Buộc ngựa vào gốc cây mận

Đám trai bản thường tụ tập ở gốc mận, say mê ngắm bộ ngực nở nang, vuốt ve cái cổ vạm vỡ, cái khoáy tròn như xoáy nước, luồn tay vào tua bờm dày mượt rũ xuống trùm lấy con mắt ong óng nước mà xuýt xoa. Những lúc ấy, con Tía ve vẩy đuôi kiêu hãnh, mắt lim dim hiền lành. Không ai biết nó giấu miếng đá hậu võ độc nhất của loài ngựa và chỉ ra đòn với kẻ không ưa. Bố Lân có con Tía, thêm tình cảm ông cháu quấn quýt, là phương thuốc kì diệu làm lành mọi phiền muộn trong lòng.

1.

Khuya rồi, Bố Lân vẫn bó gối ngồi như mọc rễ bên bếp, tàn than vạc bụi trắng bay bám lên mái tóc bạc trắng như bông. Châm đóm hút thuốc lào, cầm chơ vơ chiếc đóm cật tre phơi nỏ cháy quăn queo đến sát ngón tay cầm mới giật mình dụi nó vào bếp, lại quài tay ra sau lưng rút chiếc đóm khác. Cút rượu trong túi áo đôi khi đập vào mạng sườn đau điếng, mọi khi Bố Lân luôn cầm trên tay thì hôm nay bị quên. Thứ rượu quế thơm cay nồng ấm quyến rũ không đủ xua phiền não đè nặng trong lòng.

Ở mường phải sống đức độ, làm ăn giỏi giang mới được dân bản tôn xưng là Bố. Với nước da đồng hun đỏ au, mái tóc đen nhánh, giọng nói sang sảng đầy nội lực, Bố Lân là thầy Mo cứng vía. Trong bộ bà ba lụa tơ tằm vàng óng hay trắng ngà, hoặc nâu, Bố Lân mang dáng vẻ thong dong của ông Mo Mường biết cai quản thần linh. Mường Ngòi có con ngòi uốn lượn hình chữ chi từ đầu bản đến cuối bản nhìn ra thế rồng bay. Các nhà bám thân rồng, lưng tựa đồi, mặt nhìn ra cánh đồng. Mùa mưa lũ sông Lớn tràn qua ngòi bồi phù sa cho cánh đồng thêm màu mỡ. Đời các cụ tổ tiên tìm đất lập bản, gặp thế đất đẹp, lúa trồng dưới ruộng, ngô gieo trên nương đủ ấm no. Đến đời mình, Bố Lân trồng thêm rừng quế bạt ngàn gần chân núi Lớn. Có thầy địa lí đến đất này đã phán, chỗ mắt rồng đủ cho con cháu sung túc cả đời, nhưng nếu phạm điểm nhãn làm mắt rồng mù thì gặp nạn.

Ở Mường Ngòi, dân bản nuôi trâu để cày, nuôi bò để bán ra phố giết thịt, Bố Lân nuôi ngựa cưỡi chơi. Đám trai bản thèm khát nhìn theo. Bố Lân ngồi thẳng lưng cưỡi con ngựa Tía phi nước kiệu. Con Tía nòi ngựa đua, lông đỏ tía dày mượt như lụa, thân hình khỏe khoắn gân to. Nhìn nó phi nước kiệu mà mê mẩn, bắp thịt săn chắc chuyển động cuồn cuộn, bốn chân thẳng và thon chắc co duỗi nhịp nhàng, móng chụm hơi khum hình bông hoa mua nở sáng sớm.

Có bốn con trai, nhưng Bố Lân vẫn cầu thần linh núi Lớn cho thêm gái út đặt tên Thu Hồng, sinh vào mùa cây hồng trong vườn sai trĩu, chín đỏ rực. Ngỡ đã bảy chục mùa hoa quế, chuyện khó gì cũng coi nhẹ như gió xuân. Bỗng dưng, như tảng đá trên đỉnh núi Lớn bay về đè xuống đỉnh đầu, hai cái họa đến cùng lúc làm Bố Lân sụp xuống như bị kiệt sinh lực.

2.

