Bước lên rừng gỗ lớn-Bài 1: Đột phá thế mạnh gò đồi

Để phát triển rừng trồng nói chung và rừng gỗ lớn (RGL) nói riêng đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trên địa bàn và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo xây dựng Đề án 'Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025'. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4246/QĐ-UBND, ngày 30/10/2019, trong đó, xác định đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu ổn định diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng là 110.000ha, bao gồm 16.200ha RGL.

Nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng, những năm qua, Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh trồng RGL và xây dựng hồ sơ kỹ thuật quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (FSC). Toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha RGL; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn các huyện Lệ Thủy với hơn 1.300ha, Quảng Ninh gần 1.000ha, Tuyên Hóa trên 550ha.

Đua nhau trồng rừng kinh tế…

Lệ Thủy là địa phương có bước đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực lâm nghiệp những năm trở lại đây bằng chiến lược phát triển rừng trồng nguyên liệu, RGL với các xã miền núi, gò đồi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán nhìn nhận: “Các xã phía Tây của huyện trước đây thuộc diện khó khăn, chậm phát triển. Sau hơn 10 năm phát huy tiềm năng trồng rừng kinh tế, người dân đã có tích lũy, vươn lên làm giàu. Hiện, bà con đã chuyển hướng tăng diện tích RGL để có thu nhập cao hơn”.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng gò đồi, huyện Lệ Thủy tích cực triển khai thực hiện các dự án về trồng rừng, giúp kinh tế rừng trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Trồng rừng đã từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân trên địa bàn được Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ nên đã chuyển từ trồng rừng nguyên liệu sang RGL. “Lệ Thủy phát huy được tiềm năng và lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là RGL, rừng có chứng chỉ FSC. Hiện, diện tích rừng trồng toàn huyện đạt gần 30.000ha”, ông Nguyễn Hữu Hán cho biết.

Rừng trồng kinh tế tại miền Tây huyện Lệ Thủy.

Rừng trồng kinh tế tại miền Tây huyện Lệ Thủy.

Người dân miền Tây huyện Lệ Thủy tiếp cận với trồng RGL khá sớm. Năm 2016, người dân trong huyện đã trồng gần 270ha RGL do Viện Lâm nghiệp khoa học Việt Nam và nguồn vốn chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ. Diện tích RGL tập trung ở các xã Thái Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Trường Thủy…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: RGL phải sử dụng giống keo cấy mô có giá thành cao hơn. Đây là giống cây có sức chống chịu với mưa bão tốt hơn các loại giống keo giâm hom nên phù hợp với vùng khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Về kỹ thuật, mỗi ha RGL được trồng trên 2.000 cây. Sau 4 năm, khi rừng khép tán thì áp dụng khai thác tỉa thưa chỉ để lại khoảng 1.000 cây/ha. Khi rừng đến giai đoạn 7 năm tuổi thì người trồng tiếp tục tỉa thưa, chỉ để lại khoảng 700 cây/ha cho đến khi thu hoạch. Trong quá trình trồng RGL, vào giai đoạn tỉa thưa, người trồng rừng có thể tận thu bán gỗ nguyên liệu. Giai đoạn này, bà con cũng có thu nhập vào khoảng 30 triệu đồng/ha”.

Hiệu quả kinh tế cho thấy, trên cùng một diện tích, RGL cho năng suất vượt trội 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Loại rừng này còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại nên giảm nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất, tăng tỷ lệ che phủ rừng. “Theo tính toán, khoảng 10 năm, mỗi ha RGL mang lại thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu 5 năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng”, ông Hưng nhìn nhận.

Nhìn về “xã điểm” trồng rừng

Xã Thái Thủy (Lệ Thủy) hiện có gần 3.900ha rừng trồng. Nhờ đẩy mạnh trồng rừng nên nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang. Nhằm phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, năm 2017, xã đã vận động bà con chuyển sang trồng RGL với diện tích ban đầu hơn 10ha.

Khai thác gỗ rừng trồng tại vùng gò đồi huyện Lệ Thủy.

Khai thác gỗ rừng trồng tại vùng gò đồi huyện Lệ Thủy.

Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho hay: “Đến nay, toàn xã đã trồng được hơn 150ha RGL. Riêng năm 2023, trồng được 40ha và phấn đấu đến năm 2025 đạt 400ha”.

Thôn 5, xã Thái Thủy là địa phương điển hình phát huy thế mạnh trồng rừng. Đến địa phương này, những con đường liên thôn, liên xã đều được bê tông rộng, chạy xuyên qua những cánh rừng keo tràm đang khép tán. Dường như không thể tìm thấy khoảng đất trống nào ở xã Thái Thủy, bởi đâu đâu cũng trồng rừng, hết rừng là những thửa ruộng, hết thửa ruộng là đến rừng. Khi diện tích đất rừng của xã đã được phủ kín, người dân trong xã đã “nhanh chân” đến các địa phương khác xin thuê đất… trồng rừng. Vì vậy, diện tích rừng kinh tế mà người dân xã Thái Thủy “mượn” đất trồng lên đến trên 500ha.

Thôn Nam Thái được xem là đứng đầu xã Thái Thủy về trồng rừng. Trưởng thôn Tô Ngọc Chung cho hay, thôn có 350 hộ dân và có tổng diện tích rừng trồng hơn 1.500ha. Nếu tính theo chu kỳ rừng trồng 5 năm thu hoạch thì trung bình mỗi năm, người dân trong thôn khai thác vào khoảng 300ha rừng trồng.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, huyện Lệ Thủy phấn đấu trồng trên 3.000ha RGL (gồm cả rừng của người dân và các tổ chức). Trong năm nay, Lệ Thủy dự kiến diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên 1.500ha tại các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Sen Thủy, Kim Thủy và tiếp tục mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ FSC tại các xã Ngân Thủy, Phú Thủy.

“Đất đồi của chúng tôi phù hợp phát triển cây keo tràm và bà con cũng đầu tư canh tác nên cây phát triển nhanh, tốt và có sản lượng, chất lượng cao. Vì vậy, mỗi ha rừng khai thác cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ rừng trồng mang về cho bà con khoảng 30 tỷ đồng. Con số này cứ tiếp nối liên tục như vậy nên đời sống của bà con ngày càng phát triển”, ông Chung cho hay.

Theo ông Lê Thuận Văn, từ một xã nghèo của huyện, sau hơn 10 năm phát triển trồng rừng kinh tế, Thái Thủy đã vượt lên rõ nét. Năm 2021, xã đã cán đích nông thôn mới và hiện đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ kinh tế rừng trồng mà bình quân thu nhập đầu người đạt trên 62 triệu đồng/năm. Hiện, xã có 1.300 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu của địa phương chiếm trên 50% tổng số hộ.

Nhiều gia đình có diện tích rừng trồng đã dần chuyển hướng sang trồng RGL. Điều này cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm, khuyến khích để bà con có thêm thu nhập cao hơn. Ông Nguyễn Văn Thuận, một chủ rừng ở Thái Thủy cho hay: “Trước đây khó khăn nên bà con phải rút ngắn thời gian thu hoạch để ăn đong. Nay kinh tế khá vững vàng nên ai cũng muốn làm RGL để tăng thu nhập và an tâm về giá cả, thị trường tiêu thụ”.

Phan Anh và nhóm P.V

>>> Bài 2: Thu tiền tỷ nhờ gỗ rừng trồng

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202408/buoc-len-rung-go-lon-bai-1-dot-pha-the-manh-go-doi-2220308/