Giải mã sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Bài 4:
KỲ TÍCH SÁNG TẠO VÀ CẢI TIẾN VŨ KHÍ

BPO - Tự tạo ra vũ khí để đánh địch và cải tiến vũ khí khi thu hồi được của địch hoặc vũ khí được viện trợ trở thành sản phẩm độc đáo, tạo ra sức mạnh đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Ngày 7-5-1954, khi tiến vào hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta thu được một tài liệu quan trọng của Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Đó là bộ sưu tập tra cứu bằng tiếng Pháp về các loại vũ khí do quân giới Việt Nam tự chế tạo.

Lời mở đầu, bộ sưu tập viết “Việt Minh đã có cố gắng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật, một quyết tâm rõ rệt... Đã bắt chước hoặc áp dụng có sửa đổi số lớn những vũ khí nhẹ cổ điển, hầu như lúc nào cũng có nhiều sáng tạo và đạt được một số công trình hoàn thiện”. Đây chính là sự thừa nhận thành công của quân và dân ta trong nỗ lực tự nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị để chiến đấu với kẻ thù.

Thực tiễn tại Bình Phước và nhiều địa phương khác trong cả nước cho thấy, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quân đội ta đã tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn tại chỗ như tre, gỗ, đá, lá cây có độc, dây thép gai, vũ khí hỏng, phế liệu thu từ xác máy bay, xe bọc thép, tàu địch bị quân và dân ta bắn cháy, bắn hỏng ở các địa phương để chế tạo vũ khí.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng hiện còn lưu giữ nhiều vũ khí tự tạo của quân và dân Bình Phước khiến kẻ thù khiếp sợ. Đó là những hầm chông, hố đinh. Hầm chông đào sâu chừng quá ngực tới cần cổ. Bên dưới đặt một bàn nhiều cây chông bằng tre vót nhọn hoặc bằng sắt có ngạnh. Vị trí đào hầm chông được chọn nơi địch sẽ đi qua hoặc sẽ vào chỗ đó như nơi treo kẻng, khẩu hiệu… Khi địch càn, ta ngụy trang mặt hầm như đất thường, thế là chúng lọt xuống hầm bị những cây chông đâm vào gây thương tích...

Vũ khí tự tạo của quân và dân Bình Phước được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng - Ảnh: Phú Quý

Hố đinh là hố có những cây đinh dài hơn 1 tấc, được gắn vào miếng gỗ lớn hơn bàn chân. Hố đặt bàn đinh này chỉ sâu tới quá đầu gối được đào và đặt nơi địch sẽ đi qua. Khi chúng đi sẽ sụp chân xuống hố, các cây đinh đâm vào bàn chân khiến bị thương không thể đi tiếp được nên cũng lui quân.

Các cơ sở quân giới của ta không chỉ chế tạo những loại vũ khí thông thường như mìn, lựu đạn để cung cấp cho lực lượng vũ trang tại chỗ đánh địch mà còn nghiên cứu cải tiến, cải biên những loại vũ khí của các nước viện trợ cho ta hoặc thu được của địch. Chẳng hạn, đạn cối 75mm, 81mm được cải biên thành đạn phóng; đạn pháo 155mm thu được của địch thì cải biên thành thủy lôi; bom bi thu được của địch được cải biên thành mìn treo, mìn gài; dàn pháo phản lực bắn loạt của Liên Xô viện trợ cho ta được cải biên thành các ống phóng đơn giản, gọn nhẹ, có thể mang vác được, trang bị cho bộ đội đặc công cơ động và tấn công căn cứ địch...

Để chủ động cải tiến, sửa chữa và sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến lâu dài, ngay sau khi lệnh toàn quốc kháng chiến phát ra, quân và dân ta đã làm một cuộc di chuyển lớn cơ sở vật chất, máy thiết bị, vật tư kỹ thuật lên các căn cứ an toàn khu. Đến đầu năm 1947, trong các căn cứ địa của ta đã có hàng trăm công xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí ra đời, cùng với việc hình thành Nha nghiên cứu kỹ thuật tại Việt Bắc. Để thay thế bom 3 càng, tại xưởng Giang Tiên (Thái Nguyên), các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công súng Badoka theo mẫu súng của Mỹ để tiêu diệt xe tăng, xe cơ giới, phá các mục tiêu kiên cố của địch.