Thu Hồng đột ngột về, lí nhí chào bố máng, cúi mặt lẳng lặng vào buồng trong. Bà Lân vội chạy theo vào. Mẹ con thầm thào to nhỏ. Có tiếng Út Hồng sụt sịt khóc. Lúc sau, bà Lân trở ra ngồi im lìm như pho tượng bên cây gỗ cột nhà lên nước bóng loáng, tiếng con mọt gặm gỗ cót két âm vang ngôi nhà sàn lớn. Lâu sau, bà hì hụi khuân những va li, hộp các tông chất ngổn ngang đầu sàn của con gái vào buồng. Xong lại tựa cột, ngoáy trầu trong cái cối bằng đồng, chùm xà tích kêu lách cách theo nhịp tay.

Trong ruột nóng hơn củ sắn vùi bếp than, Bố Lân kiên nhẫn đợi bà Lân nói rõ chuyện ra môn ra khoai. Trong lòng tự hỏi, từ lúc con gái về bà ấy im như thóc ngâm. Bố Lân châm đóm mồi thuốc đã mấy lần rồi.

Bà Lân ngẩng lên nhìn chồng, ngập ngừng e dè rào trước đón sau, mình phải thương lấy con gái thôi…. Không để vợ nói hết câu, Bố Lân cướp lời, không thương mà tôi đưa hết tiền bán vỏ quế cho con ra phố lập nghiệp, chuyện con Út làm ăn, bà biết hơn tôi chứ. Bà Lân cúi mặt thở dài. Út Hồng mở cửa hàng chai ầm đồ lót, Bố Lân để mẹ con tự lo liệu, nếu nay có thua lỗ cũng là bài học cho mở mắt ra. Làm ăn trên phố đâu phải dễ, gái bản mà cứ đòi sống ở phố đâu có được?

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Bà Lân nhẹ giọng, con gái vẫn lo làm ăn mà. Bố Lân hỏi, vậy có chuyện gì. Bà Lân nói rụt rè, con Út có thai, chuyện đã rồi ông đừng mắng con nhá. Đấy, linh cảm người cha đâu có sai, Bố Lân hỏi mà như tự nói thầm với mình, thằng kia cao chạy xa bay rồi chứ gì. Bà Lân ngạc nhiên, sao ông biết?

Bố Lân nhíu đôi mày đen rậm, chả lẽ nói với vợ là đã đoán biết trước sẽ có ngày hôm nay? Bố Lân nói, con mình về nhà là tốt rồi, không như con Thu nhà Khiêm dại dột bỏ đi, rơi vào ổ buôn người bên kia biên giới, ngày đi thành ngày giỗ.

Ngoài miệng nói cho vợ yên tâm, còn trong lòng Bố Lân giận sôi sùng sục hơn nồi rượu đun trên bếp, ruột gan đau buốt như nuốt lá han. Dân bản thường nói Bố Lân sai khiến được con Ma trên rừng, thần linh kiêng nể, thêm bốn đứa trai lừng lững như trái núi Lớn trước nhà, ai dám động đến cọng lá dâm bụt bờ rào. Giờ chuyện xảy ra, Bố Lân cố nén nỗi hận xuống. Trăm bông hoa mới có hoa con gái, trăm con gái mới có một cái ấy, con mình quen sống ở rừng, mộc mạc hồn nhiên như hoa bông trlăng, bao nhiêu màu sắc hương thơm phô bày hết, sao lường cạm bẫy lừa lọc nơi phố phường?

Bốn trai lấy vợ, Bố Lân cho ra riêng tự lo cuộc sống. Riêng Út Hồng do được nuông chiều từ nhỏ, chỉ thích làm theo ý mình, mấy lần bà mối đến Út đều từ chối. Út nói bố với các anh cả đời ru rú xó rừng, nay Út phải ra sống ở thành phố. Bố Lân nghĩ nay mai con gái đi làm dâu đến ở nhà người ta, có ở mãi với mình đâu, nên chiều theo. Nay đứa trai thiên hạ rách giời ở đâu rơi xuống làm lỡ dở đời Út Hồng, không biết nó là con cái nhà nào, thằng ăn quả nhả hạt kia cứ là liệu thần hồn với các anh của Út.

Bố Lân nói, việc xảy ra có khi cũng theo ý trời, nay cháu mình là "con của" nhà mình. Coi như nhà ta nợ dân bản cái đám cưới. Tục mường không quá nặng nề, nhưng phải sắm cái lễ ra đình Ngòi trình xin thần linh cho cháu mình nhập hộ khẩu vào bản.

Bà Lân thở phào trút được hòn đá đeo nặng trong lòng. Bà lo chồng xót con, tính nóng Trương Phi, nhỡ ra phố tìm thằng mất dậy, sức ông lão sao đọ với đứa còn trẻ trai. Bà biết ơn ông lắm, ngẫm mình số may mắn, có chồng luôn chung vai gánh đỡ khó khăn. Càng nghĩ lại càng thương con gái hồng nhan bạc phận.

Ngôi đình Mường Ngòi tôn người lập ra bản Ngòi là Thành Hoàng, hội Đình trùng mùa cơm mới, ngày thường ai cầu xin gì đến khấn Thành Hoàng đều được như ý. Theo lệ mường, nhà ai gả con cưới vợ lấy chồng đều sắm mâm lễ trình Thành Hoàng xin cho đôi vợ chồng ăn đời ở kiếp cùng nhau trăm tuổi mới về Mường Ma. Bố Lân xin Thành Hoàng tha thứ cho gái út mỏng nghĩ vội việc. Ngẫm ở đời, giầu con út khó con út, tiền bạc hay tai ương thì xưa nay đứa út ít gánh chịu. Lại nữa, cóc chết ba năm quay đầu về núi, người cười ba tháng ai cười ba năm, nghĩ vậy Bố Lân thấy đầu óc nhẹ nhõm như đám mây bay trên trời.

Đã mùa hoa quế thứ ba, Bé Thu Quế lớn phổng phao, xinh đẹp giống mẹ, được ông ngoại cưng như trứng mỏng, thường cõng trên lưng làm ngựa nhong nhong, đôi khi cho cưỡi con Tía đi vòng quanh nhà giả như rước công chúa về dinh vua. Con bé thích lắm, cười khanh khách giòn giã, con Tía vui lây hí tràng dài cười kiểu ngựa.

Con Tía thông minh, chắc chỉ kém người không biết nói. Mỗi chợ phiên, con Tía đeo hai bên sườn bao ngô hoặc thóc, thồ măng tươi, bó vỏ quế xuống chợ huyện cho ông chủ đi bán. Xong xuôi, nó đứng ở sân quán ăn, kiên nhẫn đợi ông chủ tan cuộc rượu bù khú bạn bè. Mang ông chủ say ngật ngưỡng trên lưng, nó thong thả bước một từ chợ về nhà bằng đôi mắt tinh nhanh và cái mũi khôn ngoan.

Bình thường, con Tía được buộc ở gốc cây mận bên hiên nhà, nó mở to mắt nhìn người qua lại, chán lại cúi đầu tìm bắp ngô trong cái túi vải buộc trên song cửa voóng gian cất rượu. Bố Lân chỉ uống rượu do bà Lân nấu. Bà lên rừng, tìm hái lá cây, giã nhừ vắt nước trộn bột gạo ủ ra thứ men thơm lừng. Gạo nếp chọn từng hạt trắng muốt óng ả, ngậm đủ nước mập căng, cho vào cuốp đồ lên ra hạt xôi mọng mẩy tăm tắp như trứng kiến, ủ men đủ ngấu thì mang đun rượu. Vò gốm đựng rượu bịt lá quế để vài chục con trăng dậy mùi thơm ngọt cay nồng của lá quế tươi nhuyễn hương lúa nếp tạo ra hương vị đặc biệt. Con Tía có mũi thính hơn chó săn, hít hà hương thơm rượu quế, thấu nỗi buồn vui của ông chủ.

Đám trai bản thường tụ tập ở gốc mận, say mê ngắm bộ ngực nở nang, vuốt ve cái cổ vạm vỡ, cái khoáy tròn như xoáy nước, luồn tay vào tua bờm dày mượt rũ xuống trùm lấy con mắt ong óng nước mà xuýt xoa. Những lúc ấy, con Tía ve vẩy đuôi kiêu hãnh, mắt lim dim hiền lành. Không ai biết nó giấu miếng đá hậu võ độc nhất của loài ngựa và chỉ ra đòn với kẻ không ưa. Bố Lân có con Tía, thêm tình cảm ông cháu quấn quýt, là phương thuốc kì diệu làm lành mọi phiền muộn trong lòng.

3.

