Buôn gà đón năm Dậu
Một năm mới đến thật ảm đạm với gia đình ông Tỉnh chỉ vì muốn làm giàu nhanh muốn triển khai sớm kế hoạch 'hậu chiến' sau khi nghỉ hưu mà ông Tỉnh phải trả giá. Ông mất trắng ngót nghét hai trăm triệu đồng mà cả đời đi làm công chức dành dụm được để dưỡng già, bổng chốc đã đội nón ra đi…
Chỉ còn hơn năm nữa là PGS-TS Nguyễn Hữu Tỉnh đã chính thức được nghỉ hưu sau 5 năm được kéo dài thời gian làm việc theo quy định của nhà nước… Ông Tỉnh đang mải suy nghĩ về kế hoạch “ hậu chiến”, bỗng bà Hương vợ ông gõ cửa bước vào phòng làm việc của ông giọng khó chịu:
- Từ sáng đến giờ không phải đến trường dạy học mà ông cứ ngồi đấy, trong lúc tôi làm không hết việc… hơn năm nữa nghỉ hưu mà ông cứ ngồi thế này thì chắc cũng phải đi ăn bám con thôi ông ạ. Đồng lương hưu còm cõi của ông làm sao trang trải đủ cho gia đình trong khi giá cả ngày một tăng cao, ông phải kiếm thêm cái nghề gì làm đi, trông ông ngồi vậy cả ngày sốt ruột lắm…
- Thì tôi cũng đang cố gắng viết sách, báo để kiếm thêm tiền nhuận bút đây
- Dào ôi, sách với cả báo, có lúc nào ông kiếm được món nào cho ra tấm ra món đâu, mấy ông móc cống trong một buổi sáng cũng kiếm được cả triệu bạc, vậy mà nhuận bút của ông cả tháng chỉ kiếm tiền trăm…Thôi, nếu ông không làm được gì, thà ông nghỉ đi giữ sức khỏe để tôi đỡ phải chi tiền mua thuốc chữa bệnh cho ông.
Nói rồi bà Hương bực dọc bước ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại một mình ông Tỉnh, ông vò đầu dứt tóc và thầm nghĩ: “Kể ra bà ấy nói cũng có lý, bây giờ mình đang đi làm còn có đồng ra đồng vào, nay mai nghỉ hưu rồi mà không kiếm thêm thu nhập thì cũng bí, mà cái nghề viết sách, báo của mình bây giờ cũng chẳng ăn thua, in ra không bán được giá rẻ như bèo lại bị trừ chiết khấu quá cao… dứt khoát mình phải chuyển nghề may ra mới kiếm được chút đỉnh… mà cũng phải làm từ bây giờ. Nói là làm… ông Tỉnh quyết định lên mạng nghiên cứu để kiếm việc làm thêm.
Sáng thứ bảy, vào một ngày cuối thu, ngoài trời đã se lạnh, màn sương mù giăng khắp lối đi, ông Tỉnh dắt chiếc xe máy hon đa màu mận chín nhãn hiệu “Giấc mơ” mà ông tậu được từ những năm của thập niên chín mươi lặng lẽ đi ra khỏi nhà. Vì chiếc xe đã dùng quá lâu nên đã chuyển màu trông cũ kỹ, ông đề mãi mà xe không nổ, ông phải dồn sức đạp mãi mới nổ được, tiếng nổ cứ phành phạch, khói đen tỏa ra mù mịt khét lẹt, hòa lẫn trong màn sương, tạo những hạt khói li ti lẫn trong màu sương hệt như chiếc áo hoa màu đen trắng. Hý hoáy một lúc ông Tỉnh phóng xe máy đi ngược hướng Lương Sơn– Hòa Bình. Sau gần hai tiếng đồng hồ ông đã đến được nhà ông bạn thân từ thuở còn làm trong ngành văn hóa của tỉnh. Phải nói nhà Ông Thái rộng thật, phải đến chừng cả hơn ngàn mét vuông. Nghe đâu ông Thái tậu được cách đây hơn hai mươi năm khi dân Hà Nội có phong trào ra ngoại thành mua trang trại. Dắt chiếc xe máy cà tàng bước vào nhà ông Thái, ông Tỉnh hắng giọng:
- Anh Thái có nhà không?
