Bước tiến quan trọng bảo vệ quyền lợi người lao động

Mặc dù quá trình 'luật hóa' công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được quan tâm từ khá lâu, tuy nhiên khi Luật ATVSLĐ chính thức có hiệu lực vào năm 2016 đã thực sự tạo nên bước tiến quan trọng trong công tác này. Với việc hình thành khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính thực thi cao hơn đã góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi của các doanh nghiệp cũng như người lao động. Tại tỉnh ta, việc tích cực triển khai các nội dung của Luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động trong mọi thành phần kinh tế.

Đại diện Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh thăm, động viên công nhân Công ty cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công (Khu Công nghiệp Gián Khẩu) trong đợt dịch COVID-19.

Đại diện Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh thăm, động viên công nhân Công ty cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công (Khu Công nghiệp Gián Khẩu) trong đợt dịch COVID-19.

Kỳ 1: Số vụ tai nạn lao động giảm dần qua các năm

Sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực đã tạo dấu ấn quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động cũng như công tác bảo đảm ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta. Những con số thống kê tích cực đã phần nào minh chứng cho điều này.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 157.536 người lao động được khám sức khỏe định kỳ, 4.786 người được khám bệnh nghề nghiệp, không có trường hợp nào mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ tai nạn lao động giảm dần qua các năm…

Chủ động phòng ngừa

Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu) hiện có gần 2.000 lao động. Theo anh Trương Văn Tuyên, Chủ tịch CĐCS Công ty: Một trong những điều mà bất cứ người thợ hay kỹ sư nào khi vào làm việc tại đây cũng phải biết và học đó là an toàn lao động. Bởi nếu bạn bị thương khi làm việc, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bạn, mà nó còn ảnh hưởng đến gia đình, đồng nghiệp và công ty của bạn.

Quan điểm đó đã được Công ty cụ thể hóa thông qua việc thường xuyên triển khai công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, xây dựng và ban hành các nội quy, quy trình, quy phạm… giúp người lao động sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật an toàn.

Đồng thời xây dựng Góc Bảo hộ lao động với hơn 1.000 đầu sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, tờ rơi về công tác ATVSLĐ giúp công nhân nắm bắt được các thông tin về pháp luật lao động, nội quy, quy trình trong sản xuất, các chế độ chính sách trong việc thực hiện ATVSLĐ. Từ đó, giúp người lao động ý thức hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tuân thủ các quy định an toàn.

"Sở dĩ Công ty Thành Công đặc biệt chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức cho công nhân là bởi thời gian qua mặc dù các vụ tai nạn lao động ở Công ty đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên có một điều đáng lưu tâm khi điểm lại nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc này là ý thức, nhận thức của người lao động về vấn đề ATLĐ còn có những hạn chế nhất định. Chúng tôi xác định những hạn chế này khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai mà cần tiến hành các giải pháp tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, lâu dài." - anh Trương Văn Tuyên nhấn mạnh.

Giải pháp "mưa dầm thấm lâu" trong nỗ lực nâng cao nhận thức cho người lao động cũng đang được triển khai tại nhiều doanh nghiệp với mạng lưới an toàn vệ sinh viên là lực lượng nòng cốt. Hiện 1.648 an toàn vệ sinh viên đang công tác tại 140 CĐCS doanh nghiệp đang tích cực tuyên truyền các nội quy, quy định về an toàn lao động; đôn đốc nhắc nhở, giám sát người lao động thực hiện đúng nội quy, quy trình trong lao động sản xuất.

Đáng chú ý là số ATVS viên và số doanh nghiệp xây dựng được mạng lưới này đã tăng gấp đôi so với thời điểm mới bắt đầu triển khai Luật ATVSLĐ. Đặc biệt, so với trước đây công tác tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 65 buổi tập huấn, huấn luyện cho 5.334 người lao động, cán bộ phụ trách công tác an toàn vệ sinh viên; tổ chức 1.011 buổi huấn luyện ATVSLĐ và công tác phòng cháy chữa cháy cho 172.980 người lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Thậm chí có 78/285 CĐCS doanh nghiệp tham gia với người sử dụng lao động xây dựng được nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, thể hiện sự chủ động phòng ngừa các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, trong 2 năm gần đây với diễn biến dịch COVID-19 kéo dài và phức tạp, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch tại nơi làm việc.

