Thủ tướng Anh nhấn mạnh lập trường về Ukraine ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ
Ngày 23/2, Thủ tướng Anh Keir Starmer tái khẳng định những nỗ lực của nước này trong giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như nhấn mạnh rõ lập trường về Ukraine.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại thủ đô London ngày 5/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đó, phát biểu tại hội nghị Công đảng Scotland ở Glasgow, Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh rằng không thể có cuộc thảo luận "về Ukraine, nếu không có Ukraine" tại bàn đàm phán.
Cùng với Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Starmer dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào tuần tới để thảo luận về các cuộc đàm phán sắp tới cho "kế hoạch hòa bình" mà nhà lãnh đạo Mỹ đang đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Anh cho biết vào ngày 22/2, ông đã có cuộc điện đàm để trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo đó, ông đã đảm bảo với nhà lãnh đạo Ukraine rằng nước Anh ủng hộ tuyệt đối với Ukraine cũng như sẽ thúc đẩy các vấn đề nhằm đảo bảo an ninh cho Kiev.
Ngoài ra, ông cho biết sẽ tiến hành các cuộc thảo luận quan trọng về an ninh của Kiev trong chuyến thăm Washington.
Theo nội dung tờ The Telegraph đăng tải cách đây vài ngày, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Anh sẽ trình bày với Tổng thống Donald Trump một kế hoạch triển khai 30.000 binh sĩ châu Âu đến Ukraine và tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ cho hoạt động này. Trước đó, vào tháng 1, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố rằng Ukraine có thể cần tới 200.000 binh sĩ châu Âu để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình.
Chuyến thăm của ông Starmer tại Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh những diễn biến liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine đang có diễn biến khá nhanh trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, thay vì có Ukraine và châu Âu cũng tham dự thì cả Nga và Mỹ - đã và đang xúc tiến các cuộc đàm phán – đều khẳng định chưa phải thời điểm phù hợp để Kiev và Brussels tham dự.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết đất nước của ông sẽ không chấp nhận các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington tại Riyadh vào tuần trước vì Kiev bị loại khỏi các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.
Trong một diễn biến liên quan, trong buổi trả lời phóng viên ngày 22/2 sau khi trở về từ Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết rằng Tổng thống Donald Trump tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine ngay trong tuần.
Bà Leavitt nói: “Tổng thống và đội ngũ của ông đang tập trung cao độ vào việc tiếp tục đàm phán với cả hai bên trong cuộc chiến này để đi đến chấm dứt xung đột”. Bà Leavitt cũng cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Waltz sẽ làm việc liên tục suốt cuối tuần để đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó về phía Nga, ngày 18/2, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov phát biểu: "Tổng thống Putin đã nói rằng ông sẵn sàng đàm phán với ông Zelensky trong trường hợp cần thiết, nhưng nền tảng pháp lý cho các thỏa thuận cần được thảo luận". Đây là lần đầu tiên phía Nga đề cập tới khả năng đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine, nhưng ông Peskov không nêu rõ "trường hợp cần thiết" là gì. Trước đó, phía Nga chỉ đề cập chung đến Kiev vì cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc từ năm 2024.
Liên quan đến kế hoạch triển khai binh sĩ châu Âu đến Ukraine, vừa qua, Điện Kremlin đã lên tiếng phản đối khi cho rằng đề xuất của Anh về việc triển khai quân tới Kiev là “không thể chấp nhận được” vì nó liên quan đến lực lượng từ một nước thành viên NATO và sẽ có tác động đến an ninh của Nga.