Bước ngoặt mới của iPhone
iPhone có thể được sản xuất bởi một công ty Ấn Độ, cho thấy sự thay đổi lớn về chiến lược sản xuất của Apple.
Tata Group, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Ấn Độ, đang thảo luận với Wistron, đối tác cung ứng của Apple, để xây dựng liên doanh sản xuất thiết bị điện tử tại quốc gia này.
Nếu hợp tác diễn ra suôn sẻ, Tata sẽ trở thành tập đoàn đầu tiên của Ấn Độ trực tiếp sản xuất iPhone. Từ trước đến nay, quy trình này luôn chịu trách nhiệm bởi các hãng cung ứng đặt trụ sở tại Đài Loan như Wistron và Foxconn.
Cơ hội cho Ấn Độ cạnh tranh Trung Quốc
Theo SCMP, việc hợp tác với Wistron giúp công ty này bước chân vào hàng ngũ tập đoàn chế tác thiết bị điện tử. Ông lớn về sản xuất Ấn Độ cũng muốn học hỏi Wistron trong khâu phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và lắp ráp, một nguồn tin nội bộ cho biết.
Việc một công ty Ấn Độ sản xuất iPhone sẽ trở thành động lực lớn, thúc đẩy nỗ lực cạnh tranh của quốc gia này đối với Trung Quốc, SCMP nhận định. Các tập đoàn sản xuất linh kiện của quốc gia tỷ dân cũng đang gặp hàng loạt khó khăn khác do lệnh giãn cách Covid-19 và căng thẳng chính trị với Mỹ.
Thay đổi này cũng sẽ là bước đệm để các hãng công nghệ khác cân nhắc xây dựng chuỗi cung ứng ở Ấn Độ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trước bối cảnh tranh cãi địa chính trị tăng cao.
Thông tin cụ thể về thỏa thuận hợp tác hiện vẫn chưa được hoàn thiện và cả hai bên vẫn đang thảo luận, nguồn tin nội bộ cho biết. Theo kế hoạch, Tata có thể mua cổ phần của chi nhánh Wistron hoạt động ở Ấn Độ hoặc xây xưởng lắp ráp mới.
SCMP cũng cho biết hiện vẫn chưa rõ Apple có tham gia vào sự hợp tác này hay không, vì gần đây hãng công nghệ đang tìm cách tách khỏi Trung Quốc và bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng ở các quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam.
Theo SCMP, Táo khuyết đã thảo luận với các công ty khác nhau tại nhiều nước. Tuy nhiên, quy trình lắp ráp iPhone rất phức tạp do phải đáp ứng các quy định về chất lượng và ngày sản xuất gắt gao của tập đoàn.
Do đó, lần hợp tác này sẽ giúp số lượng các nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tăng gấp 5 lần so với trước đây. Điều này còn giúp tập đoàn Tata chiếm một miếng bánh trong mảng sản xuất smartphone của Wistron.
Khó khăn đặt ra cho Apple ở Ấn Độ
Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch Tata Group, cho biết chế tác linh kiện, thiết bị điện tử là một trong những lĩnh vực trọng tâm được đầu tư của tập đoàn.
Những lĩnh vực như phần mềm, ôtô đang chiếm phần lớn lợi nhuận của hãng nhưng Tata vẫn muốn sớm chiếm ưu thế ở mảng cung ứng smartphone bằng cách trở thành đối tác sản xuất iPhone ở Ấn Độ.
Về phía Wistron, công ty này đang phải đối mặt với khoản lỗ lớn nên việc hợp tác với Tata sẽ giúp họ làm việc với một tập đoàn hùng mạnh, có mức đầu tư cao ngay trong thị trường nội địa Ấn Độ.
Những lĩnh vực của Tata như xe điện cũng là những mảng mà Wistron muốn nhúng tay vào. Hãng đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ từ năm 2017 do Apple luôn muốn tăng chuỗi cung ứng tại quốc gia này, đồng thời xây dựng chuỗi nhà máy tại bang Karnataka ở phía nam Ấn Độ.
SCMP nhận định thị trường 1,4 tỷ người dùng của Ấn Độ là một mảnh đất đầy hứa hẹn với Apple, đặc biệt là khi Thủ tướng Narendra Modi tạo điều kiện cho các hãng công nghệ sản xuất linh kiện trong nước. Điều này giúp các đối tác lớn của Táo khuyết như Foxconn và Pegatron ngày càng mở rộng quy mô.
Song, khó khăn đặt ra là lực lượng lao động và nhà máy của Ấn Độ vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất cao của Apple. Hệ sinh thái sản xuất iPhone đã xuất hiện từ 5 năm trước nhưng các hãng vẫn gặp nhiều khó khăn khi công nhân lên án về chế độ lương bổng và điều kiện làm việc, sinh sống thiếu thốn tại quốc gia này.
Gần đây, Apple đã liên tục chuyển dịch nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao của mình sang nhiều quốc gia châu Á. Trong đó, ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được Apple nhắm đến để mở rộng sản xuất, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, hồi tháng 8, Apple đã đàm phán để sản xuất các sản phẩm gồm Apple Watch và máy tính xách tay Macbook tại Việt Nam.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-ngoat-moi-cua-iphone-post1354955.html