Bước thăng trầm của Nhà máy Xi măng Lào Cai
Nhà máy Xi măng Lào Cai từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp tỉnh Lào Cai. Qua nhiều thăng trầm với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, hoạt động của nhà máy ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, ít người biết sản phẩm của nhà máy vẫn đang tỏa đi khắp các huyện, thành phố để phục vụ thi công các tuyến đường giao thông nông thôn.
Vang bóng một thời
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi tỉnh Lào Cai vừa được tái lập, giữa bộn bề khó khăn, tỉnh vẫn quyết định dành nguồn lực xây dựng nhà máy xi măng để chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng trong công cuộc xây dựng hạ tầng. Năm 1994, nhà máy xi măng được khởi công. 2 năm sau, nhà máy bắt đầu cho ra lô sản phẩm đầu tiên và trở thành niềm tự hào của ngành công nghiệp Lào Cai thời điểm đó. Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên cán bộ kỹ thuật công nghệ Nhà máy Xi măng Lào Cai, làm công nhân tại mỏ apatít hơn 10 năm thì chuyển sang nhà máy xi măng và là thế hệ công nhân đầu tiên của nhà máy. Ông Tình cho biết, thời đó nói về sản xuất công nghiệp Lào Cai thì sau mỏ apatít là người ta nói ngay đến Nhà máy Xi măng Lào Cai.
Cuối những năm 90, đầu những năm 2000 có thể được xem là thời kỳ “hoàng kim” của Nhà máy Xi măng Lào Cai khi nhà máy hoạt động ổn định, chất lượng xi măng đảm bảo, các công trình của tỉnh cũng ưu tiên sử dụng nên sản phẩm tiêu thụ mạnh và có tiếng trên thị trường. Ông Tình cho biết thêm, so sánh về chất lượng thời kỳ ấy thì sản phẩm xi măng Lào Cai không hề thua kém bất cứ sản phẩm xi măng nào trên thị trường, đây cũng là đánh giá của các doanh nghiệp xây dựng chứ không phải chủ quan và minh chứng là nhiều công trình được xây dựng từ rất lâu sử dụng xi măng Lào Cai đến nay vẫn hoạt động bền bỉ.
Uy tín trên thị trường được khẳng định, nhà máy hoạt động hết công suất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Có thời điểm, xe tải chờ lấy hàng kéo dài vài trăm mét trước cổng nhà máy, sản phẩm xi măng Lào Cai còn vươn ra các tỉnh lân cận. Ông Tình nhớ lại, giai đoạn 2003 - 2004 có thể xem là giai đoạn đẹp nhất của Nhà máy Xi măng Lào Cai. Thời điểm ấy, riêng phân xưởng sản xuất xi măng có tới hơn 200 công nhân (ngoài ra còn có phân xưởng tấm lợp, đóng bao), việc làm ổn định, thu nhập ổn định, nhiều người tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo công nhân của Nhà máy Xi măng Lào Cai.
Nhưng cũng đúng vào thời điểm “ăn nên làm ra” nhất thì hoạt động của nhà máy bắt đầu bộc lộ những bất cập khi ban lãnh đạo quyết định đầu tư dàn trải sang nhiều lĩnh vực khác như thủy điện, khai thác mỏ đá và ít quan tâm đến hoạt động chính là sản xuất xi măng. Sau một thời gian dài hoạt động, dây chuyển sản xuất xi măng không được duy tu, bảo dưỡng nên dần hư hỏng, xuống cấp. Cùng với đó, việc khoán sản phẩm quá thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào không có nhiều thay đổi khiến việc tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm xi măng, trong khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mới làm cho xi măng Lào Cai dần mất thị phần. Giữa lúc khó khăn, việc cổ phần hóa nhà máy tưởng như là chiếc phao cứu sinh để đưa nhà máy hoạt động ổn định trở lại, tuy nhiên những quyết định chưa phù hợp khi đầu tư nhà máy xi măng và sản xuất tấm lợp tại tỉnh Lai Châu trước đó đã khiến nhà máy ngập trong các khoản nợ ngân hàng.
