Bước tiến mới của ngành y tế Đồng Nai Bài 2: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh

Dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những đột phá rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Ứng dụng AI trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, xây dựng nền y tế thông minh đang là mục tiêu mà y tế Việt Nam hướng đến.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn bệnh nhân đăng ký khám bệnh bằng thẻ 2 trong 1. Ảnh:H.D

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn bệnh nhân đăng ký khám bệnh bằng thẻ 2 trong 1. Ảnh:H.D

Hòa chung với dòng chảy công nghệ, ngành y tế Đồng Nai đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm ứng dụng AI, big data nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.

AI giúp giải quyết nhiều vấn đề

Hiện nay, AI đã được thử nghiệm tại một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) quốc tế Vinmec. Theo đánh giá bước đầu, AI đảm bảo độ chính xác cao, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ (BS) trong chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh.

Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Việt Mỹ (một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp AI cho Sở Y tế) Phạm Văn Sự cho biết, AI được phát triển và ứng dụng để chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực, chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú, xác định các bất thường trên hình ảnh CT/MRI sọ não và phát hiện các bất thường trên phim chụp X-quang cột sống. Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh đồng nghĩa với việc những bất thường sẽ được phát hiện sớm hơn và nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG nhấn mạnh: “Chuyển đổi số y tế là dùng công nghệ số để tập trung phục vụ người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn, tạo ra sự khác biệt trong chăm sóc sức khỏe so với các thời kỳ trước kia. Y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hóa. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại và chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hóa ước mơ đó”.

Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, không chỉ ở Đồng Nai mà trong cả nước, trình độ của BS ở các tuyến còn chênh lệch nhau. Chính vì thế, ứng dụng AI để chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt BS chẩn đoán hình ảnh ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho tuyến cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Lãnh đạo Sở Y tế lấy ví dụ, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú sau khi chụp phim sẽ gửi cho các BS ở tuyến trên để đọc kết quả. Nhưng không phải lúc nào việc này cũng thuận lợi vì BS ở tuyến trên có nhiều khi không thể đọc kết quả ngay. Còn khi ứng dụng AI, phim chụp này sẽ được chuyển lên trung tâm AI tuyến trên, AI sẽ đọc kết quả, được thẩm định và gửi kết quả về cho tuyến dưới. BS tuyến dưới dựa vào đó để chỉ định thuốc điều trị cho bệnh nhân. Nếu phim chụp cho kết quả bất thường nghiêm trọng, tuyến trên sẽ phản hồi để tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến phù hợp để theo dõi và điều trị. Điều này sẽ giúp tránh bỏ sót bệnh cũng như nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán hình ảnh.

“Việc xây dựng trung tâm AI không cần phải có cơ sở hạ tầng phức tạp vì các bệnh viện đã có phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử cũng sẽ được nhân rộng ra nhiều bệnh viện trong thời gian sớm nhất” - BS Trung nói.

Phó giám đốc BVĐK Đồng Nai Đinh Cao Minh cho hay, mỗi ngày bệnh viện chụp vài trăm phim X-quang, CT, MRI. Nếu AI được ứng dụng để đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh sẽ giải phóng rất lớn sức lao động cho BS, kỹ thuật viên, giúp trả kết quả sớm hơn cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh.

Giám đốc BVĐK khu vực Định Quán Tạ Quang Trí cũng rất nóng lòng để được ứng dụng AI vào KCB, bởi bệnh viện đang thiếu BS chẩn đoán hình ảnh. BS Trí hy vọng AI sớm được ứng dụng để các bệnh viện trong tỉnh có thể chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn.

Còn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa mong muốn ứng dụng AI để hướng dẫn người dân theo dõi bất lợi sau tiêm chủng và nhắc người dân đi tiêm chủng khi đến lịch; quản lý cơ sở dữ liệu khám sức khỏe cho người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành y tế, phân tích dữ liệu, tính toán xu hướng bệnh tật trong tương lai.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, ngành y tế sẽ chọn thí điểm triển khai ứng dụng AI tại BVĐK khu vực Long Khánh trước, bởi bệnh viện có hệ thống công nghệ thông tin khá hoàn thiện. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang triển khai bệnh án điện tử, thuận lợi cho việc liên thông hình ảnh trên hệ thống.