Các CĐCS tăng số lượt tuyên truyền về phòng chống dịch qua hệ thống truyền thanh nội bộ; phối hợp với doanh nghiệp thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn như: lắp thanh chắn cách ly tại bếp ăn tập thể, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, trang bị máy đo thân nhiệt, buồng khử khuẩn cho phương tiện xe máy của người lao động khi ra, vào doanh nghiệp; tiến hành khử khuẩn tại nhà máy, nhắc nhở người lao động thực hiện đúng quy định về công tác phòng chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động; thành lập được 195 tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp…

Dấu ấn công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động

Luật ATVSLĐ có nhiều nội dung mới. Theo đó, cùng với các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Luật cũng chú trọng tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất, gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường…

Với những quy định rõ ràng từ Luật, 5 năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong tỉnh đã quan tâm theo dõi tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như việc tổ chức thực hiện các chính sách về ATVSLĐ; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác ATVSLĐ ở địa phương.

Người lao động tại nhiều đơn vị được quan tâm đảm bảo các điều kiện về ATVSLĐ. Ảnh: Bùi Diệu

Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được tăng cường, có sự phối hợp giữa các cơ quan, ngành chức năng; tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nhất là các vụ tai nạn lao động chết người, qua đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và kiến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn.

Theo thống kê, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát tại 345 doanh nghiệp về thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động trong đó có nội dung về ATVSLĐ.

CĐCS doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra tại 412 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ như: Việc chấp hành nội quy, quy định về ATVSLĐ, kiểm tra các thiết bị có liên quan đến công tác PCCC, kiểm định thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động bảo đảm theo quy định, giám sát bữa ăn ca của người lao động và thực hiện công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp.

Qua kiểm tra, 57 nguy cơ rủi ro được phát hiện và khắc phục kịp thời, 81 nội quy, quy trình làm việc an toàn được xây dựng, bổ sung. Sau khi có kết quả kiểm tra, LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn nắm tình hình, giám sát việc khắc phục những tồn tại. Vì vậy, các doanh nghiệp đang ngày càng nâng cao trách nhiệm đảm bảo môi trường lao động an toàn cho người lao động, đặc biệt nhiều doanh nghiệp còn đầu tư đưa vào sử dụng, vận hành các thiết bị, máy móc mới, hiện đại, công nghệ cao,...

Hằng năm, LĐLĐ tỉnh tích cực chỉ đạo các CĐCS nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể và giám sát việc thực hiện trên thực tế. 5 năm qua, có 46/221 bản thỏa ước lao động tập thể được thương lượng, ký mới, ký bổ sung, trong đó có nội dung về ATVSLĐ như: trang bị hệ thống thông gió, hệ thống làm mát tại xưởng sản xuất, việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại quy định, bồi dưỡng hiện vật cho những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; cải thiện môi trường làm việc như: trồng cây xanh, cải thiện hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đúng quy định…

Cùng với đó, nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị của người lao động được người sử dụng lao động xem xét, thực hiện thông qua các cuộc đối thoại thường kỳ hoặc đột xuất đã kịp thời giải quyết những thắc mắc, xung đột ngay tại doanh nghiệp. Trong 5 năm, các CĐCS doanh nghiệp tổ chức 41 cuộc đối thoại trong đó có nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc trong mùa nắng nóng, dịch COVID-19…

Những nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai Luật ATVSLĐ rõ ràng đã đem đến những kết quả tích cực, mang lại lợi ích kép cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Đào Duy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/buoc-tien-quan-trong-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong/d20211230085217952.htm