Bước tiến đột phá của nhà ga T3

Giữa nhịp sống sôi động của TP Hồ Chí Minh, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng vừa được khánh thành, với mục tiêu công suất phục vụ lên đến 20 triệu hành khách mỗi năm đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh và ngành hàng không Việt Nam.

Ngày 17-4-2025 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không TP Hồ Chí Minh khi chiếc Boeing 787-9 mang số hiệu VN-A868 cất cánh từ Nhà ga T3 vào lúc 9 giờ 30 phút sáng. Đây là chuyến bay đầu tiên của giai đoạn khai thác thử nghiệm công trình Nhà ga T3. Sự kiện này đã mở ra một chương mới về hạ tầng của sân bay có quy mô lớn nhất cả nước. Từ ngày 17 đến 20-4, Nhà ga T3 đã đón chào 24.783 hành khách trên 101 chuyến bay nối liền TP Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội và Vân Đồn, được khai thác bởi Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong đó, nhà ga T3 đã thực hiện 54 chuyến bay đi với 13.118 hành khách, đồng thời chào đón 47 chuyến bay đến với 11.665 hành khách.

Không gian rộng rãi tại khu vực kiểm tra an ninh của nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Không gian rộng rãi tại khu vực kiểm tra an ninh của nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Chị Trần Thị Hương là hành khách trải nghiệm dịch vụ tại nhà ga mới không giấu được phấn khích: “Không gian nhà ga rộng rãi, thoáng đãng đến bất ngờ. Hệ thống thông tin chuyến bay rõ ràng cùng với việc tổ chức khoa học của khu vực check-in và soi chiếu an ninh đã giúp mọi thủ tục trở nên nhanh chóng và dễ dàng, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho hành khách”.

Trong nhiều năm qua, nhà ga T1 quá tải, trở thành "nút thắt cổ chai", gây ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách và hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không. Với sự xuất hiện của nhà ga T3 và hệ thống đường dẫn, cầu vượt đồng bộ với nhà ga, khoảng 80% lượng khách nội địa sẽ được chuyển sang nhà ga mới, giúp giảm tải đáng kể cho nhà ga T1, mang đến cho du khách những hành trình thoải mái và thuận tiện hơn. Với tổng diện tích sàn lên đến 112.500m², bao gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, nhà ga T3 được thiết kế với 2 cao trình riêng biệt cho hành khách đi và đến. Cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm: 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy tự động thả hành lý, 42 gian check-in, 27 cửa ra tàu bay, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách, 6 đảo băng chuyền hành lý đi và 10 đảo băng chuyền hành lý đến. Nhà ga T3 có khả năng đáp ứng công suất phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, phục vụ 7.000 hành khách trong giờ cao điểm và khai thác được tất cả tàu bay Code C và Code E.

Điểm nhấn công nghệ của nhà ga T3 nằm ở việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học toàn diện. Hành khách có thể dễ dàng đặt vé, làm thủ tục check-in và lên máy bay chỉ bằng nhận diện khuôn mặt thông qua ứng dụng VneID, được tích hợp với hệ thống của các hãng hàng không như Vietnam Airlines và Vietjet. Bên cạnh đó, nhà ga T3 còn được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến khác như hệ thống check-in tự động, hệ thống xử lý hành lý thông minh và hệ thống thông tin chuyến bay hiện đại, hứa hẹn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành hàng không và các lĩnh vực dịch vụ liên quan, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, chia sẻ: “Nhà ga T3 đi vào hoạt động là một bước tiến lớn trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng hàng không. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Vietnam Airlines vinh dự được đồng hành bằng chuyến bay Chim Lạc, biểu tượng cho khát vọng Việt, như một lời khẳng định cam kết không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiên phong đổi mới và quảng bá bản sắc Việt trên trường quốc tế”.

Bài, ảnh: BẢO NGÂN - TÂN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/buoc-tien-dot-pha-cua-nha-ga-t3-825964