Năm 2011, Nhà máy Xi măng Lào Cai giải thể và được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Nam Tiến. Trong số hơn 300 công nhân của nhà máy, Công ty Cổ phần Nam Tiến chỉ tiếp nhận được 30 người. Nhiều công nhân mất việc làm trong khi đã lớn tuổi nên việc liên hệ tìm công việc mới gặp nhiều khó khăn. Nhà máy xi măng giải thể cũng “chôn vùi” theo khoản tiền mua cổ phần của hàng chục công nhân. Ông Nguyễn Văn Tình cho biết, khi cổ phần hóa, nhiều công nhân thấy nhà máy khó khăn nên đã do dự mua, tuy nhiên sau đó vì nhiều sức ép nên công nhân buộc phải mua theo danh sách đã có từ trước. Ông Tình là công nhân lâu năm nên được công ty “tạo điều kiện” cho mua cổ phần trị giá hơn 17 triệu đồng. Cầm tờ phiếu thu nhàu nát, ông bảo bây giờ giữ lại làm kỷ niệm chứ chẳng còn tác dụng gì.
Thay đổi để tồn tại
Tiếp quản Nhà máy Xi măng Lào Cai, Công ty Cổ phần Nam Tiến tiếp tục đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng để lắp ráp lại dây chuyền nghiền xi măng, thay đổi quy trình sản xuất. Nhà máy xi măng mới được lắp đặt 2 dây chuyền nghiền với công suất 90.000 tấn/năm, sản phẩm xi măng Lào Cai được mang một cái tên mới - xi măng Vinafuji.
Ông Nguyễn Duy Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tiến cho biết: Sau khi nghiên cứu dây chuyền công nghệ, ban lãnh đạo công ty thống nhất không khôi phục sản xuất clinker vì không đảm bảo môi trường cho khu dân cư lân cận. Do đó, công ty nhập clinker từ các nhà máy xi măng khu vực lân cận về nghiền tại nhà máy này. Gần 1 năm sau khi tiếp nhận nhà máy, cuối tháng 11/2011, các dây chuyền mới bắt đầu hoạt động thử và đến đầu năm 2012, nhà máy hoạt động ổn định, tái sản xuất.
Nỗ lực lấy lại thị phần bằng cách đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, sản phẩm xi măng Vinafuji được nhiều khách hàng đón nhận và có mặt tại công trường xây dựng nhiều công trình quan trọng của tỉnh. Như một luồng gió mát thổi vào hoạt động của nhà máy xi măng lúc này đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai. Sản phẩm xi măng của Công ty Cổ phần Nam Tiến được ưu tiên lựa chọn phục vụ xây dựng các tuyến đường bê tông khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là thời kỳ hiếm hoi sau khi tổ chức lại sản xuất, nhà máy hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, sản phẩm của Nhà máy Xi măng Lào Cai vẫn tỏ ra lép về so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, hình ảnh của nhà máy xi măng cũ kỹ, xuống cấp cũng khiến thương hiệu xi măng Vinafuji bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Duy Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tiến cho biết: Mặc dù bên trong là dây chuyền sản xuất được lắp đặt mới nhưng phía bên ngoài nhà máy xuống cấp và quá cũ kỹ nên nhiều khách hàng có nhu cầu đến liên hệ mua sản phẩm nhìn thấy nhà máy đã tỏ ra không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm khiến chúng tôi mất nhiều khách hàng.
Hoạt động sản xuất ngày càng bị thu hẹp, hiện nhà máy chỉ còn hơn chục công nhân, các dây chuyền sản xuất của nhà máy phụ thuộc vào… thời tiết. Khi trời nắng, việc thi công các tuyến đường giao thông nông thôn thuận lợi thì dây chuyền hoạt động để cung cấp xi măng.
Ông Nguyễn Duy Thái cho biết, Công ty Cổ phần Nam Tiến đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt hệ thống lọc bụi túi, bảo đảm môi trường theo quy chuẩn, nỗ lực khôi phục lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm thì chưa thể giải quyết do nhiều yếu tố tác động, do đó nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn.