Bước ngoặt khó lường sau vụ ông Abe bị ám sát
Vụ việc của Tetsuya Yamagami được cho là đã lột tả nỗi khổ của hàng nghìn người Nhật, vốn cũng là nạn nhân của sự cuồng tín đối với giáo hội mà nghi phạm căm phẫn.
Nhiều tuần sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn chết, nhiều tình tiết mới được hé lộ, trong đó sự chú ý vẫn tiếp tục đổ dồn vào một giáo hội mà mẹ của nghi phạm tin theo. Người này tin rằng tổ chức đó đã “hủy hoại cuộc đời” mình và tin ông Abe có liên quan đến nó.
Dù không cho hành động của Tetsuya Yamagami là đúng, một số người Nhật Bản đã bày tỏ sự thông cảm đối với nghi phạm 41 tuổi, đặc biệt là những người ở cùng độ tuổi, vì họ cũng trải qua ba thập kỷ kinh tế và xã hội bất ổn.
Họ là những người thuộc “thế hệ mất mát” của đất nước và là nạn nhân “thế hệ thứ hai” của giáo hội trong vụ việc, theo AP.
Nghi phạm “đáng cảm thông”
Trên mạng xã hội, có những gợi ý cho thấy nhiều người đã gửi đến trung tâm giam giữ Yamagami các gói dịch vụ chăm sóc để hỗ trợ nghi phạm.
Hơn 7.000 người đã ký vào một bản kiến nghị cơ quan công tố khoan hồng đối với Yamagami, người thú nhận với cảnh sát rằng anh ta đã giết ông Abe vì mối quan hệ của ông với một nhóm tôn giáo được nhiều người cho là Giáo hội Thống nhất.
Các chuyên gia cho rằng vụ việc cũng làm sáng tỏ hoàn cảnh của hàng nghìn trẻ em khác, là con cái của những người theo giáo hội này, những đứa trẻ bị bạo hành và bỏ rơi.
“Nếu không phạm tội, Yamagami sẽ đáng được thông cảm. Nhiều người khác cũng phải chịu đau khổ vì đức tin của cha mẹ họ”, Kimiaki Nishida, giáo sư và chuyên gia nghiên cứu tâm lý của Đại học Rissho, cho biết.
Yamagami, người đang bị giam giữ để đánh giá tâm thần cho đến cuối tháng 11, trước đó đã bày tỏ trên mạng xã hội về sự căm ghét đối với Giáo hội Thống nhất, được thành lập ở Hàn Quốc vào năm 1954. Từ những năm 1980, giáo hội này đã phải đối mặt với các cáo buộc về hoạt động chiêu mộ mờ ám và tẩy não tín đồ, khiến họ nộp những khoản quyên góp lớn.
Trong một bức thư mà AP tiếp cận được, và trong các bài đăng trên Twitter được cho là của Yamagami, nghi phạm cho biết gia đình và cuộc sống của mình đã bị giáo hội phá hủy vì mẹ đã quyên góp các khoản khổng lồ. Cảnh sát xác nhận rằng bản nháp bức thư của Yamagami đã được tìm thấy trong chiếc máy tính bị tịch thu từ căn hộ một phòng của anh ta.
“Sau khi mẹ tôi gia nhập giáo hội (vào những năm 1990), toàn bộ tuổi thiếu niên của tôi đã bay biến, với khoảng 100 triệu yen (735.000 USD) bị lãng phí”, Yamagami viết trong bức thư đánh máy gửi cho một blogger ở miền Tây Nhật Bản một ngày trước khi ám sát ông Abe hôm 8/7 ở Nara. “Không ngoa khi nói rằng những gì mà tôi trải qua trong suốt thời gian đó đã bóp méo toàn bộ cuộc đời tôi”.
Yamagami lên 4 tuổi thì cha tự sát. Sau khi mẹ gia nhập Giáo hội Thống nhất, bà bắt đầu quyên góp các khoản tiền lớn khiến gia đình bị phá sản, giấc mơ vào đại học của Yamagami cũng tan vỡ. Anh trai của Yamagami sau đó đã tự sát. Sau 3 năm làm việc trong hải quân, Yamagami trở thành một công nhân nhà máy.
Trong các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, chú của Yamagami cho biết mẹ của nghi phạm đã quyên góp 60 triệu yen (440.000 USD) trong vòng vài tháng sau khi gia nhập giáo hội.
Khi cha bà qua đời vào cuối những năm 1990, bà đã bán tòa nhà của công ty trị giá 40 triệu yen (293.000 USD), khiến gia đình phá sản vào năm 2002. Người chú của nghi phạm cho biết mình từng chu cấp tiền ăn học cho 2 anh em Yamagami nhưng sau đó đã ngừng vì phát hiện người mẹ dùng tiền đó để quyên góp cho giáo hội.
Khi Yamagami cố tự sát vào năm 2005, mẹ của anh ta lúc đó đang ở Hàn Quốc, nơi giáo hội được thành lập, nhưng không trở về ngay khi nhận được tin tức, người chú nói.
Theo báo cáo, mẹ của Yamagami đã nói với các công tố viên rằng bà rất tiếc đã gây rắc rối cho giáo hội vì hành động của con trai.