- Ai đấy, Giáo sư Tỉnh à, hôm nay cơn gió nào lại đưa giáo sư đến với tôi đấy? Ông Thái vừa trả lời vừa bước ra cổng đon đả đón khách.
- Tôi đang có việc muốn lên nhờ ông đây.
- Tôi thì giúp được việc gì cho giáo sư, ông cứ đùa…
- Không tôi nhờ ông thật mà.
- Thì cứ vào nhà uống nước đã, trưa nay tôi đi kiếm chút gì “đặc sản rừng” về uống rượu “nút lá chuối” rồi ta hàn huyên nhé.
Trong căn nhà cấp 4 được sắp xếp ngăn nắp với đầy đủ các tiện nghi sập gụ, tủ chè trông khá bắt mắt, ngồi trên chiếc tràng kỷ thời cổ, nhấp một ngụm trà, ông Tỉnh chủ động trình bày:
- Ông Thái à, chỉ còn hơn năm nữa là tôi chính thức nghỉ hưu rồi, ngay từ bây giờ tôi muốn nhờ ông tư vấn cho tôi làm việc gì đó để sau này nghỉ hưu đỡ hụt hẩng…
- Trời đất, tôi suốt ngày quanh quẩn bên mảnh vườn và mấy con gà thì biết gì mà tư với cả vấn…
- Đấy đấy… chính là chỗ mấy con gà đấy, tôi nghiên cứu thị trường rồi, hễ sắp đến tết Âm lịch là năm nào giá gà sẽ lên rất cao, nhà nào cũng phải cần ít nhất là ba con gà để cúng… nào là cúng ông Công ông Táo về trời ngày hai ba tháng Chạp, nào là cúng tất niên, cúng đầu năm mới… năm nào ông cũng cho tôi gà nhưng nếu ra chợ mà mua là mất khối tiền đấy ông ạ.
- Vậy thì ông tính sao? Nhờ tôi giúp cái gì?
- Nhà ông vườn rộng, ông cho tôi đầu tư chuồng trại mua thức ăn, mua gà giống loại choai choai thả vào đó, tôi thuê người có chuyên môn chăn nuôi gia súc chăm sóc gà, sau mỗi vụ Tết kiếm được lãi tôi và ông cưa đôi…
- Chưa gì ông đã tính cua trong lỗ… nếu giúp được gì cho ông thì tôi giúp chứ cưa với kéo gì…
Ông Tỉnh nở nụ cười mãn nguyện, trong đầu thoáng lên suy nghĩ: kế hoạch của mình coi như đã được ông bạn ủng hộ. Vấn đề bây giờ là về thuyết phục bà vợ… Nhưng cần gì phải thuyết phục nhỉ? Tiền đầu tư đã có “quỹ đen” của mình bỏ ra có ảnh hưởng gì bà ấy đâu? Cứ thế mà làm… à nhưng không được, hàng tuần vào ngày nghỉ mình phải lên đây để trông nom chứ… nếu không bảo bà ấy nhỡ lại cho là mình có bồ bịch gì mà suốt ngày đi Lương Sơn với cả Xuân Mai thì chết? Nghĩ vậy nên ông lại ngồi trầm ngâm vẫn chưa tìm được lối thoát…
Sau một đêm mất ngủ trắng đêm để suy nghĩ về việc đầu tư gà, sáng sớm hôm sau, ông Tỉnh lặng lẽ đi tìm mua tài liệu nói về cách chăn nuôi, chăm sóc gà và đưa về đọc nghiến ngấu. Cái nghề nghiên cứu là của ông nên chỉ sau một buổi sáng ông đã đọc hết mấy cuốn tài liệu liên quan đến chăm sóc gà. Có được công thức ông Tỉnh lập tức lên dự toán mua vật liệu đầu tư chuồng trại một cách khá bài bản đảm bảo “thoáng về mùa hè, ấm về mùa đồng” và chọn mua những loại thức ăn tốt nhất. Ông Tỉnh bỏ ra thời gian suốt một tuần đi lùng sục khắp các chợ quê để mua các chú gà choai choai…Đến chợ ông mua như tranh cướp, trả cao hơn một vài giá so với thị trường nên làm cho mấy bà buôn gà nổi cáu:
- Cái nhà ông này mua bán kiểu gì mà như ăn cướp vậy… con gà này tôi đang dìm giá từ sáng tới giờ ông lại nhảy vào mua tranh, tôi nể ông đã có tuổi không thì chết với tôi.