Bếp lửa cháy bập bùng ấm áp, in lên vách nứa đan hoa bóng hai người đàn bà ngồi bên bếp lửa. Bà mối rủ rỉ, tục Mường ta quan niệm lấy vợ có trâu thêm nghé là mừng, gái nết na ở mường đắt chồng lắm, huống chi Út Hồng đang vào độ tươi thắm như đóa hoa sim mơn mởn. Nghe xong, bà Lân mỉm cười vào đủn thêm cây củi vào bếp. Mỗi tối, ngôi nhà sàn thưng gỗ dổi đẹp nhất bản rậm rịch bước chân trai bản vào ra tấp nập, bà Lân phải ủ sẵn ấm nước lá vang đỏ trên sàn bếp khách. Nay bà Lân vui lắm, mãi rồi Út Hồng cũng ưng thuận lấy Điền làm chồng. Con rể tương lai của bà, một chàng trai hiền lành chất phác, con trai người bạn vong niên của Bố Lân là ông Thóc ở bản Nước Lớn. Bố Lân đang mong đợi đám cưới thật to, tính sẽ mổ con bò béo nhất, sẽ cho chàng rể khu rừng quế ở chân núi Lớn, sau này vợ chồng ông mới yên tâm về với tổ tiên. Tin Út Hồng sắp lấy chồng như một làn gió nhanh chóng bay khắp mường trong, mường ngoài.

Chủ nhật, Bố Lân tính đi phát cỏ rừng quế, chứ mấy nữa gặt xong lại làm đám cưới, chắc cỏ tốt ngợp, mùa tháng năm trâu nằm ăn cỏ, ông bà đã dậy thế rồi. Ông mặt trời còn đang ngủ, Bố Lân đã trở dậy mài con dao đi rừng, ăn bát xôi đồ với thịt dím nướng, uống một chén rượu, gọi bé Thu Quế dậy xuống vườn chơi với bà. Bố Lân vừa cầm dao và dắt ngựa ra đến cổng thì phải dừng lại.

Khách đang láo liên đôi mắt hỏi thăm nhà cô Thu Hồng, Bố Lân liếc một lượt từ đầu đến chân khách. Gã trai chưa đến ba mươi, mặc quần bò đính nhiều túi to nhỏ, buộc xủng xoảng dây xích, áo sơ mi cộc tay hoa lá chim cò, ngực phanh lộ hình xăm đầu con hổ nhe nanh. Khuôn mặt mỏng dính, nước da xanh tái, đôi mắt một mí hùm hụp như thiếu ngủ, riêng có cặp lông mày đen sắc sảo. Dáng vẻ ấy khiến Bố Lân không yên tâm chút nào. Bố Lân quay về sân, buộc ngựa vào gốc mận, tiện tay ném con dao sắc lẹm cạnh chân con Tía, mời khách lên sàn bếp khách, như thói quen hiếu khách của người Mường.

Bé Quế sà vào lòng ông ngoại, ngước nhìn khách vẻ tò mò, đôi lông mày đen như nét vẽ hơi nhíu lại như muốn hỏi khách là ai, từ đâu tới? Bố Lân vuốt tóc bé Quế bảo xuống sân chơi ngoan, đến chiều ông cho đi rừng bắt con chim xanh. Bé Quế nghe lời ông, chạy xuống sàn nước gọi toáng lên, bà ngoại ơi con được ông ngoại bắt cho con chim xanh. Khách nhìn theo hút bóng bé Quế nhảy chân sáo xuống vườn.

Khách mở lời lễ phép, thưa bác con là bạn cô Thu Hồng. Bố Lân rót ra cốc nước lá vang đỏ thẫm màu máu và điềm đạm nói, con gái tôi vắng nhà, anh từ xa đến thì ở chơi, trâu ra đồng ăn cỏ người đến nhà uống nước ăn cơm.

Khách tỏ vẻ lúng túng, cầm cốc nước rồi ngồi im như thóc cất giàn bếp. Cái đầu cờm cợp tóc đến gáy khẽ ngúc ngắc, Thu Hồng đi đâu, khi nào về? Mình có nên nói tuột ra con là bố đẻ bé Thu Quế, con đến thăm nhạc phụ và mong cho phép nhà con đoàn tụ. Chứ nhìn đôi lông mày kia là biết ngay con gái của mình rồi.

