Buôn bán thuốc lá điện tử: Mức phạt cao nhất lên tới 9 tỷ đồng và 15 năm tù
Sau Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV đề cập đến việc cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025, cho tới thời điểm này, thuốc lá điện tử là hàng cấm, nhiều chế tài xử lý việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử… chính thức được áp dụng.
Không thực hiện thủ tục hải quan đối với thuốc lá điện tử
Ngày 6/1/2025, Tổng cục Hải quan có văn bản số 17/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nguyên liệu, linh kiện sản xuất thuốc lá điện tử...
Cùng với đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thống kê số liệu hàng hóa tồn tại doanh nghiệp trên địa bàn quản lý gồm: Linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; bán thành phẩm, thành phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phế liệu, phế phẩm theo bảng tại Phụ lục đính kèm và đề xuất biện pháp xử lý. Số liệu thống kê gửi về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) trước ngày 10/1/2025 để tổng hợp.
Trước đó, vào ngày 30/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về việc: “thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội".
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Buôn bán thuốc lá điện tử mức cao nhất, bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm tù
Theo luật sư Nguyễn Văn Túy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, từ năm 2025, thuốc lá điện tử chính thức là hàng cấm. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử sẽ xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử sẽ bị truy cứu về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với các khung hình phạt như sau:
Đối với cá nhân: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
Luật sư Túy lưu ý, buôn bán thuốc lá điện tử trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Buôn bán thuốc lá điện tử trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại, ngoài việc áp dụng khung phạt tiền cao nhất lên tới 9 tỷ đồng còn bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Nhìn nhận dưới góc độ của Luật Đầu tư và Nghị định của Chính phủ, luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Luật Đầu tư đã quy định rõ về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hàng cấm.
Tiếp đó là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy... cũng có quy định xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy từ 1 đến 2 triệu đồng.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam. Do đó, hành vi buôn bán thuốc lá điện tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành hành chính theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể các mức phạt tiền thấp nhất từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đồng đối với hành vi buôn bán thuốc lá điện tử trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 1,5 triệu đồng. Mức phạt cao nhất, từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc lá điện tử trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.
Các mức phạt nêu trên áp dụng cho đối tượng vi phạm là cá nhân, trường hợp là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.