Bước tiến mới trong công tác bảo trì đường bộ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) mới chính thức nhận bàn giao hệ thống quản lý tài sản đường bộ từ Ngân hàng Thế giới (WB) để quản lý, khai thác.
Hệ thống đã xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn diện gồm 34 loại tài sản cầu và mặt đường, xây dựng mô hình xuống cấp của tình trạng mặt đường, cầu. Nhờ đó giúp nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch như công tác bảo trì đường bộ (BTĐB) góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông...
Phân khai vốn bảo trì được công khai, minh bạch
Theo Tổng cục ĐBVN, hiện tại, đơn vị đang quản lý hơn 25.000 km quốc lộ. Với số lượng công trình đường bộ ngày càng nhiều và có kết cấu phức tạp, đòi hỏi việc quản lý tài sản phải chuyên nghiệp. Vì thế, việc xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ với cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ khoa học là yêu cầu cấp thiết.
Hệ thống quản lý tài sản đường bộ là công cụ hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì đường bộ. Hệ thống có hình ảnh của tài sản, tình trạng của tài sản để hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì, nguồn vốn cụ thể dành bảo trì cầu đường. Đồng thời, lãnh đạo tổng cục cũng kiểm tra được tính chính xác của lập kế hoạch. Mỗi hư hỏng, khối lượng đều được ước lượng dựa trên hình ảnh minh chứng cho hư hỏng và giá trị hư hỏng. Việc này sẽ giảm thiểu đáng kể lập các đoàn đi kiểm tra lập kế hoạch bảo trì hàng năm; phân khai vốn bảo trì được công khai, minh bạch, xác minh tính đúng đắn của kế hoạch bảo trì.
Không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà người người dân và doanh nghiệp có thể truy cập tìm hiểu theo nhu cầu, tra cứu về tốc độ khai thác của từng tuyến đường cụ thể. Tìm hiểu thông tin tốc độ cho phép của từng tuyến đường hay tuyến đường nào hạn chế tải trọng, được phép khai thác với tải trọng bao nhiêu.
Hệ thống trên nằm trong khuôn khổ dự án Quản lý tài sản đường bộ (VRAPM) do WB tài trợ. Hệ thống đã xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn diện gồm 34 loại tài sản cầu và mặt đường. Hiện, dữ liệu 25.000km quốc lộ và hơn 4.000 cây cầu đã được thu thập đầy đủ và cập nhật lên hệ thống. Đặc biệt, lần đầu tiên hệ thống của Việt Nam hỗ trợ được lập kế hoạch bảo trì, trong khi phần mềm của nhiều nước chưa có chức năng này. Tất cả tài sản đường bộ sẽ được hiển thị trên bản đồ nền tương tự Googlemap.
“Hệ thống xây dựng mô hình xuống cấp của tình trạng mặt đường, cầu, dự báo xuống cấp này sẽ được dùng để lập kế hoạch bảo trì và kết quả bảo trì phần mặt đường, cầu sẽ được cung cấp tích hợp với kết quả bảo trì các tài sản khác. Từ số liệu thu thập giúp cho công tác lập kế hoạch BTĐB được hiệu quả, chính xác.
Nâng cao hiệu quả bảo trì đường bộ
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, cùng với sự phát triển của xã hội, việc quản lý BTĐB đòi hỏi phải kịp thời, nắm rõ thông tin về số lượng, chủng loại, giá trị, hiện trạng, chất lượng tài sản để nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, đảm bảo công khai, minh bạch.
Hệ thống quản lý tài sản đường bộ là công cụ quan trọng để đạt được các yêu cầu này. Khi được quản lý, vận hành bằng hệ thống, công tác bảo trì đường bộ của Việt Nam tương đương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Hệ thống quản lý tài sản đường bộ được xây dựng với sự tài trợ của WB góp phần thay đổi cách thức quản lý tài sản thủ công trước đây sang quản lý bằng dữ liệu số, chuyển đổi cách thức quản lý của Tổng cục ĐBVN từ báo cáo giấy sang dữ liệu số.
Nguồn dữ liệu cho phép tổng hợp, tìm kiếm, phân loại khoa học theo thời gian lịch sử. Bên cạnh đó, hệ thống giúp thống nhất nguồn dữ liệu chính xác giá trị tài sản, hỗ trợ xây dựng kế hoạch nguồn vốn bảo trì đảm bảo minh bạch, công khai.
Hệ thống cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý, trước mắt sẽ kết nối với hệ thống quản lý tài sản công, trục cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau thời gian ngắn vận hành sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp khai thác miễn phí, cung cấp các thông tin. Việc xây dựng thành công hệ thống quản lý tài sản đường bộ là cách tiếp cận của tổng cục chuyển sang mô hình chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số hướng đến đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến với các cơ quan chính phủ, cung cấp dịch vụ công miễn phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của tổng cục phải biết cập nhật dữ liệu lên hệ thống và phải qua sát hạch. Nếu cán bộ nào không cập nhật, không duy trì được hệ thống phải rời khỏi tổng cục.
Sau một vài năm khi đã làm thuần thục việc lập kế hoạch bảo trì bằng hệ thống sẽ chỉ tập trung làm công tác hậu kiểm, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Hệ thống là cơ sở để số hóa, phục vụ xây dựng chính phủ điện tử.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của tổng cục phải biết cập nhật dữ liệu lên hệ thống và phải qua sát hạch. Nếu cán bộ nào không cập nhật, không duy trì được hệ thống phải rời khỏi tổng cục.