Bước tiến trong công tác giám định tư pháp

Số lượng vụ việc, vụ án cần trưng cầu giám định tư pháp ngày càng tăng, tính chất và lĩnh vực ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, hoạt động giám định tư pháp có tính chất đặc thù và khó khăn nhất định.

Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện các bước giám định tư pháp.

Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện các bước giám định tư pháp.

Giám định tư pháp có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng và đời sống xã hội. Kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án chính xác, khách quan và nhanh chóng. Xác định được vai trò, tính chất quan trọng của công tác này, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu, chuyên môn thực hiện tốt và đạt được những kết quả tích cực.

Kết luận của các tổ chức giám định luôn đảm bảo chính xác, đáp ứng kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử. Song, hoạt động này trước đây chủ yếu tập trung ở hai lĩnh vực là giám định pháp y và kỹ thuật hình sự do có số lượng vụ việc liên quan lớn, thường xuyên được tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.

Vài năm trở lại đây, số vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhất là những vụ án trên các lĩnh vực tài chính, đất đai, xây dựng, khoa học - công nghệ... phát sinh ngày càng nhiều. Để giải quyết những vụ việc như vậy cũng cần phải giám định tư pháp. Tuy nhiên, giám định viên tư pháp tại tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm, bởi công việc chính của họ là làm nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị trực tiếp quản lý như bệnh viện, các sở, ban, ngành.

Trong khi đó, đây là những vụ việc thường có tính chất phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm nên công tác giám định còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định.

Tại một số phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ giám định viên và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, định giá.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp từ chối, né tránh, đùn đẩy việc giám định, định giá không có căn cứ hoặc thực hiện nhiệm vụ giám định, định giá không đáp ứng yêu cầu, cố ý kéo dài thời gian...

Trước yêu cầu của thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp".

Từ đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, nhất là các điều tra viên, giám định viên, lãnh đạo các cơ quan quản lý giám định viên được nâng cao.

Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp đảm bảo về chất lượng, số lượng, cử giám định viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn; quy hoạch nguồn cán bộ, đồng thời thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giám định viên tư pháp.

Trong tháng 5-2024, toàn tỉnh có 134 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực chuyên môn được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ theo quy định. Đây là lần đầu tiên tỉnh có số lượng giám định viên tư pháp được bổ nhiệm lớn và đa ngành, đa lĩnh vực nhất từ trước đến nay (thời điểm bổ nhiệm năm 2015, cả tỉnh chỉ có 53 giám định viên).

Đáng lưu ý là nhiều giám định viên thuộc các ngành, lĩnh vực đã được bổ nhiệm như: Thông tin - truyền thông; khoa học - công nghệ; nông nghiệp; kế hoạch và đầu tư; công thương…

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức, giám định viên của tỉnh đã thực hiện giám định, giải quyết gần 4.000 vụ việc thuộc các ngành, lĩnh vực. Trong đó có những lĩnh vực khó, yêu cầu trình độ chuyên môn cao và thiết bị hiện đại như hóa pháp, độc chất; ADN; mô bệnh học...

Nhờ thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, nghiệp vụ, các kết luận giám định đều đảm bảo khách quan, chính xác, đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể thấy rõ, đội ngũ và tổ chức giám định tư pháp của tỉnh đã có sự lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- 3 tổ chức giám định tư pháp của tỉnh gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), Trung tâm Pháp y (Sở Y tế) và Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng - đơn vị giám định theo vụ việc).

- Toàn tỉnh có 134 giám định viên, thuộc các ngành, lĩnh vực chuyên môn: Tài chính; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao và du lịch; tài nguyên và môi trường; y tế; công an; kế hoạch - đầu tư; nông nghiệp; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; xây dựng; công thương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202406/buoc-tien-trong-cong-tac-giam-dinh-tu-phap-9ad339e/