Bước ngoặt cho phát triển bền vững
Thảo luận tại Tổ 1, các ĐBQH Đoàn thành phố Hà Nội đánh giá Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trụ cột quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
Góp ý đối với Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Bùi Hoài Sơn đánh giá cao việc dự thảo lần này đã có bước tiến quan trọng, đó là lần đầu tiên xác định rõ khoa học xã hội và nhân văn là một bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học - công nghệ quốc gia, có vai trò cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Đây là định hướng rất đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
"Tuy nhiên, so với tầm vóc nhiệm vụ mà khoa học xã hội cần đảm đương trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa đủ mạnh mẽ và cụ thể. Những quy định về chính sách tài trợ, về lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, về cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học xã hội vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo ra động lực thực sự để khoa học xã hội bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển đất nước", ĐBQH Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 1
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, qua thực tiễn cho thấy, các nước phát triển đều coi khoa học xã hội và nhân văn là một trụ cột quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có hẳn một cơ quan trong Quỹ Khoa học Quốc gia chuyên phụ trách khoa học xã hội, hành vi và kinh tế. Còn Liên minh châu Âu trong chương trình Horizon Europe đã xác định rõ: "Mọi sáng kiến công nghệ đều phải lồng ghép nghiên cứu xã hội và nhân văn. Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách đầu tư riêng, với cơ chế tài trợ dài hạn cho các nghiên cứu xã hội gắn với mục tiêu quốc gia".
Từ những kinh nghiệm nêu trên, ĐBQH Bùi Hoài Sơn đề xuất một số giải pháp cụ thể hoàn thiện dự thảo luật. Theo đó, cần quy định rõ ràng hơn việc xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn, tương tự như các chương trình trọng điểm về khoa học tự nhiên và công nghệ. Điều này vừa thể hiện sự coi trọng đối với lĩnh vực này, vừa tạo khuôn khổ triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, bên cạnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (được quy định tại khoản 3, điều 29), dự thảo Luật cần xác định cụ thể các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của khoa học xã hội trong kỷ nguyên mới. Đó có thể là nghiên cứu xã hội học số, tác động xã hội của chuyển đổi số, khoa học dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống... "Đây là những lĩnh vực đang được nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ĐBQH Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần thúc đẩy nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội. Luật nên khuyến khích các dự án đổi mới sáng tạo phải có sự tham gia của nhà khoa học xã hội nhằm bảo đảm mọi tiến bộ công nghệ đều được đặt trong khuôn khổ nhân văn, bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Theo phân tích của ĐBQH Bùi Hoài Sơn, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mà tri thức nhân văn, trí tuệ xã hội sẽ ngày càng trở thành tài sản quý giá của quốc gia. Một đất nước không chỉ mạnh về công nghệ, mà còn cần phải sâu sắc về văn hóa, vững chắc về xã hội học, để có thể tiến xa, tiến bền vững. Chính vì vậy, việc bổ sung, hoàn thiện các quy định về khoa học xã hội trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này không chỉ để lấp đầy "khoảng trống" lập pháp, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định "Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì không thể thiếu vai trò dẫn dắt của khoa học xã hội và nhân văn".
Đổi mới sáng tạo - bước ngoặt khơi thông tiềm năng
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Lê Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của luật trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu đang chuyển dịch sản xuất sang các lĩnh vực công nghệ giá trị cao. Đại biểu cho rằng nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với mất cân đối thị trường lao động và tài chính sau một chu kỳ tăng trưởng nhanh bởi trong 5 - 15 năm tới, lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi các quốc gia phát triển tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Vì vậy, đại biểu đánh giá luật này là bước ngoặt để khơi thông tiềm năng, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân và hợp tác công - tư, tạo nền tảng hình thành thị trường khoa học, công nghệ.

ĐBQH Lê Quân phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, điểm nổi bật của Luật lần này là nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo bên cạnh KHCN với phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới. Đáng chú ý, có rất nhiều khái niệm mới được đưa vào như liêm chính khoa học, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng quản lý KH, CN - ĐMST quốc gia, kiểm thử thí điểm, hệ thống đổi mới sáng tạo hay cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu...
Cũng theo đại biểu, hiện nay trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, Châu Âu hay Hàn Quốc, mô hình spin-off (mô hình spin-off được hiểu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, được hình thành trong các trường đại học, các viện nghiên cứu để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế) đang được thúc đẩy rất mạnh. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ. Do đó, spin-off không chỉ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo động lực khởi nghiệp cho nhà khoa học, mà còn nâng cao giá trị và thương hiệu cho các viện, trường.
"Có thể khẳng định, spin-off là cây cầu kết nối giữa tri thức và thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu rõ.
Ngoài ra, theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Thị Lan, dự thảo lần này đã tháo gỡ được "điểm nghẽn" từ thực tế về việc hỗ trợ cán bộ trẻ nghiên cứu tuy nhiên khi trở về thì sử dụng kết quả này như thế nào để tránh lãng phí và có sức thu hút thì cũng cần quy định rõ hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tại điều 52 này đề nghị ban soạn thảo xem xét Khoản 3 cụm từ “học viên thạc sĩ” nên sửa thành “học viên cao học” để đồng bộ với các văn bản về giáo dục khác.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/buoc-ngoat-cho-phat-trien-ben-vung-10371524.html