- Nhà có việc, bà thông cảm, ông Tỉnh cười hề hề ra vẻ của người có lỗi.
- Việc gì mặc nhà ông…
Mấy bà ở chợ cứ bấm nhau cười:
- Cái nhà ông này, nói nhà có việc mà toàn mua gà choai choai là thế nào, gà này ăn thịt còn tanh lắm.
- Chắc là lần đầu bị vợ sai đi chợ nên không biết mua, một bà khác phân bua.
- Ừ tôi cũng nghĩ thế, trông ông này giáng tri thức lắm chắc chẳng biết gì về gà qué, trưa nay về chắc lại bị sư tử Hà Đông cho ăn đòn… Nói rồi cả mấy bà ôm nhau cười ngặt nghẽo…
Đấy là buổi đầu cũng may cho ông chưa gặp mấy tay đầu gấu, mấy hôm sau sang các chợ khác vẫn kiểu mua bán chụp giật, ông Tỉnh đã bị mấy bà buôn gà cầm đòn gánh đuổi đánh khắp chợ làm ông sợ khiếp vía… Nhưng máu làm ăn của ông vẫn chưa nản, ông Tỉnh tiếp tục đi lùng sục các chợ quê khác để mua gà. Hơn mười ngày lặn lội ông đã gom được hơn 500 chú gà đủ các “quân, binh chủng” mang về cho vào chuồng. Ông nhờ bạnThái giới thiệu cho một cô nhân viên thú y đến chăm sóc với mức lương 8 triệu mỗi tháng. Nhờ có kỹ thuật nuôi gà lại biết chọn thức ăn nên đàn gà của ông lớn nhanh như thổi, ông Tỉnh trông rất sướng mắt, rồi ông bắt đầu nhẩm tính: Mỗi con mình mua có hơn trăm ngàn đồng nuôi 3 tháng ít nhất cũng lãi gấp ba, gấp bốn, trừ công xá, thức ăn có lẽ ông cũng phải lời ngót nghét cả dăm chục triệu bạc, cứ đà này không mấy thì mình giàu to, có lẽ mình lại tiếp tục đầu tư và mua thêm gà đến Tết mà bán hết gà ông sẽ thắng quả đậm… Nghĩ vậy, ông lại mỉm cười rồi lẩm bẩm: Chuyến này thì bà vợ lác mắt nhé, cứ coi thường ông… chỉ ít tháng nữa ông mang cả trăm triệu về cho mà tiêu… à mà mình cũng nên mua lấy cái ô tô cũ để che mưa, che nắng mỗi khi lên thăm trại gà chứ… mà nếu làm ăn được mình đầu tư mua hẳn khu đất làm chuồng trại không cần nhờ đến ông bạn Thái. Nghĩ đến đó ông cứ mong cho đàn gà chóng lớn và Tết âm lịch đến thật nhanh để ông thu lời, cho bỏ công suốt cả tháng trời lặn lội đi các chợ quê lùng sục mua gà…
Vào một ngày giữa đông, đang giảng bài trên lớp, bổng thấy điện thoại di động rung rung trong túi quần, lúc đầu ông định không nghe máy vì còn mãi mê giảng bài, nhưng thấy rung nhiều quá, chắc có việc gấp nên ông xin lỗi sinh viên để nghe điện thoại, từ đầu dây bên kia, tiếng cô Lan nhân viên thú y hốt hoảng:
- Bác Tỉnh à, chẳng hiểu sao? hôm qua đến giờ có nhiều con gà bỏ ăn, nằm một chỗ, tôi đã cho uống thuốc mà cũng không đỡ, cứ kiểu này nó lại dây ra thì cả đàn chết hết.
- Chết… Cô giúp tôi tìm hiểu nguyên nhân và cho gà uống thuốc đều đồng thời khống chế, cách ly những con bị dịch.
