Bước tiến phù hợp và nhân văn

Đó là ý kiến đánh giá, nhận xét của dư luận cũng như đông đảo phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, điểm mới nổi bật được nhiều người quan tâm trong dự thảo thông tư này là việc Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp và toàn trường.

Cụ thể, theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 08 hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông ngày 21-3-1988, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm có 5 hình thức sau: khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học

1 tuần lễ; đuổi học 1 năm. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư mới, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh tại trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thì chỉ còn các hình thức, gồm: khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp; đình chỉ học tập có thời hạn (không quá 1 năm).

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần thay đổi nền nếp dạy học và chất lượng giáo dục - Ảnh: TL

Cũng theo quy định tại dự thảo thông tư này, riêng hình thức khiển trách sẽ không áp dụng đối với học sinh cấp tiểu học; hình thức đình chỉ học sẽ chỉ áp dụng đối với học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, so với Thông tư số 08, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm, dự thảo thông tư vẫn còn hình thức khiển trách và cảnh cáo nhưng không khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật nhà trường và không cảnh cáo trước toàn trường. Với điểm thay đổi tích cực này, nhiều nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm cho rằng, đây là bước chuyển biến mới vô cùng nhân văn và phù hợp xu hướng kỷ luật tích cực. Hơn nữa, việc bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường là hướng đến sự trưởng thành cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho học sinh.

Bởi, thực tế nhiều trường hợp đã xảy ra tại không ít trường phổ thông các cấp cho thấy, việc phê bình học sinh trước lớp, trước cờ tuy diễn ra thường xuyên nhưng xét đến cùng, các học sinh ngoan thì sợ, song đây lại là những em không khi nào vi phạm kỷ luật. Còn ngược lại, với những học sinh cá biệt sau đó lại càng nghịch ngợm, phá phách hơn. Và xét về góc độ pháp lý, việc bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường là đúng, là tôn trọng quyền con người. Nhiều nhà giáo cho rằng, thay vì phê bình trực tiếp lỗi lầm của học sinh, giáo viên chủ nhiệm hay hiệu trưởng hãy kể một câu chuyện tương tự và hậu quả của nó. Qua đó, rút ra bài học chung cho tất cả học sinh trong lớp hay toàn trường. Từ đó, chính học sinh vi phạm sẽ rút kinh nghiệm hoặc bài học cho bản thân từ lời kể của thầy cô về một sự việc có thật, giàu cảm xúc và nhân văn ấy. Còn đối với học sinh trong lớp hoặc toàn trường sẽ có thêm bài học ý nghĩa, sâu sắc.

Hơn nữa, việc nhắc nhở trực tiếp giữa giáo viên và học sinh mà không có sự hiện diện của người thứ ba thường đạt hiệu quả cao hơn. Việc giáo viên chủ nhiệm trực tiếp góp ý, phê bình học sinh cũng là cách để thầy cô có thêm bản lĩnh và thận trọng, chú ý hơn đến việc rèn kỹ năng sư phạm để tăng hiệu quả giáo dục học sinh. Ngược lại, nếu phê bình gay gắt, kỷ luật khắt khe trước lớp hay toàn trường sẽ tạo sự mặc cảm, tự ti hoặc có thể dẫn đến định kiến từ bạn bè, thậm chí bị cô lập. Thực tế đã có nhiều em không vượt qua phải nghỉ học hoặc chọn cách phản kháng tiêu cực. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển như hiện nay, hình ảnh học sinh bị phê bình nếu lan truyền sẽ mang lại hậu quả khó lường cho cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Hình thức kỷ luật “tạm dừng học có thời hạn” cũng nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo thầy cô giáo và phụ huynh. Vì, học sinh có quyền sửa sai và nếu có cơ hội được quay trở lại trường khi nhận ra lỗi lầm, các em sẽ trưởng thành hơn nhiều.

Nội dung đáng chú ý nữa là dự thảo thông tư đã nêu rõ mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nội quy, quy định, quy chế của nhà trường, quy định của pháp luật; giáo dục, giúp đỡ để học sinh tự giác điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ. Và trong khi thi hành kỷ luật học sinh, giáo viên và nhà trường bảo đảm tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giới tính, thể chất của học sinh. Không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh. Đặc biệt, các hình thức kỷ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục, giúp đỡ học sinh tiến bộ bằng các biện pháp giáo dục tích cực và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình kỷ luật học sinh.

Như vậy có thể khẳng định, nội dung dự thảo thông tư nêu trên là một bước tiến mới, phù hợp với sự phát triển của ngành giáo dục hiện nay. Khi dự thảo thông tư được thông qua, những quy định này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực và trường học hạnh phúc.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/161544/buoc-tien-phu-hop-va-nhan-van