Đôi mắt một mí sùm sụp của gã trai nhìn quanh. Nhà nhạc phụ cũng khá khẩm ra phết, nhà này dỡ ra bán gỗ được đống tiền, gỗ tấm dày tăm tắp thế kia. À, giàn chiêng cồng treo lúc lỉu xà ngang chắc là đồ cổ, trăm chiếc kia thì đếm tiền mỏi tay. Chỗ gian thờ xếp mấy cái thạp hoa cúc, đại gia đồ cổ nhìn thấy chắc bê luôn. Gian trong hơi tối, vẫn nhìn rõ chục vò gốm xếp chồng lên nhau, bịt miệng kín thế chắc đựng toàn của quý. Còn nghe dân phố đồn cánh rừng quế giáp bờ Ngòi của nhạc phụ, vì rừng quế ấy mà mình mò về đây. Mẹ nói gã có số chuột sa chĩnh gạo thế mà đúng, gã thầm đắc ý.

Mẹ gã buôn bán giàu có, nhưng cấm cửa bố con gã lâu rồi, để toàn tâm toàn ý với tình nhân trẻ. Gã không cần bố và mẹ, gã không chết đói được vì đã có gái nuôi. Nhưng gã vẫn cần tiền, đôi khi đảo qua nhà, mẹ gã quẳng cho xấp tiền bảo: "Biến đi cho rảnh nợ". Hồi thuê cái nhà nửa ở, nửa làm cửa hàng, Thu Hồng không nói nhà giàu có, gã nghĩ Thu Hồng là con gà ở quê lên phố mong kiếm cơ hội đổi đời. Nếu biết nhà Thu Hồng giàu thế này thì một tờ giấy kết hôn có là gì, gã làm giấy kết hôn với bất cứ cô nào nếu gã muốn. May giờ vẫn còn con bé con kia, mà nó nhìn mình chằm chằm như thể mình không phải là bố của nó, giờ làm sao cho con bé nhận bố? Ý nghĩ đổ đến dồn dập như cơn lũ đầu mùa làm gã quên mất phải trả lời câu hỏi của chủ nhà.

Bố Lân lẳng lặng quay ra cầm điếu thuốc lào lên vê mồi thuốc, rút cái đóm tre ngâm chẻ sẵn, phơi khô cài trên mái gianh, châm vào bếp, cái đóm nỏ cháy tàn cong veo trắng xóa mà Bố Lân vẫn chưa mồi thuốc xong. Bố Lân ước gì cầm cái điếu cày mà nện thẳng vào mặt thằng mất dạy kia cho nó cuốn xéo đi.

Bố Lân đã thấy cái mắt một mí của nó nhìn theo bé Quế. Thành Hoàng làng đã nhận nhập hồn con bé vào bản này, mày đừng hòng mang nó về phố, mày đã bỏ rơi hai mẹ con từ hồi còn trứng nước kia mà. Nhìn thằng trai này, tướng mặt mũi đã thấy gian xảo lưu manh. Muốn làm con rể nhà này phải một tay lên rừng xuống ruộng, cầm thừng dắt trâu cày phăng phăng, chứ đâu cày đường nhựa nằm ngửa ăn sẵn.

Có tiếng chân bước rậm rịch lên thang, chưa thấy người đã nghe tiếng oang oang, bé Thu Quế đâu rồi, ra đây cậu cho con chim xanh này. Chàng trai dáng vẻ vạm vỡ bước vào, giật mình nhìn khách, a bố có khách xa đấy à? Cái lồng chim bị buông rơi xuống sàn, con chim nhỏ có bộ lông óng ánh xanh, mổ lách chách vào nan lồng như muốn thoát ra.

Bố Lân hỏi, nay thằng Ly không đi rừng quế phát cây à, để cỏ rậm con hổ mò về đấy. Đợi Bố Lân ra bếp rút củi, Ly đến bên khách nói nhỏ, cậu mò về đây làm gì, tôi đã cấm cậu rồi cơ mà?

Vừa lúc Bố Lân bước ra, khách bối rối lấm lét nhìn lên và nói lễ phép, vờ như không nghe thấy Ly vừa hỏi, vâng ạ, em là bạn cô Thu Hồng. Bố Lân nói với khách, đây là thằng Ly, con cả của tôi, nó có ba đứa em trai nữa đấy, bố Lân nhấn mạnh giọng nói đầy ngụ ý. Ly liếc nhìn mặt khách, thái độ lạnh lùng, đôi mắt nhíu lại. Cậu ta biết quá rõ về gã trai. Ly mím môi quay người nhìn nơi khác, vừa như muốn bỏ đi, lại không thể không chào hỏi, phần sợ bố biết mình quen khách từ trước. Thái độ kỳ lạ của Ly khiến Bố Lân ngạc nhiên. Ly liếc nhìn Thuận và nói, bố ơi, để con nấu cơm canh cho khách uống rượu, coi như con gặp bạn cũ.