Tận dụng triệt để công nghệ số vào quản lý, khám, chữa bệnh

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, mạng lưới y tế Đồng Nai hiện khá hoàn thiện với 6 BVĐK, chuyên khoa tuyến tỉnh, 3 BVĐK khu vực, 11 trung tâm y tế, 170 trạm y tế. Hệ thống y tế tư nhân phát triển thuộc tốp đầu cả nước với 7 BVĐK, chuyên khoa, 88 phòng khám đa khoa, gần 2 ngàn phòng khám chuyên khoa và dịch vụ y tế, 31 phòng X-quang, 37 phòng xét nghiệm.

Tại các bệnh viện, phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) hoạt động tương đối ổn định. Tổng số hồ sơ sức khỏe cá nhân trên hệ thống mạng toàn tỉnh là gần 2,8 triệu hồ sơ; hơn 2,1 triệu người cài đặt Sổ sức khỏe điện tử. Ngoài ra, BVĐK khu vực Long Khánh đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Hầu hết các đơn vị y tế đã triển khai ít nhất một giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Giai đoạn 2021-2025, ngành y tế triển khai 5 dự án liên quan đến chuyển đổi số. Đó là Dự án Xây dựng Trung tâm Điều hành y tế thông minh đặt tại Sở Y tế nhằm chỉ đạo, điều hành các hoạt động phòng, chống dịch và KCB đối với các cơ sở y tế. Dự án Xây dựng Hệ thống phòng họp trực tuyến với các cơ sở y tế trực thuộc.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục triển khai Dự án Bệnh án điện tử tại BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ. Triển khai ứng dụng tư vấn KCB từ xa, tư vấn chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Cuối cùng là Dự án Cung cấp thiết bị đầu cuối công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ công tác KCB và quản lý hồ sơ y tế trong phạm vi toàn tỉnh.

Mục tiêu của ngành y tế là áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động của ngành, giúp cho việc quản lý, KCB được tốt hơn.

BS chuyên khoa II Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh, cho hay hiệu quả mà bệnh án điện tử mang lại cho bệnh viện đã thấy rõ. Nhân viên y tế không cần phải ghi chép nhiều, mà dành thời gian đó để theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Thông tin về thuốc, liệu trình điều trị hiển thị rõ ràng trên hệ thống, tránh nhầm lẫn, thiếu sót. BS thông qua bệnh án điện tử có thể tiếp cận thông tin của bệnh nhân ở bất cứ đâu, dù đang ở bệnh viện hay đã ra ca trực. Công nghệ thông tin được áp dụng triệt để tại bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều phối hoạt động của bệnh viện đạt hiệu quả cao hơn.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường chia sẻ, nhiều năm nay, bệnh viện thường xuyên hội chẩn từ xa, trao đổi nghiệp vụ từ xa với các chuyên gia, BS của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Qua đó đã nâng cao trình độ, kỹ năng cho các BS của trung tâm, thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó.

Tại BVĐK Đồng Nai, từ khi triển khai thẻ 2 trong 1 (vừa đăng ký khám, vừa thanh toán viện phí) đã không còn cảnh người bệnh phải xếp hàng dài chen lấn từ sáng sớm để bốc số thứ tự. Bệnh nhân có thẻ 2 trong 1 khi đến bệnh viện khám bệnh rất nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu như trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị toàn ngành y tế tiếp tục nỗ lực, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, huy động nguồn lực, đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, hiện đại, ưu tiên hệ thống truyền tải dữ liệu, trung tâm tích hợp dữ liệu và các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu, đặc biệt phải thuộc nằm lòng nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Hạnh Dung

Bài 3: Cần thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/buoc-tien-moi-cua-nganh-y-te-dong-nai-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-kham-chua-benh-dea0932/