'Bứt phá' ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt nhiều công trình hạ tầng giao thông thuộc các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai đã và đang là động lực, điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số 'bứt phá' mọi mặt.
Đưa nhanh chính sách vào cuộc sống
Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, dân số toàn tỉnh là 784 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56,7%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án của chương trình. Đây là hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Ma Quang Hiếu, một trong những dự án thành phần quan trọng được tỉnh Tuyên Quang khẩn trương triển khai là dự án 4: “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang phân bổ 234 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 225 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 13 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng 264 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương có gần 40% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt có những thôn 100% là đồng bào dân tộc thiểu số như: Đồng Chùa, Đồng Báo, Thanh Sơn, Tân Dân. Tháng 4-2023, công trình cầu Đồng Chùa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, cầu Đồng Chùa là một trong 7 công trình theo Dự án 4 “Đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và đơn vị sự nghiệp công lập” giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài công trình cầu Đồng Chùa, 2 công trình khác là cầu tràn liên hợp thôn Thanh Sơn, tràn liên hợp thôn Đồng Báo đã được giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công. Bà con ở các thôn phấn khởi, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để cây cầu được thi công theo đúng kế hoạch.
Cũng tại huyện Sơn Dương, công trình cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi thôn Đồng Min, xã Bình Yên trị giá đầu tư gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Ông Vương Ngọc Vản, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết, công trình cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi thôn Đồng Min khởi công tháng 4-2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2023. Công trình có 2 hạng mục kè thân đập và nạo vét lòng hồ. Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, công trình phục vụ tưới 2 vụ/năm cho trên 25 ha diện tích đất nông nghiệp và phục vụ phát triển du lịch tại xã Bình Yên.
Đúng đối tượng thụ hưởng
Con đường bê tông đi vào nơi ở của trên 30 hộ đồng bào dân tộc Dao và trên 10ha đất sản xuất của nhân dân thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận (Yên Sơn) được hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối tháng 5-2023. Theo ông Hà Văn Tiệp, Chủ tich UBND xã Tứ Quận, tuyến đường dài gần 1 km, đường rộng 3,5m có trị giá đầu tư 1,2 tỷ đồng. Trước đây, đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nên khi được đầu tư xây dựng con đường, bà con tại Đồng Bài rất phấn khởi. 4 hộ gia đình có tuyến đường đi qua tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến trên 2.500m2 đất để công trình thi công đúng thời hạn và tiến độ đề ra.
Anh Tướng Văn Đên, dân tộc Dao, thôn Đồng Bài chia sẻ, con đường bê tông khang trang là mong ước bao lâu nay của bà con ở Đồng Bài. Nên khi được chính quyền đến tuyên truyền, vận động hiến đất, xây dựng con đường bê tông mới, gia đình anh đã tự nguyện thu hoạch sớm đồi keo mới 3 năm tuổi, giải phóng mặt bằng, hiến 1.500m2 đất để làm đường. Giờ đây, người dân có đám rừng bán cũng được giá hơn, tụi trẻ đi học cũng an toàn hơn.
Năm 2023, tỉnh đầu tư 419 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, đầu tư cải tạo mạng lưới chợ 13 công trình; duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng tại các xã khu vực III, xã ATK và thôn đặc biệt khó khăn.
Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, triển khai các chính sách đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đúng đối tượng thụ hưởng để phát huy nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để đồng bào nắm rõ, hiểu sâu, chung tay, góp sức cùng tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình. Ban cũng phối hợp chặt chẽ các ngành, các huyện, thành phố, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thực hiện thanh, quyết toán nguồn vốn theo Luật Ngân sách nhà nước. Trước mắt, thực hiện tốt kế hoạch vốn năm 2022 và 2023.
Các công trình hạ tầng được đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đang giúp người dân bớt khó khăn, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, xã hội; rút ngắn về khoảng cách vùng miền, góp sức thực hiện mục tiêu giảm 4%/năm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.