Bước ngoặt lớn tác động tới chiến sự Nga-Ukraine
Một bất ngờ tạo ra nhiều thay đổi chiến sự Nga-Ukraine, khiến châu Âu rơi vào thế khó.
Trong một loạt động thái làm rung chuyển chính trường quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời loại Ukraine khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
Hôm 18/2/2025, ông Trump gây chấn động khi tuyên bố Ukraine là bên khơi mào xung đột với Nga và cho rằng nước này "đáng lẽ phải tổ chức bầu cử Tổng thống" dù đang trong chiến tranh. Phản ứng gay gắt, ông Zelensky nói rơi vào “không gian thông tin sai lệch” do Nga tạo ra. Tuy nhiên, ông Trump không lùi bước mà tiếp tục chỉ trích ông Zelensky trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 19/2, cáo buộc lãnh đạo Ukraine "từ chối tổ chức bầu cử" và "ghi điểm rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận".
Những phát ngôn này đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, từ bỏ lập trường ủng hộ Ukraine của Washington dưới thời cựu Tổng thống Biden để hướng tới một chiến lược hợp tác gần hơn với Nga. Đáng chú ý, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt xung đột Ukraine diễn ra mà không có sự tham gia của Kiev, khiến Ukraine và các đồng minh phương Tây lo ngại về một thỏa thuận có thể bất lợi cho Ukraine.
Mỹ từ chối lên án Nga
Theo hãng tin Reuters, dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, chấm dứt các hành động thù địch và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraine, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, nghị quyết tái khẳng định yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Ukraine một cách vô điều kiện.

Chiến sự Nga-Ukraine cập nhật mới nhất. Ảnh: RT
Hiện đã có hơn 50 quốc gia bảo trợ cho nghị quyết này, trong khi các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy nhằm mở rộng sự ủng hộ, bao gồm từ các nước thuộc khu vực Nam Bán cầu. Tuy nhiên, Mỹ lần này không ký vào bản nghị quyết, dù trước đó đã đồng bảo trợ các nghị quyết tương tự nhằm ủng hộ nền hòa bình công bằng tại Ukraine.
Động thái của Washington diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực phía Đông. Moscow khẳng định, chiến dịch quân sự của họ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO.
Bên cạnh việc từ chối bảo trợ nghị quyết, Mỹ cũng phản đối sử dụng cụm từ "hành động gây hấn" trong tuyên bố sắp tới của Nhóm G7 về chiến sự Nga - Ukraine. Đây là thay đổi đáng chú ý trong lập trường của Washington, khi các tuyên bố trước đây của G7 vẫn thường xuyên sử dụng cụm từ này để lên án Nga.
Hồi đầu tuần, ông Trump đã cử một phái đoàn tới Ả rập Xê út để đàm phán với Nga về phương án chấm dứt chiến sự mà không có sự tham gia của Kiev. Động thái này lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, làm leo thang thêm mâu thuẫn giữa hai bên.
Dự kiến, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên sẽ tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết vào ngày 24/2. Mặc dù không có tính ràng buộc, nghị quyết này được xem là phép thử quan trọng đối với quan điểm toàn cầu về cuộc chiến tại Ukraine cũng như mức độ ủng hộ quốc tế đối với Kiev trong bối cảnh chính trị đang có nhiều biến động.
EU “sốc nặng” và thế khó
Hơn nữa, hôm 18/2, ông Trump cho biết sẽ để ngỏ khả năng để binh sĩ châu Âu giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa bình Ukraine, dù Nga ngay lập tức bác bỏ ý tưởng này. Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo rằng, phương án này chỉ khả thi nếu có sự hậu thuẫn của Mỹ – điều hiện tại chưa có. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng khẳng định, Washington không có kế hoạch triển khai quân đội tới Ukraine.

Phái đoàn Nga và Mỹ họp tại Riyadh, Ả rập Xê út. Ảnh: Getty.
Trước đó, châu Âu đã biết rõ ông Trump không ưu tiên Ukraine như chính quyền cựu Tổng thống Biden, nhưng họ không lường trước mức độ quyết liệt và dứt khoát của ông trong việc rút lại sự ủng hộ dành cho Kiev. EU hiện phải gấp rút tìm kiếm chiến lược mới nhằm đối phó với tình hình đầy biến động.
Tại hội nghị thượng đỉnh Paris vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn để thay thế vai trò của Mỹ trong hỗ trợ Ukraine.
Châu Âu đối mặt với bài toán hóc búa: Hoặc tự mình tăng cường hỗ trợ Ukraine, hoặc chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có thể bất lợi cho Kiev. Dù lựa chọn thế nào, EU cũng không còn nhiều thời gian để hành động khi Washington và Moscow đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Ngày 18/2, tại Riyadh (Ả rập Xê út), phái đoàn Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ nhằm thảo luận về quan hệ song phương, tình hình chiến sự Nga - Ukraine và các vấn đề an ninh quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cuộc gặp này là “rất tốt”, đồng thời chỉ trích chính quyền Kiev vì không tận dụng cơ hội để giải quyết xung đột với Nga.