Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hong Kong (Trung Quốc)
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, điểm nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong trong năm 2023 chính là kể từ ngày 25/10 chính quyền Hong Kong đã chính thức mở thị thực lao động cho lao động tay nghề cao của Việt Nam, đồng thời cấp thị thực 24 tháng nhiều lần cho doanh nghiệp và du khách Việt Nam có nhu cầu. Đây là thành quả của cả một quá trình vận động, phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng của hai bên.
Trong gần 3 năm, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã bền bỉ nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng, thành viên Hội đồng Lập pháp, hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân có ảnh hưởng của Hong Kong để vận động yêu cầu thay đổi chính sách đối với lao động Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để xử lý một số vấn đề tồn đọng mà phía Hong Kong quan tâm. Sự thay đổi này một mặt đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, thu hút nhân tài của Hong Kong, mặt khác mở ra rất nhiều cơ hội về việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thuận lợi hóa đi lại cho giới doanh nhân và người dân Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Anthony Lam - Phó Chủ tịch điều hành Liên đoàn Công nghiệp Hong Kong cho rằng thật tuyệt vời khi Hong Kong mở thị thực lao động cho công dân Việt Nam bởi đây là vấn đề vốn đã tồn đọng từ rất lâu và là cuộc đàm phán rất dài và vất vả. Theo ông Anthony Lam, trong những năm qua, thương mại và đầu tư giữa Hong Kong và Việt Nam ngày càng phát triển, với mức tăng trưởng trung bình 14,5% trong vòng 5 năm qua, đây thực sự là con số hết sức ấn tượng. Điều đó có nghĩa là việc trao đổi nhân lực giữa hai bên đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, Hong Kong còn là trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia hoạt động tài chính hoặc IPO, cũng như các nghiệp vụ khác trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Như vậy cần có nhiều hơn nữa sự giao lưu, kết nối, tương tác về con người giữa Việt Nam và Hong Kong. Ngoài ra, hiện nay ở Hong Kong, rất nhiều người sử dụng công ty dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ cho họ tại Hong Kong, nếu sự đi lại giữa Hong Kong và Việt Nam không thuận tiện thì việc hợp tác rất khó thực hiện. Hiện tại, dưới sự vận động ngoại giao của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong, hai bên có thể tăng cường mối quan hệ song phương và cùng nhau phát triển hơn nữa về thương mại và đầu tư.
Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm mà các công ty Hong Kong có thể định hướng người dân Hong Kong và các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, đây là thị trường rất tiềm năng và có cơ hội phát triển.
Theo ông Anthony Lam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hong Kong vào Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới. Hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ và trở thành một trung tâm sản xuất rất quan trọng, với lợi thế đó dòng vốn đầu tư từ Hong Kong vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn trong tương lai.
Luật sư Doãn Quỳnh Linh – Trưởng bộ phận Luật doanh nghiệp và tài trợ dự án tại châu Á của hãng luật quốc tế Watson Farley Williams, cho biết trong gần 16 năm sinh sống và làm việc tại Hong Kong, chị luôn chờ đợi thông tin này và có thể khẳng định đây là thành tựu lớn nhất của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hong Kong trong thời gian qua, điều này sẽ mở ra trang mới cho quan hệ giữa Hong Kong và Việt Nam. Theo luật sư Doãn Quỳnh Linh, các rào cản từ phía Hong Kong chủ yếu do yếu tố lịch sử của những thập kỷ 1970 và 1980 của thế kỷ trước và việc Hong Kong cấp thị thực cho người Việt Nam sang sinh sống, làm việc tại Hong Kong cho thấy những khúc mắc trong quá khứ này đến nay đã từng bước được tháo gỡ.
Theo luật sư Doãn Quỳnh Linh, cùng với chính sách thị thực mới này, cộng đồng người Việt Nam sẽ dần tăng lên, nhiều người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ sẽ sang Hong Kong sinh sống và làm việc, góp phần đa dạng hóa cộng đồng Việt Nam tại Hong Kong, trở thành những cầu nối giữa hai bên.
