Buôn lậu lại 'nóng' khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19
Tại họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia vào chiều 23/7, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết: Khi hoạt động xã hội trở lại bình thường sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp.
“Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 'nóng' trở lại, chủ yếu là hàng điện tử điện lạnh cũ, thuốc lá ngoại, ma túy…Đáng chú ý là mặt hàng thịt lợn, do lượng cung không đủ cầu, giá cả tăng đột biến nên có hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam tăng. Điển hình như vụ việc vào tháng 3/2020, Cục cảnh sát môi trường – Bộ Công an đã bắt giữ 20 tấn lợn nhập lậu tại Long An”, ông Đàm Thanh Thế nói.
Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn 11.291 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầu đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định pháp luật.
Đánh giá tình hình buôn lậu tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ trong 6 tháng qua, đại diện Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết: Bộ đội biên phòng, hải quan và các đơn vị địa phương đã tập trung kiểm soát chặt chẽ các địa bàn trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…nên buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng.
Tại tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đà Nẵng…những mặt hàng buôn lậu chủ yếu là rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm và xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào.
Theo lực lượng chức năng, dọc theo tuyến sông Sêpôn vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ Lào về Việt Nam. Các đối tượng đã lợi dụng địa bàn giáp ranh, thời gian đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập với số lượng lớn với thủ đoạn ngày càng manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để bỏ chạy.
Tại thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch COVID-19.
Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Điển hình tháng 3/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với PC03 - Công an thành phố Hà Nội phát hiện Công ty Đức Anh đóng gói hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một số công ty có thương hiệu tại Hà Nội để bán ra thị trường.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết: Thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 còn tiếp diễn khó lường trên thế giới và khu vực; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn còn diễn ra gay gắt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; tình trạng hàng hóa nước ngoài gian lận, giả mạo xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba để hưởng ưu đãi về thuế quan, lẩn tránh phòng về thương mại sẽ gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho hàng hóa Việt Nam bị Mỹ và EU trừng phạt về thương mại.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng cuối năm 2020, BCĐ 389 Quốc gia đã yêu cầu BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng cần sớm hoàn thiện kế hoạch đấu tranh chống lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là tại các trung tâm đô thị và trên tuyến biên giới đường bộ, tuyến biển và hàng không; Tăng cường phòng, chống các hoạt động sử dụng thiết bị, công nghệ cao để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến các mặt hàng y tế phòng chống dịch COVID-19.