Bước tiến lớn trong chuyển đổi số ngành Thuế

Thời gian qua, ngành Thuế luôn tiên phong trong chuyển đổi số, tạo thay đổi lớn về phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc, từ đó cùng với Bộ Tài chính hướng tới nền tài chính thông minh; góp phần công khai, minh bạch, phòng chống gian lận thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ngành Thuế đẩy mạnh kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Ngành Thuế đẩy mạnh kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Đi đầu trong xây dựng chính phủ điện tử

Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình chuyển đổi mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuế. Vì vậy, yêu cầu tất yếu đặt ra là ngành Thuế cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đúng định hướng, trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo chuyển biến từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ, cũng như những thay đổi trong cách thức làm việc khi toàn bộ các hoạt động của cơ quan thuế được thực hiện trên môi trường số, những thay đổi trong cách thức cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Với mục tiêu xuyên suốt là chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, đến nay đã có 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, với hơn 17,6 triệu số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận. Đồng thời, có 99,2% doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế; 99,6% doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng với số tiền thuế ước nộp là trên 968,6 nghìn tỷ đồng. 96% doanh nghiệp được hoàn thuế tham gia hoàn thuế điện tử.

Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Các nền tảng công nghệ số được triển khai không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng hơn cho doanh nghiệp. Điều đó được minh chứng ở kết quả nhiều năm liền, Bộ Tài chính nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Chung quan điểm, ông Noguchi Daisuke - Cố vấn trưởng dự án JICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, với việc triển khai thành công các hệ thống thuế điện tử như: eTax, Cổng thông tin trực tuyến, ứng dụng eTax Mobile, ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế”… hệ thống thuế điện tử của Việt Nam hiện không thua kém so với các quốc gia khác và góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Nâng cao xếp hạng về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế

Từ góc độ của người trực tiếp tham gia và quản lý quá trình chuyển đổi số, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ngành Thuế là một trong những lĩnh vực tác động đến đông đảo người dân, doanh nghiệp và đã tiên phong trong việc áp dụng CNTT, chuyển đổi số.

Công tác chuyển đổi số của ngành Thuế được xây dựng theo lộ trình cụ thể, nằm trong định hướng chung của Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2030. Các mục tiêu như áp dụng hóa đơn điện tử, triển khai hệ thống thuế điện tử (eTax) và ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) được triển khai có hệ thống. Việc áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc là một bước đột phá lớn, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí cho cả cơ quan thuế lẫn doanh nghiệp, đồng thời tăng cường minh bạch, giảm sai sót và ngăn chặn gian lận thuế.

Các dịch vụ thuế trực tuyến cấp độ 4 được triển khai rộng rãi. Điều này không những giúp cho người dân và các doanh nghiệp trong nước tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất. Đồng thời, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, qua đó góp phần cải cách hành chính cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tài chính.

Mặc dù công tác chuyển đổi số ngành Thuế Việt Nam có những điểm mạnh nổi bật, tuy nhiên theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế cũng đối diện không ít thách thức để đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời vào sử dụng nhiều hơn các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain để tăng hiệu quả quản lý thuế và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) cho biết, kết quả chuyển đổi số của ngành Thuế được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Thuế còn nhiều việc phải làm và cần có sự đồng hành, tương tác của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế; xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách. Cùng với đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu theo định hướng chính phủ điện tử và chính phủ số.

Tiếp tục ứng dụng CNTT để người dân, doanh nghiệp là trung tâm

“Ngành Thuế tiếp tục phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế)

Tuấn Nguyễn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buoc-tien-lon-trong-chuyen-doi-so-nganh-thue-170276.html