Buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) nhận định, trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động gian lận thương mại (GLTM), mua bán, vận chuyển hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả sẽ gia tăng trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa. Các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh để thực hiện buôn lậu, GLTM và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

BĐBP đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, lối mở, cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Ảnh: Bích Nguyên

BĐBP đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, lối mở, cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Ảnh: Bích Nguyên

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, GLTM và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đạt hiệu quả cao; nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật; không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Về tình hình cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 cho biết, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, rượu, thuốc lá, ngoại tệ, dầu DO, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh. Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chính sách thương mại ở khu vực cửa khẩu để móc nối buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hàng hóa được tập kết sẵn tại các kho, điểm giáp biên giới, sau đó đối tượng thuê cư dân khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc trà trộn với các loại hàng hóa nhập khẩu để vận chuyển trái phép qua cửa khẩu vào Việt Nam.

Tuyến biển, cảng biển, các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển, cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, rượu, xăng, dầu, than, khoáng sản, đồng hợp kim, phân bón, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng... Nổi lên là hiện tượng số lượng rất lớn chất ma túy cocaine chưa rõ nguồn gốc trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre. Các đối tượng tội phạm còn ngụy trang, cất giấu hàng cấm lẫn trong hành lý ký gửi, xách tay, hàng hóa ký gửi hoặc cất giấu hàng hóa gọn, nhẹ, có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... lẫn trong hàng hóa nhập khẩu để buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép qua các cảng hàng không và bưu chính quốc tế vào Việt Nam.

Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm buôn lậu, GLTM hết sức tinh vi như lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, chủng loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế... trà trộn vào hàng hóa xuất, nhập khẩu chính ngạch những hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh, ký gửi hàng hóa có giá trị cao, nhập khẩu gia công để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hợp thức hóa hàng lậu.

Cùng với các bộ, ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kết hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển và trên biển; đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, GLTM và hàng giả. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng BĐBP chủ trì phát hiện, bắt giữ 842 vụ, 951 đối tượng buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (khởi tố vụ án hình sự 338 vụ, 414 đối tượng; chuyển giao, kiến nghị khởi tố 83 vụ, 71 đối tượng); trị giá tang vật bị tạm giữ để điều tra, xác minh khoảng 75 tỷ đồng (không tính hàng cấm là ma túy, pháo). Các đơn vị Biên phòng cũng xử lý vi phạm hành chính 386 vụ, 447 đối tượng. Lực lượng BĐBP đã thu giữ 952kg ma túy các loại, hơn 4 tấn pháo, 180kg thuốc nổ, hơn 8 tấn thuốc lá nguyên liệu, 70 tấn đường cát, hơn 300.000 lít dầu và nhiều tang vật khác.

Ban Chỉ đạo 389 nhận định, từ nay đến cuối năm, các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn lậu, GLTM, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Do đó, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác này. Đồng thời chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, GLTM và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện, xử lý trên 64.000 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng trên 172% so với cùng kỳ); 55.133 vụ GLTM, gian lận về thuế (giảm 9,7% so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ), 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/buon-lau-gian-lan-thuong-mai-dien-ra-voi-nhieu-thu-doan-tinh-vi-post479727.html