Buộc truyền thông xã hội trả tiền cho tin tức: Xu thế mới giúp báo chí giành lại độc giả và nguồn thu
Từng có ý kiến cho rằng sớm muộn gì báo chí cũng bị các MXH xóa sổ. Nhưng đấy là góc nhìn mang màu sắc bi quan. Trên thực tế, nhiều quốc gia gần đây đã có những chính sách bảo vệ các kênh truyền thông chính thống, giúp báo chí có thể giành lại độc giả, nguồn thu và cả sự công bằng.
Cuộc chiến không cân sức…
Khi Randy Conrads cho ra mắt Classmate.com, mô hình sơ khai nhất của một mạng xã hội, vào tháng 11 năm 1995, hẳn ông cũng không ngờ thứ mà mình tạo ra đã thay đổi thế giới đến mức nào. Một năm sau khi Classmate.com chào đời, Andrew Weinreich - một doanh nhân khởi nghiệp người Mỹ, giới thiệu với công chúng SixDegrees.com. Đấy là một trong những trang MXH đầu tiên ở dạng chung được sử dụng rộng rãi và là hình mẫu để giới công nghệ cho ra đời các trang MXH thành công hơn dựa trên “mô hình mạng vòng kết nối xã hội” như Friendster, MySpace, LinkedIn, XING và đặc biệt là Facebook.
Facebook và nhiều MXH khác ra đời sau đó như Instagram, Twitter hay các nền tảng chia sẻ video như Youtbe và TikTok nhanh chóng phát triển, cung cấp cho người dùng những nội dung cực kỳ phong phú, nhanh và dễ tiếp cận. Độc giả, khán giả dần quen với những nền tảng trực tuyến này và quay lưng lại với những phương tiện báo chí truyền thống, khiến báo chí thế giới lao đao và rồi bị bóp nghẹt.
Cuộc chiến ngày càng trở nên không cân sức, trên bình diện toàn thế giới, khiến ngay cả những tập đoàn truyền thông hùng mạnh nhất cũng sứt đầu mẻ trán. Chẳng hạn như tập đoàn truyền thông khổng lồ News Corp năm 2020 đã phải ngừng in hơn 100 tờ báo địa phương và khu vực, tương đương 2/3 số đầu báo mà tập đoàn “tỷ đô” này sở hữu.
Tại Việt Nam, cũng khó mà đếm đủ những tờ báo, đặc biệt là báo in, phải đóng cửa hoặc sống lay lắt do bị MXH lấn lướt, lấy đi gần hết độc giả và dĩ nhiên, kèm theo đó là doanh thu cũng “bốc hơi” theo. Đấy là chưa kể, ngay cả những tòa soạn trụ lại được trước cuộc xâm lăng của MXH, cũng phải chuyển mình và “đồng hóa” với đối thủ.
Chẳng hạn như phương pháp đưa tin của báo chí truyền thống cũng phải thay đổi, với tiêu chí tốc độ và đa phương tiện là ưu tiên hàng đầu. Cách làm thay đổi, mô hình tổ chức của các tòa soạn cũng thay đổi. Giờ đây có một trụ sở lớn có thể không còn cần thiết nữa. Năm ngoái, Reach, chủ sở hữu của các đầu báo lớn tại Anh như Mirror, Express và Star, đang lên kế hoạch đóng cửa hầu hết các tòa soạn của mình để nhân viên làm việc từ xa tại nhà hoặc qua máy tính xách tay trong quán cà phê.
Gọi thực trạng đó là thích nghi với thời đại cũng được. Nhưng cũng chẳng sai nếu nói như nhà báo Chris Blackhurst - cựu Tổng Biên tập của tờ The Independent (Anh) rằng “đấy là cái chết của các tòa soạn”.
Nhưng ở đời, cái gì quá cũng không tốt. Sự phát triển chóng mặt của các mạng xã hội cũng đồng thời bộc lộ mặt trái của những nền tảng này, đó là tin giả tràn lan do thiếu kiểm soát, dữ liệu người dùng bị xâm phạm và thất thoát hàng tỷ USD tiền thuế mà đáng ra các chính phủ có thể thu được từ các tờ báo.
