Bước tiến mới chống khủng bố trên mạng
Ngày 27-1, Ủy ban châu Âu (EC) gửi thư thông báo chính thức tới 22 quốc gia thành viên theo Luật của Liên minh châu Âu (EU) về chống phổ biến các nội dung mà lực lượng khủng bố đưa lên mạng Internet trong bước tiến mới nhất về chống khủng bố.
Siết chặt quy định
Luật của EU là khung pháp lý để đảm bảo xóa các nội dung trên trong vòng 1 giờ sau khi nhận được lệnh của cơ quan quốc gia có thẩm quyền và buộc các công ty phải thực hiện các biện pháp đặc biệt khi nền tảng của họ có chứa những nội dung đó. Việc thực thi luật này được coi là cơ sở để ngăn chặn những kẻ khủng bố lạm dụng Internet truyền bá tư tưởng, đe dọa, cực đoan hóa và tuyển mộ trực tuyến.
Theo luật mới, các hãng Internet lưu trữ nội dung do người dùng tải lên, nếu không tuân thủ luật và không xóa được nội dung khủng bố theo quy định thì có thể bị phạt đến 4% doanh thu toàn cầu. Các hãng bị giới chức cảnh báo quá nhiều lần về việc xóa nội dung tiêu cực sẽ bị yêu cầu thực hiện những biện pháp kế tiếp, chẳng hạn như báo cáo thường xuyên hoặc tăng số lượng nhân viên giám sát nội dung độc hại. Luật này cho biết nội dung ở đây có thể là văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc video được thu lại. Nội dung tiêu cực là nội dung kích động, xúi giục khủng bố, cung cấp hướng dẫn thực hiện hành vi tội ác hoặc mời chào tham gia vào hoạt động của các nhóm khủng bố. Nội dung hướng dẫn sử dụng và chế tạo vũ khí, chất nổ, súng cho mục đích khủng bố cũng bị cấm. Tuy nhiên, luật sẽ loại trừ các nội dung được chia sẻ vì mục đích giáo dục, báo chí hoặc nghiên cứu. Ngoài ra, EU cũng chuẩn bị các công cụ pháp lý phù hợp về an ninh mạng và chống khủng bố, như: Chương trình Theo dõi tài chính khủng bố EU - Mỹ. EU cũng chủ trương xây dựng chính sách không gian mạng liên quan đến khuôn khổ chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP). Các nỗ lực an ninh mạng trong EU liên quan đến quy mô phòng thủ trên mạng.
Mở rộng hợp tác
Để tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống thông tin truyền thông hỗ trợ quốc phòng và lợi ích an ninh quốc gia của các nước thành viên, phát triển năng lực không gian mạng nên tập trung vào phát hiện, phản hồi và phục hồi từ các mối đe dọa tinh vi qua mạng. Do các mối đe dọa hết sức đa dạng nên cần tăng cường phối hợp giữa các cách tiếp cận dân sự và quân sự trong việc bảo vệ tài sản mạng quan trọng. Những nỗ lực này cần được hỗ trợ bởi nghiên cứu và phát triển, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và người dân.
Về mặt thể chế, EU là khu vực điển hình về việc xây dựng các thiết chế chống tội phạm mạng nói chung, khủng bố mạng nói riêng. Cơ quan Liên minh châu Âu về an ninh mạng và thông tin (ENISA), hoạt động từ năm 2004, được coi là trung tâm chuyên môn về bảo mật mạng ở châu Âu. Trung tâm tội phạm mạng châu Âu của Europol (EC3), hoạt động từ năm 2013, được xây dựng để tăng cường thực thi pháp luật đối với tội phạm mạng ở EU. Ngoài ra còn có Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo mạng lưới chống tội phạm thông minh, điều phối bởi 10 quốc gia chủ chốt trên toàn EU.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2012, EU cũng triển khai Đội phản ứng nhanh về máy tính (CERT-EU), bao gồm tất cả các tổ chức, cơ quan của EU. Đội phản ứng này được thiết lập ngay ở từng quốc gia, theo khuyến nghị của Chương trình nghị sự kỹ thuật số. Trong phản ứng chính sách của mình, EU đã vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực và kết nối với các đối tác và đồng minh khác. Đầu tiên là kết nối với Mỹ và NATO. Trung tâm Helsinki được thành lập để chống lại các mối đe dọa mạng, tập hợp các nước EU và NATO, bao gồm cả Mỹ và tuân theo các văn bản chiến lược chống lại các mối đe dọa bên ngoài, an ninh mạng và quốc phòng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/buoc-tien-moi-chong-khung-bo-tren-mang-post676851.html