Kể từ tháng 10/2019, Yamagami, được cho là sử dụng tài khoản Twitter mang tên "Silent Hill 333", đã viết về giáo hội, quá khứ đau thương của mình và các vấn đề chính trị.
Tháng 12/2019, anh ta đã viết rằng ông của mình đã đổ lỗi cho mẹ về những rắc rối của gia đình và thậm chí còn cố giết bà. “Điều tuyệt vọng nhất là ông tôi đã đúng. Nhưng tôi muốn tin mẹ tôi”.
“Thế hệ mất mát”
Một phần lý do khiến trường hợp của Yamagami gây chấn động là vì anh ta thuộc cái mà các phương tiện truyền thông Nhật Bản gọi là “thế hệ mất mát”, bị mắc kẹt với những công việc hợp đồng lương thấp. Anh tốt nghiệp trung học năm 1999 trong “kỷ băng hà việc làm”, sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng những năm 1980 của đất nước.
Dù là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản đã phải đối mặt với 3 thập kỷ bất ổn kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Nhiều người lớn lên trong những năm này đến giờ vẫn chưa lập gia đình và mắc kẹt với công việc không ổn định cũng như cảm giác bị cô lập và bất an.
Một số tội phạm nổi tiếng trong những năm gần đây, chẳng hạn như vụ giết người hàng loạt ở quận Akihabara của Tokyo vào năm 2008 và vụ tấn công đốt phá chết người vào Kyoto Animation năm 2016, đều thuộc "thế hệ mất mát", với hoàn cảnh gia đình và công việc rắc rối.
Nạn nhân “thế hệ thứ hai”
Trường hợp của Yamagami cũng là điển hình cho hoàn cảnh của những đứa trẻ có phụ huynh là tín đồ của Giáo hội Thống nhất. Các chuyên gia nói rằng nhiều người bị bỏ rơi và không được giúp đỡ, vì các quan chức chính phủ và trường học có xu hướng không can thiệp vào vấn đề liên quan đến tôn giáo.
Mafumi Usui, giáo sư tâm lý xã hội và chuyên gia về tín ngưỡng của Đại học Niigata Seiryo cho biết: “Nếu xã hội của chúng ta chú ý hơn đến các vấn đề này trong vài thập kỷ qua, cuộc tấn công của Yamagami có thể đã được ngăn chặn”.
Hơn 55.000 người đã tham gia một bản kiến nghị kêu gọi pháp luật bảo vệ nạn nhân “thế hệ thứ hai”, những người bị người thân buộc gia nhập giáo hội.
Ông Abe, trong một thông điệp video vào tháng 9/2021, đã ca ngợi hoạt động của giáo hội nhằm gìn giữ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và sự tập trung tổ của chức vào các giá trị gia đình. Nishida, giáo sư tâm lý học, cho rằng sự xuất hiện của ông Abe trong video đó có thể đã thúc đẩy Yamagami.
Yamagami khai với cảnh sát rằng anh ta đã lên kế hoạch giết Hak Ja Han Moon, vợ của người sáng lập giáo hội. Bà đã lãnh đạo giáo hội kể từ khi ông Moon chết năm 2012. Tuy nhiên, Yamagami đã chuyển mục tiêu vì không chắc bà Hak Ja Han Moon sẽ đến thăm Nhật Bản trong thời gian đại dịch.
“Cay đắng thay, ông Abe không phải kẻ thù thực sự của tôi. Ông ấy chỉ là một trong những người đồng tình có ảnh hưởng nhất của Giáo hội Thống nhất”, Yamagami viết trong lá thư của mình. "Tôi đã không có trạng thái tinh thần đủ tốt để suy nghĩ về ý nghĩa chính trị hoặc hậu quả từ cái chết của ông Abe".
Các thành viên của mạng lưới luật sư quốc gia chống buôn thần bán thánh, trong nhiều thập kỷ đã hỗ trợ pháp lý cho những người có tranh chấp tài chính với giáo hội, cho biết họ đã nhận được 34.000 đơn khiếu nại, với tổng số tiền lên đến 120 tỷ yen (900 triệu USD).
Tomihiro Tanaka, người đứng đầu chi nhánh Nhật Bản của giáo hội, cáo buộc các luật sư và phương tiện truyền thông "khủng bố" tín đồ của mình.
Một cựu tín đồ ở độ tuổi 40 cho biết tại một cuộc họp báo gần đây rằng cô và hai chị em của mình đã bị buộc gia nhập giáo hội khi cô học trung học, sau khi mẹ của họ trở thành một tín đồ.
Sau hai cuộc hôn nhân thất bại do giáo hội sắp đặt, cô nói rằng mình đã thoát khỏi “sự kiểm soát tinh thần” và trở về Nhật Bản vào năm 2013.
Là một nạn nhân “thế hệ thứ hai”, tự nhận rằng cuộc đời mình đã bị giáo hội phá hủy, cô nói bản thân “có thể hiểu nỗi đau của Yamagami, dù những gì anh ta làm là sai”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-ngoat-kho-luong-sau-vu-ong-abe-bi-am-sat-post1349761.html