- Cháu làm nghề thú y đã lâu nhưng chưa thấy lúc nào gà bị lây nhanh thế này, chắc là bác đi chợ mua đủ loại nên dính phải gà dây rồi, mùa này lại đang có dịch, nghe đâu trên Sơn Tây, Phú Thọ gà bị dịch chết nhiều lắm…
Nghe cô thú y nói vậy, ông Tỉnh không còn tâm trí nào để dạy học, cũng may chỉ còn mười phút nữa là hết tiết học nên ông cho sinh viên nghỉ sớm. Ông Tỉnh vội vả rời trường và phóng xe như bay về trại gà. Đến nơi nhìn cảnh tượng đàn gà mới tuần trước trông khỏe mạnh đẹp đẽ thế kia mà giờ đây trông ủ rũ, con đứng, con nằm, con thì lim dim đôi mắt, không còn một chút sinh lực, lòng ông đau quặn thắt…Chính quyền địa phương sau khi phát hiện ổ dịch lập tức bắt cách ly và tiêu hủy những chú gà chết và ngắc ngoải…Đận ấy gà của ông bị tiêu hủy già nửa. Cũng may nhờ dập dịch tốt nên số gà của ông vẫn còn…
Từ hôm đàn gà bị dịch, ông Tỉnh ở lại hẳn trên trại gà để tìm cách xoay xở chuyển những chú gà khỏe mạnh sang vị trí khác nên không về thăm vợ được chỉ nhắn tin: tôi có việc ở Lương Sơn không về được. Bà Hương nghe vậy bán tín bán nghi: Hay là ông này lại có bồ bịch gì trên đó mà dấu mình? Đúng rồi hơn tháng nay lão đi trên đó liên tục mà mỗi lúc về nhà trông đầu tóc rũ rượi, có lẽ do mấy ả trên đó nó hành cho… Nghĩ vậy bà Hương vội vàng bấm máy gọi, tín hiệu máy cứ tít tít có lẽ lão đang buôn, bà lại càng tức tối. Phải hơn nửa giờ sau bà Hương mới nối máy được với ông Tỉnh, giọng bà chua chát áp đảo:
- Cái ông vô dụng kia, đồ không có tính mà có tướng, ở nhà cả năm trời, không biết đến vợ, vậy mà đi hú hí với đứa nào cả tuần này không về.
- Em bình tỉnh nghe anh nói, anh nào có hú hí gì với ai đâu, sức tôi bà còn lạ gì
- Ái chà, “ở nhà thì chết lâm sàng, hễ sang hàng xóm lại rộn ràng hát ca”, tôi còn lạ gì đàn ông các ông… Về, ông về ngay đừng để tối lên đấy kéo về thì nhục..
- Ừ được rồi anh thu xếp nốt ngày hôm nay mai về.
- Không thu với xếp gì nữa nếu ông không về chiều nay tôi sẽ lên ông đừng có trách nhé.
Nghe bà Hương nói vậy, ông Tỉnh cũng cảm thấy lo lo, ông nghĩ: Nếu bà ấy mà lên thật thì lộ tẩy hết chuyện làm ăn của mình, hay mình cứ về nhỉ… nhưng để đàn gà bệnh lại thì cũng chết, ông quyết định ở lại với đàn gà.
Lại nói đến bà Hương, sau khi thấy ông Tỉnh không chịu về, bà quyết định bắt xe lên hiện trường để bắt quả tang. Vì năm trước ông Tỉnh đã đưa bà Hương lên thăm nhà ông Thái nên không bị trở ngại trong việc tìm kiếm nhà. Khi vừa tới nơi bà Hương như không tin vào mắt mình khi thấy ông Tỉnh đang đứng cạnh một cô gái trẻ hai người đang nói chuyện rất thân mật, vẻ ưu tư… Mặt bà Hương biến sắc, giọng nghẹn lại…phải mất một lúc bà mới lấy lại được bình tỉnh và chạy xông thẳng vào chỗ hai người đang đứng, hét lên:
- Ông giải quyết công việc thế này à… con kia đồ lăng loàn, mày định cướp chồng bà à.
- Không, không, cô hiểu lầm cháu rồi, cháu với chú Tỉnh đang bàn cách cứu đàn gà…Cô gái hoảng hốt phân bua…
- Cứu đàn gà hay cứu đàn bà… để tao cứu cho chúng mày… Vừa nói bà Hương vừa xông vào túm tóc cô gái định đánh.
