Bước tiến mới chống vi nhựa của EU

Hội đồng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường bằng việc thông qua quy định mới về bao bì và chất thải bao bì. Quy định này nhằm mục tiêu giảm đáng kể lượng rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, đồng thời khuyến khích tái sử dụng và tái chế.

Vi nhựa tràn ngập trên bờ biển Lanzarote ở quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Ảnh: Pew Charitable Trusts

Vi nhựa tràn ngập trên bờ biển Lanzarote ở quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Ảnh: Pew Charitable Trusts

Quy định mới đặt ra nhiều yêu cầu nhằm giảm tác động của bao bì đến môi trường. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải giảm thiểu đáng kể trọng lượng và kích thước bao bì, đồng thời hạn chế sản xuất bao bì không cần thiết. Quy định cũng khuyến khích thói quen tái sử dụng bằng cách kêu gọi người tiêu dùng mang theo đồ đựng cá nhân.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, việc sử dụng các chất độc hại như PFAS trong bao bì thực phẩm sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, quy định đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng tỷ lệ tái chế bao bì, với chai nhựa là trọng tâm, lên đến 65% vào năm 2040. Cuối cùng, nhiều loại bao bì nhựa dùng một lần, đặc biệt là đồ dùng nhựa trong các cơ sở ăn uống và sản phẩm mỹ phẩm nhỏ, sẽ bị cấm hoàn toàn.

Lượng rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, đang là một vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Học giả nổi tiếng Richard Thompson, người đặt ra thuật ngữ vi nhựa trong một bài nghiên cứu năm 2004, vừa công bố một bài đánh giá về các nghiên cứu đã được thực hiện trong lĩnh vực này trong 20 năm qua. Ông R.Thomson cho biết: "Khoa học hiện đang cho chúng ta thấy ô nhiễm vi nhựa thực sự ở khắp mọi nơi, từ những ngọn núi cao nhất đến đại dương sâu nhất. Và tất nhiên, chúng cũng có mặt trong tất cả các loài trên khắp hành tinh".

Tại một diễn đàn do Ủy ban châu Âu và Hungary tổ chức, Winnie Lau, nhà nghiên cứu của Pew Charitable Trusts, New Zealand trình bày dữ liệu sơ bộ về quy mô của vấn đề, cho biết, khoảng 1/3 tổng lượng ô nhiễm nhựa là vi nhựa. Bà W. Lau ước tính lượng chất thải nhựa ra môi trường mỗi năm khoảng 11,4 triệu tấn, trong đó nguồn chính là lốp xe và sơn, tiếp theo là tái chế cơ học, hạt nhựa, hàng dệt may và các hạt cố ý được thêm vào các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân.

Hồi đầu năm nay, chính quyền hai cộng đồng tự trị Galicia và Asturias (thuộc Tây Ban Nha) phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và yêu cầu sự giúp đỡ của Chính phủ Tây Ban Nha về sự cố hạt vi nhựa tràn vào bờ biển. Các công tố viên Tây Ban Nha đã mở một cuộc điều tra do lo ngại những hạt nhựa có thể chứa chất độc gây hại cho hệ sinh thái biển. Đại diện Chính phủ Tây Ban Nha tại cộng đồng tự trị Galicia cho biết, con tàu container Toconao treo cờ Liberia đã thất lạc 6 container vận chuyển ngoài khơi, một trong số các container chứa 1.000 bao tải và mỗi bao chứa 25kg bóng nhựa nhỏ được sử dụng để chế tạo các sản phẩm nhựa.

Việc giảm thiểu và quản lý chất thải bao bì không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Quy định mới của EU được kỳ vọng sẽ là một tấm gương cho các quốc gia khác noi theo, góp phần xây dựng một hành tinh xanh hơn. Việc thực hiện quy định mới sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới, tìm kiếm các giải pháp bao bì bền vững và tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

VIỆT LÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/buoc-tien-moi-chong-vi-nhua-cua-eu-post773781.html