Bước tiến hứa hẹn

Các quan chức Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo, hai nước sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao và bổ nhiệm lại các đại sứ tương ứng. Động thái tích cực này được thực hiện sau nhiều năm rạn nứt, căng thẳng giữa hai quốc gia Địa Trung Hải.

Nỗ lực hàn gắn

Theo France 24, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1949 trước khi rạn nứt từ năm 2010. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trục xuất đại sứ của nhau vì lực lượng Israel trấn áp các cuộc biểu tình ở biên giới Gaza phản đối việc mở Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, khiến 60 người Palestine thiệt mạng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Yair Lapid (phải)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Yair Lapid (phải)

Tuy nhiên, cả hai quốc gia đã và đang nỗ lực để hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng lâu nay, trong đó năng lượng nổi lên như một lĩnh vực quan trọng cho hợp tác tiềm năng. Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid hôm 17.8 cho biết, “quyết định một lần nữa nâng cấp quan hệ song phương lên mức quan hệ ngoại giao đầy đủ và đưa các đại sứ và tổng lãnh sự trở lại” đã được đưa ra sau cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Israel Lapid và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Văn phòng nhấn mạnh, “việc nâng cấp quan hệ sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa, cũng như tăng cường ổn định khu vực”.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên ở Ankara rằng, việc bổ nhiệm các đại sứ là “một trong những bước để bình thường hóa quan hệ”. Ông phát biểu: “Bước đi tích cực như vậy đã đến từ Israel, và là kết quả của những nỗ lực này, với tư cách Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi cũng quyết định bổ nhiệm một đại sứ tại Israel ở Tel Aviv”.

Ông nói thêm, động thái trên không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ chính nghĩa của Palestine. “Chúng tôi luôn nói rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của Palestine, Jerusalem và Gaza. Điều quan trọng là thông điệp của chúng tôi phải được truyền tải ở cấp độ đại sứ ở Tel Aviv”, ông nhấn mạnh. Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Palestine nhằm thiết lập một nhà nước Palestine độc lập ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng, sụp đổ vào năm 2014, và hai bên đã không tổ chức được các cuộc đàm phán nghiêm túc kể từ đó.

Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Đại sứ quán của nước này sẽ được đặt tại Tel Aviv. Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chỉ định sau khi một danh sách được trình lên Tổng thống Erdogan.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Israel Isaac Herzog vào tháng 3, sau đó là chuyến thăm của cả hai Ngoại trưởng, đã giúp quan hệ song phương nồng ấm hơn sau hơn một thập kỷ căng thẳng. Động thái đó, diễn ra trong bối cảnh Israel đang tìm cách cải thiện quan hệ với các cường quốc trong khu vực, đã được nhất trí sau hai năm Hiệp định Abraham được ký kết, trong đó chứng kiến mối quan hệ bình thường hóa giữa Israel với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Maroc. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát động chiến dịch sửa chữa quan hệ xa cách với một số quốc gia đối thủ như Ai Cập, Israel, Ảrập Xêút vào năm 2020. Các nỗ lực với Cairo cho đến nay đạt được không nhiều tiến triển, song công tác bình thường hóa với Riyadh và Abu Dhabi đang diễn ra tốt đẹp.

Theo Al Jazeera, các yếu tố kinh tế và an ninh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương. Theo một số nhà bình luận, trong vòng một năm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, song với mức lạm phát hơn 70%, Ankara muốn thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nhiều thách thức an ninh ở Syria và lưu vực phía Đông Địa Trung Hải cũng cần được quan tâm. Thổ Nhĩ Kỳ coi Israel là quốc gia mạnh mẽ, và ngược lại, đối với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là cường quốc cân bằng trong khu vực bị Iran đe dọa. Nhưng ngay cả khi quan hệ ngoại giao được khôi phục hoàn toàn, vấn đề Palestine có thể vẫn là “khác biệt gây tranh cãi” giữa hai nước.

Hợp tác năng lượng tiềm năng

Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ có được khí đốt tự nhiên từ Israel được thể hiện rõ ràng trong nhiều tuyên bố đến từ Ankara ngay cả trước khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra, gây lo ngại về nguồn cung. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về mặt năng lượng.

Hồi tháng 2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng phát biểu: “Chúng tôi có thể sử dụng khí đốt tự nhiên của Israel ở đất nước của chúng tôi, và ngoài việc sử dụng nó, chúng tôi cũng có thể tham gia vào nỗ lực chung về việc chuyển khí đốt qua châu Âu”. Trong một tuyên bố khác vào tháng 3, ông tiếp tục khẳng định, “một trong những bước quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện cùng nhau cho mối quan hệ song phương, tôi tin rằng, sẽ là khí đốt tự nhiên”.

Tuy nhiên, theo ông Nimrod Goren, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại khu vực của Israel, hợp tác về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn chưa thể sớm xảy ra. Ông đánh giá, hợp tác năng lượng với Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng đối với Israel và có nhiều tiềm năng, nhưng nó không nhất thiết phải đứng trên mặt trận khí đốt tự nhiên. Theo ông, Israel có các đối tác khác trong khu vực về khí đốt tự nhiên, chẳng hạn như Hy Lạp, Síp và Ai Cập, vì vậy Israel sẽ thoải mái hơn khi hợp tác trong các lĩnh vực khác với Ankara, chẳng hạn như năng lượng tái tạo…

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-tien-hua-hen-i298239/