- Nào em dừng lại đi… chuyện không phải như em nghĩ đâu… ông Tỉnh ngăn lại.
- A! Lại còn định chối hả, bênh nhau à… Bà Hương vẫn không chịu buông ra.
Phải vất vả lắm ông Tỉnh mới kéo được bà Hương ra, may mắn vừa lúc đó có ông Thái đến can ngăn:
- Cô Hương, dừng lại đi cô hiểu nhầm rồi mời cô vào nhà tôi nói chuyện cho cô hiểu.
Lúc này bà Hương mới chịu buông cô gái ra, hình như bà cũng nhận thấy thái độ của mình là vô lý nên cũng xuống giọng:
- Anh Thái, thế là thế nào hả.
- Đây là cô Lan, tôi và anh Tỉnh thuê đến trông đàn gà mà anh em bọn tôi đầu tư, mấy hôm nay bị dịch nên anh Tỉnh phải lên cùng chúng tôi tìm cách cứu đàn gà…
Nghe ông Thái nói vậy, bà Hương biết mình đã hiểu lầm nên có vẻ ngượng… đặt tay lên vai Lan bà cất giọng âu ếm:
- Cho cô xin lỗi cháu nhé, cô hiểu lầm, cả giận mất khôn, cháu thông cảm nhé.
- Vâng, cháu cũng biết là cô đang hiểu lầm chú Tỉnh mà… thôi để cháu cho gà uống thuốc…
Bà Hương cùng ông Tỉnh ông Thái vội vã chuyển mấy chú gà còn khỏe sang vườn bên, bổng bà quay sang ông Tỉnh trách móc:
- Làm ăn lớn mà không nói với em, tha lỗi cho em nhé.
- Không,chính anh mới là người có lỗi đã không nói em biết.
- Chúng mình sẽ ở lại vài hôm cùng cháu Lan và anh Thái cứu đàn gà anh nhé.
Sóng gió tạm thời qua đi, vợ chồng ông Tỉnh trở về nhà, lúc này đang giữa mùa đông nên gió mùa đông bắc thổi mạnh mang theo cái rét đã làm cho hai hàm răng của ông Tỉnh cứ va vào nhau khi ông ngồi trên chiếc xe gắn máy, phía sau xe bà Hương cũng đang rét run cầm cập…
Vào những ngày giáp tết Nguyên Đán các chợ ở Hà Nội đã tấp nập người mua kẻ bán. Gần Tết sinh viên nghỉ tết sớm nên ông Tỉnh cũng không phải dạy học nên ông tranh thủ đi thăm dò tình hình mua bán gà ở các chợ… Ông mong ngày hai ba tháng Chạp đến nhanh để ông tung gà ra bán. Mong được ước thấy, ngày cúng Ông Công, Ông Táo đã đến, ông huy động lực lượng con cháu trong gia đình, dòng họ mang gà đi tất cả các chợ để bán. Đến mười giờ trưa mà các nhóm đi bán gà chưa bán được con nào, họ vội gọi điện thoại hỏi thăm nhau, một cô cháu về bên vợ gọi điện:
- Bác Tỉnh à, chợ của bác đã bán được nhiều chưa? chợ của cháu chẳng ai hỏi mua gà cả.
- Ừ chẳng hiểu sao từ sáng tới giờ cánh chúng tớ cũng không bán được, bác Thái , cô Lan và cô Hương đều thông báo không bán được.
Ông Tỉnh ngao ngán khi thấy điện thoại cứ báo về cùng một điệp khúc “không bán được”. Mãi đến chiều các nhóm báo về có bán được vài con cho những nhà có khách ăn, còn gà cúng chẳng bán được con nào. Đêm đó, hai vợ chồng ông Tỉnh không tài nào chợp mắt được nỗi lo đã bắt đầu thoáng hiện trong ông:
- Em à, chục năm lại đây, Tết năm nào anh cũng thấy người mua gà nhiều, nhất là bắt đầu từ hai ba tháng Chạp, vậy mà năm nay…
- Có lẽ cán bộ chưa được nhận tiền Tết nên họ chưa mua, còn nông dân nhà nào chẳng có gà mà phải mua…Bà Hương an ủi chồng.
