Bước tiến trong phát triển kỹ thuật của ngành Y tế

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế tỉnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu của tuyến Trung ương. Đây là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị y tế tạo đột phá trong công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người dân.

Trung tâm Y tế huyện Sông Lô triển khai nhiều kỹ thuật mới, đưa Đơn nguyên phẫu thuật - gây mê hồi sức và phòng mổ hiện đại vào hoạt động. Ảnh: Kim Ly

Trung tâm Y tế huyện Sông Lô triển khai nhiều kỹ thuật mới, đưa Đơn nguyên phẫu thuật - gây mê hồi sức và phòng mổ hiện đại vào hoạt động. Ảnh: Kim Ly

Làm chủ nhiều kỹ thuật khó

Có vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, đây là thuận lợi giúp ngành Y tế Vĩnh Phúc dễ dàng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ những bệnh viện lớn đầu ngành.

Tuy nhiên, đặc điểm này cũng tạo ra một số khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhận thấy rõ bất lợi này, những năm qua, cùng với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế xác định việc sớm tiếp cận và làm chủ những kỹ thuật tiên tiến là yếu tố then chốt để phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Ngành Y tế tỉnh đề ra các giải pháp trọng điểm như tăng cường hợp tác với các cơ sở y tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ; thực hiện hiệu quả các đề án bệnh viện vệ tinh; tích cực hợp tác đào tạo theo gói, kíp kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn từ tuyến y tế Trung ương.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

Việc triển khai các giải pháp đồng bộ đi đôi với hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được hiện đại hóa, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai hiệu quả các kỹ thuật theo phân tuyến và làm chủ nhiều kỹ thuật vượt tuyến.

Trung bình hằng năm, giai đoạn (2016-2020), toàn ngành có từ 130-150 kỹ thuật mới được triển khai. Một số kỹ thuật vượt tuyến đã được thực hiện thành công tại bệnh viện tuyến tỉnh, điển hình như nút mạch máu u xơ tử cung, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch gan, phẫu thuật u tủy vi phẫu, xạ hình xương, can thiệp mạch, điều trị nhồi máu não sớm…

Để tạo thuận lợi trong phát triển 2 chuyên khoa ung bướu và tim mạch, mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Trung tâm Ung bướu-Y học hạt nhân và Trung tâm Tim mạch nhằm đẩy mạnh thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị bệnh lý tim và mạch máu bằng phương pháp nội khoa đến can thiệp nội mạch và các phẫu thuật khó; điều trị các bệnh lý ung thư bằng kỹ thuật cao.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyển giao kỹ thuật liên tuyến, các bệnh viện tuyến tỉnh đã tích cực học tập, tiếp nhận chuyển giao các gói kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết hội chẩn từ xa, tăng cường triển khai 5 đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành sản, nhi, ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch.

Trong 4 năm (2017-2020), các bệnh viện thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh đã cử gần 600 lượt cán bộ đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến Trung ương và nhận chuyển giao hơn 200 gói kỹ thuật đối với các lĩnh vực vệ tinh.

Người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao

Cùng với công tác này, các đơn vị cũng tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch và phát triển chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học.

Đối với các trung tâm y tế tuyến huyện, 3 năm gần đây, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn hoàn thành chuyển giao hơn 120 gói kỹ thuật cho y tế tuyến huyện.

Công tác hội chẩn liên viện, chuyển giao kỹ thuật qua các hình thức trực tuyến được đẩy mạnh. Một số đơn vị y tế tuyến huyện đi đầu trong học tập, chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao là Trung tâm Y tế huyện Tam Dương, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường.

Việc đẩy mạnh phát triển kỹ thuật đã giúp ngành Y tế tỉnh đa dạng hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh; đồng thời, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên, giảm quá tải cho tuyến Trung ương; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến đạt thấp; một số chỉ tiêu kỹ thuật chưa đạt so với mục tiêu của Nghị quyết 03.

Theo lý giải của Sở Y tế, nguyên nhân chưa đạt là do khi xây dựng Nghị quyết 03, việc thực hiện danh mục kỹ thuật được tính toán trên cơ sở Thông tư số 43 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 21, bổ sung thêm hơn 1.000 kỹ thuật so với thông tư cũ. Do đó, tỷ lệ thực hiện kỹ thuật tại các đơn vị phải tính thêm các kỹ thuật bổ sung này.

Bên cạnh đó, trong các danh mục quy định tại Thông tư số 43, nhiều kỹ thuật không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tại một số đơn vị, do khó khăn về trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn nhân lực nên chưa đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kỹ thuật được giao.

Trong giai đoạn tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để thực hiện thành công mục tiêu, đến năm 2025, tăng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến tỉnh bình quân đạt hơn 75% và tuyến huyện đạt hơn 50%. Các trạm y tế xã đảm bảo chất lượng kỹ thuật theo phân tuyến và phân vùng.

Cùng với đó, khuyến khích các đơn vị tăng cường làm chủ các kỹ thuật vượt tuyến; không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực như tim mạch, ung bướu - y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản, ngoại chấn thương…

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71366/buoc-tien-trong-phat-trien-ky-thuat-cua-nganh-y-te.html