. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber hoan nghênh thỏa thuận là gói các biện pháp “lịch sử” thúc đẩy hành động khí hậu, mang lại kế hoạch hành động xung kích để giữ mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C trên cơ sở khoa học, được nâng cấp và cân bằng.
Tuyên bố chung được 200 nước tham gia thông qua vào ngày cuối cùng của hội nghị phản ánh nỗ lực đàm phán đến phút chót của tất cả các bên về vấn đề vốn được đánh giá là phức tạp. Chính vấn đề nhiên liệu hóa thạch đã cản trở hội nghị đi đến thỏa thuận đúng thời gian dự kiến, thậm chí đe dọa đổ vỡ do các nước chia rẽ thành 2 luồng ý kiến khác nhau. Bên thứ nhất cho rằng trọng tâm của COP28 chỉ nên tập trung vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thay vì nhắm mục tiêu vào nhiên liệu hóa thạch. Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais đã kêu gọi các thành viên từ chối bất kỳ văn bản hay công thức nào của COP28 nhằm vào loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, thay vì hướng sự chú ý vào khí thải. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Ban thư ký OPEC can thiệp vào các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ. Trong khi đó, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber kêu gọi các nước rời khỏi “vùng an toàn và tìm điểm chung”, bao gồm cả vấn đề nhiên liệu hóa thạch, yêu cầu các bên đưa ra những đề xuất tạo cầu nối về nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng phù hợp với khoa học.
Ở phía còn lại, ít nhất 80 quốc gia, bao gồm Mỹ và EU và nhiều nước nghèo dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đã yêu cầu COP28 đưa ra một thỏa thuận rõ ràng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cho rằng nếu không đủ quyết liệt sẽ không thể thiết lập một cam kết chung “đột phá” trên toàn cầu, nhằm chấm dứt việc khai thác và sử dụng dầu mỏ trong vòng 30 năm tới. Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng để các nước có thể cùng nỗ lực thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, gọi đây chính là "cuộc chiến sinh tồn".
Thỏa thuận cuối cùng đã được thông qua, dù chưa bao gồm các cụm từ quyết liệt như “loại bỏ” hay “từ bỏ”, nhưng chỉ riêng việc đưa cụm từ nhiên liệu hóa thạch với ý nghĩa bao trùm nhất vào thỏa thuận cũng thể hiện cộng đồng quốc tế đã nhất trí với việc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch sẽ có hồi kết. Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đánh giá thỏa thuận đã phản ánh lần đầu tiên toàn thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản rõ ràng nhất về việc cần phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, thỏa thuận của hội nghị cũng đã có những cam kết rõ ràng và tích cực về các vấn đề như năng lượng tái tạo, trung hòa khí thải… Có thể kể tới cam kết đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất năng lượng tái tạo trên toàn cầu, nhân đôi tốc độ trung bình cải thiện hiệu quả năng lượng thường niên trên toàn cầu; Tăng tốc các nỗ lực toàn cầu để trung hòa khí thải trong các hệ thống năng lượng, sử dụng nhiên liệu không phát thải hoặc phát thải thấp trước hoặc trong năm 2050; Nhân rộng quy mô các công nghệ phát thải thấp và không phát thải, và các hoạt động sản xuất hydrogen ít carbon, từ đó nâng cao các nỗ lực nhằm tìm nguồn thay thế nhiên liệu hóa thạch không giảm thiểu khí thải carbon… Tất nhiên, hội nghị vẫn còn bỏ ngỏ một số vấn đề và dành tới các kỳ COP tiếp theo, trong đó đáng chú ý là thống nhất về quy định vận hành thị trường carbon.
Tại COP28, đoàn Việt Nam cũng chủ trì một số sự kiện và tham gia nhiều sự kiện bên lề, qua đó giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Đặc biệt, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ COP28 gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định mỗi quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu. Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
COP28 đã khép lại với những kết quả bước đầu được đánh giá tích cực, tạo tiền đề để các bên có thể cùng nhau đi đến thắng lợi, thay vì "bên thắng bên thua" trong cuộc đối đầu với “kẻ thù chung” là biến đổi khí hậu. Ngày làm việc cuối cùng, các bên phụ trách soạn thảo thỏa thuận thậm chí phải làm việc xuyên đêm, phản ánh những nỗ lực chạy đua với thời gian đúng như lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Antonio Gutterres “Chúng ta đang trong cuộc chạy đua với thời gian, mỗi phút lại chứng kiến Trái Đất tiến gần hơn tới ngưỡng ấm lên 1,5 độ C. Đây là lúc cần tham vọng và sự linh hoạt ở cấp độ cao nhất”. Những kết quả đạt được tại hội nghị dù mới đáp ứng được phần nào các hành động khí hậu để tạo “đột phá” cần thiết, nhưng ít nhất, hội nghị cho thấy quyết tâm hành động đã là cầu nối, giúp các nước có cách tiếp cận linh hoạt, uyển chuyển hơn trong xử lý thách thức chung của nhân loại.