Suốt bữa ăn, Ly uống cầm chừng, còn khách uống tì tì, dốc hết chén này đến chén khác, đúng là rượu ngọt uống không biết say. Ly giơ chén lên nói vẻ thân thiết, nhưng mắt gườm gườm, cậu uống hết chén này, rồi đi về nhà cậu mà ngủ. Khách gật gù nhưng con mắt liếc ngang, tôi ngủ nhà bố có được không? Bố Lân uống ít, tỏ vẻ để khách tự nhiên nhưng thái độ và lời nói của hai đứa không lọt qua mắt.

Thằng khách uống một chén, trầm trồ, lắp bắp nhà sàn gỗ đẹp, uống hai chén khen nức nở con ngựa này nấu cao tốt lắm, thật ngứa tai quá. Nghe chúng nó nói chuyện hình như có chuyện gì cãi nhau, lẽ nào chúng quen nhau? Lát phải hỏi thằng Ly mới được. Uống xong, khách rủ thằng Ly xuống xem con Tía. Bố Lân bảo, cậu cẩn thận, nó thấy người lạ đá cho đấy, anh đứng xa ra, con Tía khôn lắm, nó hiểu tiếng người đấy, anh nói gì nó biết nghe hết đấy.

Bố Lân ngồi trên cửa voóng ngó xuống. Kìa, thằng khách đang đứng sát bên con Tía, cầm cái bờm giật ngược lên, đưa ngón tay vạch mi mắt, vạch hàm con Tía ra để đếm răng, lại còn nói con này được tuổi lắm, nồi cao chất lượng phải biết. Thằng khách vòng ra sau xem cái khoáy mông con Tía.

Bất ngờ con Tía hí lên một tiếng, hất chân sau đá thẳng vào mặt thằng khách. Ối á…á..á, Thuận rú lên ôm mặt lộn cổ lăn mấy vòng. Thuận lồm cồm bò dậy, cái mặt nhầy nhụa máu và bụi đất, gầm lên, tao thì giết nó. Con Tía hoảng hốt nhẩy chồm lên. Thuận nhặt con dao rựa sắc lẻm, nghiến răng bổ sập một nhát vào lưng con Tía, khiến nó hí lên tiếng dài đau đớn.

Vừa lúc, Ly lao tới giật lấy con dao trong tay Thuận. Trước khi khuỵu xuống, con Tía đã kịp chồm hai chân trước đá hất vào mặt Thuận, khiến gã trai văng ra, ngã ngửa, đập gáy vào chiếc cối đá lớn dùng giã chuối lợn. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, khi Bố Lân chạy xuống thì Thuận đã nằm thẳng đuỗn bên cái cối đá, máu ộc ra một bên tai. Sau một tuần hôn mê trong bệnh viện, Thuận đã chết.

4.

Từ khi Ly bị tạm giam ở Công an huyện, nhà Bố Lân buồn thảm như có đám. Ly khai rõ mọi chuyện. Ly nhớ lần đầu gặp Thuận là ở cửa hàng của Út Hồng. Hôm ấy, Thuận và Út Hồng đang cãi nhau. Út Hồng đòi số tiền vay hộ để Thuận góp vốn làm ăn với bạn. Biết chuyện, Ly chỉ mặt Thuận và nói, tôi không biết quan hệ giữa cậu và em gái tôi, nhưng theo lẽ phải thì cậu nhờ em gái tôi vay hộ tiền để buôn bán, nay đến hẹn trả thì cậu phải sòng phẳng cả vốn lẫn lãi, như thế mới đáng mặt thằng đàn ông chứ? Tôi nói cậu biết, cậu mang tiền trả cho em gái tôi ngay, trước đây cậu chưa biết tôi thì nay cậu biết rồi nhá, đừng để tôi phải nói lần nữa? Thuận lúng búng trong miệng rồi lảng dần ra cửa và chạy biến mất dạng. Nay gặp lại ở nhà Bố Lân, Ly hỏi Thuận về số tiền vay nợ chưa trả, Thuận chối bay chối biến. Hai người có cãi nhau về chuyện đó.

