Bước tiến tại đại dự án của Hóa chất Đức Giang
Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn chính thức khởi công giai đoạn I sau nhiều năm lùi tiến độ do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Lợi thế năng lực tài chính dồi dào giúp 'ông lớn' ngành hóa chất mở rộng đầu tư các năm qua và sẵn nguồn lực đầu tư cho dự án này.
Chuyển động sau gần nửa thập kỷ trì hoãn
Gần 5 năm kể từ ngày nhận giấy phép đầu tư, Dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn do Công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn đã chính thức khởi công vào trung tuần tháng 2/2025. Dự án được xây dựng trên diện tích 30 ha tại Khu công nghiệp Đồng Vàng, Khu kinh tế Nghi Sơn với quy mô công suất khoảng 150.000 tấn hóa chất/năm, tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Giai đoạn I của Dự án bao gồm Nhà máy sản xuất Xút NaOH, Nhà máy sản xuất chất xử lý nước PAC, Nhà máy sản xuất bột tẩy trắng Ca, Nhà máy sản xuất Chloramin B…, dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2026. Sau đó, tổ hợp sẽ tiếp tục được đầu tư thêm khoảng 6.000 tỷ đồng để sản xuất nhựa dẻo PVC ở giai đoạn II và 3.600 tỷ đồng để triển khai nhà máy sản xuất soda với công suất 400.000 tấn/năm tại giai đoạn III.
Gần 5 năm qua, Dự án Đức Giang Nghi Sơn đã phải nhiều lần lùi thời gian thực hiện, cũng như phân bổ quy mô từng giai đoạn. Chủ đầu tư từng được cổ đông thông qua việc điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư giai đoạn I từ 2.400 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, nhưng quy mô giai đoạn đầu đến nay giữ ở mức 2.400 tỷ đồng.
Câu chuyện tiến độ cũng liên tục “nóng” lên tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - công ty mẹ của chủ đầu tư dự án, các năm gần đây. Tuy nhiên, với lễ khởi công mới đây, Dự án đã bước qua được “hòn đá tảng” kéo lùi tiến độ xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng.
Với vị trí gần hệ thống cảng nước sâu Nghi Sơn, cùng sự thuận lợi về nguồn nguyên liệu sản xuất nhờ trữ lượng đá vôi lớn trong khu vực, Dự án Đức Giang Nghi Sơn được đánh giá có nhiều lợi thế. Về đầu ra, chủ đầu tư nhắm đến các đối tác tiềm năng như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các nhà máy nhiệt điện trong Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là khi dự án này có thể giúp giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo nguồn cung ổn định.
Trong khi đó, về nguồn lực tài chính, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang “thừa” năng lực cho kế hoạch đầu tư này. Tính đến cuối năm 2024, quy mô vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt xấp xỉ hơn 13.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ chỉ đóng góp hơn 13% vào tổng giá trị tài sản 15.820 tỷ đồng. Không chỉ dư địa thực hiện các khoản vay đầu tư còn dồi dào nhờ đòn bẩy tài chính thấp, Hóa chất Đức Giang còn có sẵn gần 10.700 tỷ đồng dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Đầu tư cho các động lực tăng trưởng mới
Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn là dự án lớn với tổng quy mô vốn đầu tư cả 3 giai đoạn lên đến 12.000 tỷ đồng. Giải thích lý do cần thực hiện đại dự án này, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho biết, công ty cần tìm kiếm “chân trời mới” khi dự án tại Lào Cai còn 20-30 năm nữa là hết quặng, hoạt động kinh doanh ở nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.
Ngoài tổ hợp tại Nghi Sơn, Hóa chất Đức Giang cũng liên tục thực hiện các khoản đầu tư lớn và là gương mặt nổi bật thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp thời gian qua. Năm 2023, công ty con Công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã mua 100% vốn tại Công ty cổ phần Phốt pho 6 với số tiền 635 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đầu tư gần 135 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng.
Trong năm 2024, doanh nghiệp này đã chi 253 tỷ đồng để mua lại Nhà máy Cồn Đại Việt. Đây là tài sản bị kê biên và được Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank tổ chức đấu giá. Theo bà Lưu Thùy Linh, chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Nhà máy Cồn Đại Việt đã khởi động lại, chạy thử từ tháng 11/2024 và có thể đạt 50% trong tổng công suất 50.000 tấn/năm trong năm 2025. Với kịch bản công suất đạt 100%, cùng nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có tại địa phương và nhu cầu cồn công nghiệp dồi dào, Cồn Đại Việt có thể đóng góp 1.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận hàng năm.
Mảnh ghép mới của năm 2024 nêu trên không chỉ phù hợp với hệ sinh thái của Tập đoàn khi hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, mà còn cùng nằm trong khu công nghiệp với Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang - Đắk Nông. Cũng tại địa phương này, Hóa chất Đức Giang kỳ vọng có thể tham gia triển khai Dự án Bauxite - Nhôm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo Hóa chất Đức Giang từng cho biết, lượng tiền dồi dào hiện có là “của để dành” quan trọng để Tập đoàn có vốn triển khai Dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông, với tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Dù yêu cầu số vốn đầu tư rất lớn, dự án này được Chủ tịch công ty tin tưởng sẽ là “quả đấm thép” của Tập đoàn trong vòng 30 - 40 năm nữa.
Kết quả kinh doanh đi lùi
Năm 2024, kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đi lùi so với năm trước. Tập đoàn thu về 9.865 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 1% so với năm 2023 và 3.110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4% so với cùng kỳ. So với mục tiêu đề ra, dù mới hoàn thành 97% mục tiêu doanh thu 10.100 tỷ đồng, Tập đoàn vẫn vượt mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo chuyên gia từ Công ty Chứng khoán BIDV, việc chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ phân bón và phốt pho vàng - hai mảng có biên lợi nhuận cao hơn, là yếu tố giúp Tập đoàn hoàn thành mục tiêu.
Dù kết quả hợp nhất giảm, cũng như cách khá xa mức kỷ lục từng đạt giai đoạn năm 2022 nhờ giá phốt pho vàng tăng mạnh, nhưng lợi nhuận công ty mẹ Hóa chất Đức Giang lại tăng trưởng ấn tượng nhờ điều chuyển lợi nhuận khủng từ công ty con, bao gồm Hóa chất Đức Giang Lào Cai (3.000 tỷ đồng) và Ắc quy Tia Sáng (1,9 tỷ đồng).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buoc-tien-tai-dai-du-an-cua-hoa-chat-duc-giang-d248085.html