Sứ mệnh không bất khả thi
Do đó, các nhà làm luật trên thế giới gần đây đã ý thức được rằng, cần phải có chế tài quản lý MXH và những nền tảng công nghệ. Cho đến lúc này, công cuộc kiểm soát MXH đã giành được những thắng lợi đáng khích lệ ở nhiều nơi, nhiều mặt trận.
Tháng 3/2021, Úc công bố đạo luật “Thương lượng giữa nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức”, trong đó bắt buộc các công ty công nghệ sở hữu mạng xã hội và những nền tảng chia sẻ thông tin như Facebook và Google, phải thỏa thuận với các nhà xuất bản để trả tiền khi chia sẻ tin tức từ báo chí.
Luật này của Úc được thiết kế để giải quyết việc mất doanh thu quảng cáo từ các hãng tin truyền thống vào tay những gã khổng lồ công nghệ. Ước tính tại Úc, trung bình cứ 100 USD chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến thì 53 USD được chuyển đến Google, 28 USD cho Facebook và 19 USD là miếng bánh dành cho phần còn lại.
Việc mất doanh thu quảng cáo được bù đắp một phần bằng các thuê bao đăng ký nhưng không đủ để ngăn chặn việc các cơ quan truyền thông bị phá sản và đóng cửa. Trong khi đó, Google và Facebook lại hoạt động rất tốt. Vào năm 2019, tức 1 năm trước khi đạo luật của Úc ra đời, Google đã kiếm được 4,3 tỷ USD doanh thu quảng cáo ở Úc, còn Facebook kiếm được 700 triệu USD, theo tài liệu nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc.
Sau Úc, cũng trong năm 2021, đến lượt Liên minh châu Âu (EU) công bố “Chỉ thị Bản quyền Kỹ thuật số” với một loạt các biện pháp đặc biệt nhằm tạo ra một thị trường công bằng hơn cho báo chí, khiến các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến phải trả thù lao cho báo chí nói chung, các nhà báo tạo ra nội dung tin tức nói riêng.
Những bước tiến của Úc và cộng đồng các nước EU đã truyền cảm hứng nhiều nước khác tiến lên. Hiện giờ, các nhà làm luật tại nhiều quốc gia, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Nam Phi,… đang theo đuổi các chính sách để khiến Big Tech trả tiền cho tin tức mà họ lấy từ báo chí.
Riêng tại Mỹ, một dự luật có tên Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí (JCPA) cũng đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Dự luật này nhắm tới việc cung cấp cho các nhà xuất bản tin tức và đài truyền hình quyền hạn lớn hơn để thương lượng chung với các công ty truyền thông xã hội, như Facebook, Google hay Twitter, nhằm có được phần doanh thu quảng cáo lớn hơn.
Không chỉ các chính phủ, bản thân những tập đoàn báo chí cũng quyết chiến với các hãng công nghệ. Minh chứng mới nhất là việc báo New York Times vừa đạt thỏa thuận trị giá 100 triệu USD với tập đoàn Alphabet để cung cấp tin tức trong vòng 3 năm cho Google.
TikTok mới đây cũng cho biết họ sẽ tung ra một sản phẩm cho phép các nhà tiếp thị đặt quảng cáo bên cạnh nội dung của các nhà xuất bản tin tức cao cấp. Một nửa doanh thu quảng cáo trong dịch vụ này sẽ được chia cho các tổ chức báo chí đó.
Việc bắt các MXH, các nền tảng công nghệ chia sẻ thông tin phải trả tiền cho tin tức, nội dung mà họ lấy từ báo chí, chính là hy vọng lớn để cho báo chí tồn tại và phát triển. Đó cũng chính là một cách rất thiết thực và trực tiếp để các báo chí truyền thống giành lại độc giả từ các nền tảng truyền thông xã hội.