Đã vài tháng nay, Bố Lân vừa mong đợi phiên tòa xử Ly, vừa chữa vết thương cho con Tía. Không hiểu sao, Bà Lân đi rừng lấy bao nhiêu loại lá thuốc đắp nhưng vết thương trên lưng con Tía bị nhiễm trùng, lở loét hoại tử ăn sâu lộ xương sống trắng hếu. Nó nằm phủ phục trên đất, đôi mắt lờ đờ buồn rầu nhìn ra đường. Cả cuộc đời hiền lành chăm chỉ trèo rừng lên nương xuống ruộng, vậy mà nó phải trải qua chuỗi ngày nhiều đau đớn đến vậy. Nó không hiểu vì sao thằng người thành phố lại tự dưng mò về mường và gây ra cái chết thảm thương cho chính mình, phá tan cuộc sống yên lành hiền hòa của gia đình chủ nó. Con người thành phố là loài hung dữ nhất mà con Tía từng biết, ông chủ nó chẳng thích gì cuộc sống thành phố náo nhiệt xa hoa phù phiếm. Lẽ nào sự va đập giữa thị thành và làng bản khiến nó phải trả giá bằng vết thương đau đớn suốt đời rỉ máu? Nó không hiểu tại sao thân phận một con ngựa, lại phải mang sinh mạng mình để trả giá cho sự tham lam và ác độc của thằng người thành thị?

Hôm nay, từ sáng sớm Bố Lân đi bộ lên huyện để dự phiên tòa xử Ly. Lần đầu tiên, Bố Lân đi lên huyện mà không có con Tía đưa đi. Từ hôm Ly bị tạm giam, thì bà Lân cũng héo hon bỏ ăn bỏ ngủ phát ốm cả tháng nay. Thu Hồng phải trông bé Quế đang sốt cao. Hôm nay, chỉ có Bố Lân và ba con trai đi dự phiên tòa. Suốt một buổi sáng dài đằng đẵng, Bố Lân chăm chú nghe mà không hiểu lắm những tranh tụng, rồi luật sư cãi rất dài, rồi ông thẩm phán nói cũng rất nhiều. Lúc phiên tòa tạm nghỉ để ra phán quyết cuối cùng, Bố Lân sao thấy dài đằng đẵng bằng cả cuộc đời bảy mươi năm của mình.

Cuối cùng, phiên tòa cũng họp trở lại. Ông Chánh án tuyên bố, do bị cáo Bùi Thanh Ly phạm tội lần đầu không cố ý, lại chưa có tiền án tiền sự, gia đình và thân nhân tốt, gia đình đã đền bù đủ tiền cho nạn nhân theo quy định của tòa án, bị cáo có khả năng giáo dục được, chiểu theo điều luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nay bị cáo Bùi Thanh Ly được hưởng án treo ba năm, tự giáo dục tại cộng đồng hai năm. Ối chà, Bố Lân thấy mình như con cá mắc cạn đang ngáp ngáp hết hơi được thả xuống dòng suối mát lạnh chảy lanh canh ríu rít reo vui trên các tảng đá. Thôi, nay phải về bảo thằng Ly từ giờ không được ra phố chơi bời làm ăn gì nữa hết. Đận này về nhà, phải chuyên tâm chăm sóc rừng quế. Cánh rừng quế nhà thằng Ly sang năm là đủ tuổi khai thác rồi.

Hôm nay, con Tía nó không cố gượng được nữa, nó từ từ khuỵu xuống khi cái xương sống gãy gập. Nó cố gắng đợi ông chủ về để gặp lần cuối nhưng không kịp rồi, phiên tòa đến chiều mới xong. Nó nhìn ngóng lên cánh rừng quế và ngọn núi Lớn, nơi nó từng tung bờm kiêu hãnh lần cuối, rồi mới từ từ khép đôi mắt tinh tường lại, bờm lông dày mượt rủ chùm quét đất, kết thúc cuộc đời vinh quang trong cay đắng và đau đớn. Trước khi đôi mắt ngựa khép lại, con Tía còn kịp nhìn thấy bé Thu Quế ôm chặt lấy mẹ, đôi mắt con bé mở to kinh hãi nhìn con ngựa đầy thương xót. Ngày con Tía chết, mưa dầm mịt mờ phủ trắng rừng quế.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/buoc-ngua-vao-goc-cay-man-i688315/