Bước nhảy vọt của kháng chiến trường kỳ

Kế thừa kinh nghiệm từ lịch sử, trong chiến tranh chống Mỹ, Đảng ta tiếp tục đề ra phương châm đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước, tiến tới chủ động tiến công.

Bước nhảy vọt vĩ đại

Cuộc kháng Chiến chống Mỹ cứu nước là thử thách khốc liệt đối với Đảng ta, quân và dân ta khi buộc phải đương đầu với một kẻ thù tàn bạo, có tiềm lực kinh tế, quân sự và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta tiếp tục đề ra phương châm đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước, tiến tới chủ động tiến công.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa”. Và thực tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kéo dài tới 21 năm, là thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi là kết quả của một quá trình lâu dài huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của cả dân tộc với cùng một quyết tâm sắt đá phải giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một bước nhảy vọt của kháng chiến trường kỳ”(1).

Đành rằng, về mặt chỉ đạo chiến dịch, sự kiện lịch sử vĩ đại ngày 30/4/1975 là kết quả trực tiếp từ thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” (Bức điện khẩn ngày 7/4/1975 do Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Trong quan điểm của Đảng, chiến lược đánh lâu dài không phải là kéo dài vô thời hạn chiến tranh mà phải nắm vững quy luật vận động, nắm thời cơ, vận dụng các nhân tố, tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian ngắn, càng nhanh chóng kết thúc chiến tranh càng tốt. Từ những bước thắng lợi trước đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi”(2).

Cũng như kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã khai thác tiềm lực to lớn của toàn dân, không kể vùng miền, dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, từ đó củng cố thế và lực. Với đường lối đúng đắn đó, quân và dân ta đã làm thất bại lần lượt các loại hình chiến tranh của Mỹ như: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh… Điều đáng nói, trong các bước phát triển của kháng chiến, căn cứ vào thực tế chiến trường, quân và dân ta đã chủ động đánh những đòn quan trọng, tạo bước ngoặt như: lựa chọn địa bàn Tây Nguyên làm chiến dịch mở đầu cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là sự táo bạo, chính xác nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chia cắt và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam.

Trong thành quả chung, mọi người dân Việt Nam đều nhìn thấy rõ sự đóng góp to lớn của quân và dân miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lực lượng cách mạng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn nhờ phương châm trường kỳ kháng chiến. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhờ chủ động lực lượng, quân và dân miền Nam đã cùng quân và dân cả nước “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chứng minh “liên minh sai lầm”

Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền tay sai do bàn tay gây dựng của đế quốc Mỹ. Rõ ràng, đế quốc Mỹ đã thể hiện rõ âm mưu thâm độc là chia cắt đất nước ta, từng bước gây dựng chính quyền đặt dưới sự điều hành của chính quyền Washington. Nhưng, tất cả sự thật đã bị phơi bày. “Liên minh sai lầm” (tên cuốn sách của Edward Miller) đã phải trả giá vì không thể nào giành thắng lợi trước sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu.

Bài học trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn mãi với thời gian. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, đã có không ít liên minh sai lầm, đẩy tình thế một số quốc gia vào bối cảnh khó khăn. Việt Nam, trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đã thấm sâu bài học xương máu về độc lập dân tộc, sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cuộc cách mạng của Việt Nam sẽ khó thành công nếu không dựa vào thực lực của mình là chính, cùng đó là tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Khát vọng về một Việt Nam độc lập luôn cháy bỏng trong mỗi người dân. Hơn dân tộc nào hết, Việt Nam hiểu thấu sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi của chiến tranh khi mỗi tấc đất ở xứ sở này đều thấm những giọt máu đào của biết bao người con ngã xuống. Với nền độc lập vững chắc, Việt Nam ngày càng phát triển, trong đó hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới; nếu cách đây 30 năm, chúng ta có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ, thì đến năm 2023 đã là 230 nước và vùng lãnh thổ… “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chiều 10/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tiến hành họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm. Hai bên đã ra Tuyên bố Chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Đảng ta khẳng định: tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển KT-XH, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước trên thế giới, tạo thế đan xen có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác(3).

Với tất cả niềm tự hào dân tộc, chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối rằng, chiến thắng 30/4/1975 tiếp tục tạo thêm nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011), thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với công sức, xương máu của bao thế hệ tiền nhân đã đánh đổi.

----------------

(1). Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam (tập IV), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 252.

(2). Bộ Quốc phòng - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh, Biên niên sự kiện Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1930-2000), NXB QĐND, Hà Nội, 2021, tr.198.

(3). Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Mạnh Hà

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/buoc-nhay-vot-cua-khang-chien-truong-ky-post265540.html