Bước tiến trong chuẩn hóa đạo đức công vụ
Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sửa đổi vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bổ sung một danh mục cụ thể những việc mà CBCC không được làm.
Theo quy định mới này, CBCC bị nghiêm cấm các hành vi như trốn tránh, né tránh, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ được giao. Đồng thời, họ cũng không được gây bè phái, làm mất đoàn kết nội bộ, tự ý nghỉ việc hay bỏ việc, cũng như tham gia đình công. Luật cũng cấm CBCC phát ngôn, đăng tải hoặc phát tán thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của đất nước, địa phương hoặc đơn vị công tác.
Luật đặc biệt nghiêm cấm các hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi và nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, CBCC không được phép sử dụng trái phép tài sản công, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc khai thác thông tin công vụ để trục lợi cá nhân.
Luật mới còn xác định rõ nghĩa vụ thi hành công vụ, trong đó yêu cầu CBCC phải thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao, đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình. Họ cũng có nghĩa vụ chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào công việc. Nếu phát hiện vi phạm trong cơ quan, CBCC có trách nhiệm báo cáo ngay cho người có thẩm quyền, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Tài sản công được giao phải được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm...
Luật CBCC sửa đổi lần này không phải là lần đầu tiên đưa ra các quy định cấm, nhưng đây là lần đầu tiên danh mục các hành vi CBCC không được làm được hệ thống hóa một cách đầy đủ, cụ thể và cập nhật; tránh được các quy định mang tính nguyên tắc và chưa phản ánh đầy đủ những tình huống thực tiễn mới phát sinh trong môi trường công vụ hiện đại.
Các quy định mới này rõ ràng cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chuẩn hóa đạo đức công vụ, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi vi phạm; góp phần xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cao hơn trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiết kiệm và chống lãng phí. Họ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm và có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các cán bộ cấp dưới vi phạm kỷ luật, có hành vi quan liêu, hách dịch, hoặc gây phiền hà cho người dân.
Những quy định mới này được đánh giá đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một đội ngũ CBCC liêm chính, chuyên nghiệp và tận tâm phục vụ Nhân dân. Để những quy định này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa, cần phải tăng cường sự minh bạch, công khai trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, việc tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội cũng sẽ là yếu tố then chốt, bảo đảm các quy định mới sẽ được thực thi một cách công bằng, nghiêm minh và không có vùng cấm.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/buoc-tien-trong-chuan-hoa-dao-duc-cong-vu.html