Hong Kong là một trung tâm kinh tế - tài chính của khu vực châu Á, nhiều công ty đa quốc gia và Trung Quốc đặt trụ sở chính tại đây. Các công ty Việt Nam có mong muốn mở rộng kinh doanh ra bên ngoài hoàn toàn có thể chọn Hong Kong làm điểm trung chuyển để thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các công ty của Việt Nam cũng có thể cử các chuyên gia và nhà quản lý từ Việt Nam sang Hong Kong làm việc, đồng thời các công ty quốc tế, công ty Trung Quốc hay công ty Hong Kong có thể mời các chuyên gia từ Việt Nam sang Hong Kong để nghiên cứu và trao đổi.
Theo luật sư Doãn Quỳnh Linh, Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, trong đó đa số là đang ở trong độ tuổi lao động, chăm chỉ cần cù trong học tập, sáng tạo trong công việc nên việc mở cơ hội cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hong Kong cũng góp phần đóng góp tích cực vào nền kinh tế Hong Kong nói riêng và quan hệ Việt Nam - Hong Kong nói chung.
Hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong trong lĩnh vực giáo dục cũng đang có nhiều tiến triển. Hong Kong là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới với 5 trường nằm trong top 70 (theo bảng xếp hạng QS 2024), nền kinh tế mở, năng động và giàu sức cạnh tranh, cùng với chính sách trọng dụng người tài, chính quyền đặc khu đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên nước ngoài tới học tập và làm việc. Tận dụng thế mạnh này để phục vụ sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, trong 3 năm qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã tích cực vận động các trường đại học tại Hong Kong tăng cường tuyển sinh, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2022, trường Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK) hiện xếp hạng 10 châu Á và 47 thế giới đã xây dựng riêng Chương trình học bổng bậc đại học cho sinh viên Việt Nam, hoạt động theo phương thức Tổng Lãnh sự quán phối hợp cùng CUHK vận hành, điều phối. Từ 30 suất học bổng cho 5 trường trong năm 2022, CUHK cam kết dành 96 suất cho 16 trường của Việt Nam trong năm 2024, đây thực sự là một bước nhảy vọt ấn tượng.
Năm 2023, Đại học Hong Kong (HKU), xếp hạng thứ 2 châu Á, 26 thế giới đồng ý đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia ưu tiên tuyển sinh. Ngay trong mùa tuyển sinh 2024, HKU sẽ dành 20 suất học bổng bậc đại học và 6 học bổng bậc cao học (ngành kinh doanh) cho một số trường hàng đầu của Việt Nam. HKU cũng là trường đại học đầu tiên của Hong Kong có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua việc mở Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phan Quang Tuấn, Phó Giáo sư tại trường Kinh doanh thuộc Đại học Hong Kong (HKUBS), Trưởng Văn phòng đại diện của Đại học Hong Kong (HKU) tại Việt Nam cho biết Hong Kong là một trong những nơi có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, với 8 trường đại học danh tiếng, nơi đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng trên toàn cầu. Có thể nói, hệ thống giáo dục tại Hong Kong đã phát triển từ rất lâu đời nên cũng mang lại nhiều giá trị độc đáo.
Phó Giáo sư Phan Quang Tuấn cho rằng cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hong Kong đã thực hiện xuất sắc vai trò kết nối và tháo gỡ nút thắt trong việc cấp thị thực cho người Việt Nam đến Hong Kong làm việc. Đây sẽ là cơ hội lớn cho sinh viên, phụ huynh, doanh nhân Việt Nam và thậm chí cả khách du lịch đến Hong Kong để trải nghiệm, hiểu thêm về cuộc sống ở Hong Kong. Việc Hong Kong mở cửa thị thực cho Việt Nam là bước đệm rất quan trọng đối với quan hệ hai bên trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là kinh tế, giáo dục, du lịch.
Hiện nay, HKU đã tuyển sinh một số sinh viên Việt Nam theo học cả bậc cử nhân và cao học tại trường. Điều này thực sự đã đặt nền tảng quan hệ bền chặt giữa hai bên, mở ra tương lai đầy triển vọng giữa Hong Kong và Việt Nam. Theo Phó Giáo sư Phan Quang Tuấn, ở một khía cạnh nào đó, giáo dục có thể giúp cải thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam với Hong Kong, thậm chí là Trung Quốc.