- Nhưng các năm trước cũng vậy mà sao người ta vẫn mua ầm ầm.
- Năm nay kinh tế khó khăn, dịch bệnh…
Nghe bà Hương nói vậy, ông Tỉnh cũng cảm thấy yên lòng, ông tự an ủi mình, còn ngày ba mươi Tết nữa cơ mà, bây giờ đến Tết mình phải tung gà bán liên tục thì vẫn được… nghĩ đến đó ông cũng vợi bớt nỗi lo và ngủ thiếp đi.
Sáng ba mươi Tết đã đến, các hàng thịt lợn, thịt bò người mua xếp hàng dài, hàng thiếu hầu như không có đủ để bán, vậy mà hàng gà chẳng ai ngó ngàng gì. Ông Tỉnh thở dài rồi tự hỏi: không hiểu lý do gì nhỉ? cứ như là có ma, hay là trời phạt mình, mà mình cũng có ăn ở gì thất đức đâu mà trời phạt…Đang nghĩ vẩn vơ bên chiếc xe tải mà ông thuê chở gà đi bán, bỗng có một chị trạc tuổi trung niên đến hỏi:
- Có con gà bé nấu cháo bán cho em con bác ơi?
Ông Tỉnh mừng quýnh:
- Có, có, em muốn mua con nào? Chiều ba mươi Tết sao không mua gà cúng lại mua gà nấu cháo? Ông Tỉnh hỏi lại.
- Chả dấu gì bác, chồng em bị cảm cúm không ăn được cơm nên em phải nấu cháo, còn cúng Tết em đã mua thịt lợn đây rồi.
Vừa nói chị vưa đưa trong giỏ ra chừng 3 cân thịt lợn khoe với ông Tỉnh.
- Sao nhà em Tết không cúng gà mà lại cúng thịt lợn?
- Ơ hay, cái bác này, năm tới là năm Dậu ai lại cúng gà….
Ông Tỉnh như giật bắn người lên: Thôi chết mình nghiên cứu hết các loại sách mà mỗi việc này lại không để ý, thôi rồi hèn chi mà từ sáng đến giờ chẳng bán được con nào. Nghĩ vậy, ông Tỉnh vội nói:
- Chị lấy mấy con nấu cháo tôi cho, tôi cũng phải về đây…
Nói rồi ông Tỉnh giục người lái xe chở gà về chuồng, lúc này đã gần năm giờ chiều ba mươi Tết, nhiều gia đình đã bắt đầu cúng tất niên.
Một năm mới đến thật ảm đạm với gia đình ông Tỉnh chỉ vì muốn làm giàu nhanh muốn triển khai sớm kế hoạch “hậu chiến” sau khi nghỉ hưu mà ông Tỉnh phải trả giá. Ông mất trắng ngót nghét hai trăm triệu đồng mà cả đời đi làm công chức giành dụm được để dưỡng già đã bổng chốc đội nón ra đi. Hối thì cũng đã muộn… Ông tự động viên mình “ của đi thay người” thôi về hưu mình cứ sống vui sống khỏe, sống có ích, có sức khỏe không bị ốm đau đấy cũng chính là tiền. Đang mãi suy ngẫm bà Hương đứng cạnh ông từ lúc nào quàng vào cổ ông động viên:
- Bố mày cứ ở nhà với em là vui rồi, đừng lo nghĩ gì nhiều sinh bệnh, em cũng đã giành dụm được ít tiền để vợ chồng mình dưỡng già rồi.
Nghe vợ nói vậy, ông Tỉnh cũng cảm thấy nhẹ lòng, ông lẳng lẽ vào phòng làm việc mang theo những cuốn sách về phong tục thờ cúng của người Việt ra đọc, rồi ông lẩm bẩm một mình: Văn hóa kinh tế quyện chặt vào nhau; những điều tưởng như giản đơn về văn hóa nhưng tác động mạnh mẽ đến kinh tế. Đây là bài học lớn cho ông về lý luận và thực tiễn mà suốt đời ông không bao giờ ông quên…
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/buon-ga-don-nam-dau-a16126.html