Để phá boong-ke, lô cốt địch, Nha nghiên cứu kỹ thuật nghiên cứu thành công súng SKZ-60, xuyên thủng thép dày 100mm, xuyên phá bê tông cốt thép dày từ 600mm đến 1.000mm. Trên cơ sở nguyên lý súng SKZ-60, quân giới ta đã phát triển, chế tạo các loại SKZ cỡ 81mm, 120mm, 51mm và 175mm lắp các loại đầu đạn khác nhau, cự ly bắn tới 1.000m. Các vũ khí do ta nghiên cứu chế tạo không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm mà còn khẳng định trí thông minh, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để sáng chế các sản phẩm khiến địch phải khiếp sợ và thất bại.

Cuối năm 1967, không quân Mỹ đưa vào sử dụng máy gây nhiễu ALQ-71 trên chiến trường Việt Nam. Đây là loại máy gây nhiễu công suất lớn, có dải tần rộng trùng với tần số tín hiệu của tổ hợp tên lửa phòng không SA-75 Dvina (SAM-2) do Liên Xô viện trợ, làm cho mạch bắt của khí tài bắt vào nhiễu mà không bắt tín hiệu của đạn, dẫn đến đạn tên lửa bị mất điều khiển. Trước tình hình đó, các cán bộ kỹ thuật của quân đội ta đã nghiên cứu chống nhiễu rãnh đạn bằng cách kết hợp giữa tăng công suất phát tín hiệu của đạn và dịch chuyển tần số đạn đến vị trí cường độ máy gây nhiễu rãnh đạn. Nhưng để khắc phục triệt để loại nhiễu này, cán bộ kỹ thuật đã nghiên cứu cải tiến khí tài tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2 và đạn tên lửa bằng giải pháp tăng công suất máy phát tín hiệu cho tên lửa để chèn ép cường độ nhiễu từ máy phát nhiễu AQL-71 của địch. Đồng thời, giảm hệ số khuếch đại để chống quá tải cho máy thu khi bắt phải tín hiệu giả của tên lửa, hệ tọa độ chỉ bắt tín hiệu khi đạn bay ra. Đến giữa năm 1968, khí tài tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2 được cải tiến thành công đưa vào chiến đấu đã giúp bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam khắc chế hoàn toàn nhiễu rãnh đạn của địch. Thành công này còn đóng vai trò quan trọng trong sự kiện bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972.

Ngày nay, vũ khí điều khiển chính xác cao đang làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, khai sinh loại hình chiến tranh công nghệ cao. Trong đó, không gian tác chiến mở rộng sang tất cả môi trường trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ và trong không gian mạng. Chiến tranh công nghệ cao không phân biệt tiền tuyến và hậu phương; rút ngắn đáng kể thời gian của chiến dịch, thậm chí cả cuộc chiến; thay đổi ranh giới giữa tiến công và phòng ngự; tăng khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm; gia tăng gấp bội khả năng sát thương nhờ có độ chính xác cao của các đòn hỏa lực tiến công; tạo khả năng cơ động nhanh cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải thích ứng nhanh với điều kiện tác chiến mới, kết hợp tính cách mạng và khoa học; tài năng sáng tạo trong cải tiến và cải biên vũ khí trang bị; khai thác, sử dụng các loại vũ khí hiện có trong trang bị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện mới; tự lực, tự cường kết hợp với hợp tác quốc tế để nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị mới; kết hợp quốc phòng với kinh tế trong phát triển công nghệ quân sự. Trên cơ sở những bài học đó, công nghệ quân sự Việt Nam phải tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất vũ khí trang bị để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vừa được Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166771/giai-ma-suc-manh-quan-doi-nhan-dan-viet-nam