Bứt phá trên mảnh đất miền Tây
Các huyện miền Tây của tỉnh (Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm) là 1 trong 3 tiểu vùng kinh tế quan trọng của tỉnh, với diện tích chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương đã có nhiều đổi mới và phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, Huyện ủy, UBND các huyện miền Tây chủ động cụ thể hóa, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện các phần việc thuộc nhiệm vụ được giao; tổ chức tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của nghị quyết đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân; triển khai lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và việc thực hiện các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá của mỗi địa phương.
Từ các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các huyện miền Tây có những bước đột phá lớn trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, hiện nay đang công bố công khai, đăng tải các quyết định và đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ 1/2000 trên Trang thông tin điện tử UBND huyện đến toàn thể nhân dân các tổ, xóm trên địa bàn thị trấn; hoàn thiện và ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND, ngày 22/3/2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án khu đô thị bờ phải sông Gâm, thị trấn Pác Mjầu; Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 22/3/2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án khu đô thị trung tâm thị trấn Pác Mjầu theo đúng thẩm quyền, hiện đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, với giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 đơn vị diện tích (ha) đến hết năm 2024, ước đạt 38,7 triệu đồng, đạt 77,3% mục tiêu nghị quyết giai đoạn 2021 - 2025; tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 51,1%; diện tích trồng các giống cây đặc hữu của địa phương (lê, quýt, thanh long, mận máu, hồng không hạt) ước đạt khoảng 437 ha, đạt 102,1%; diện tích trồng cây lâm nghiệp (quế, trúc sào, dổi ghép, sa nhân tím, keo tai tượng, thông, keo lai giâm hom, hồi, dâu tằm) ước đạt khoảng 1.475 ha, đạt 113,2% chỉ tiêu kế hoạch; thành lập mới 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cả 3 huyện miền Tây lên 45 hợp tác xã.
Các huyện miền Tây tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, điện, thủy lợi, cấp nước sạch, trường học, y tế...); cứng hóa kênh mương kết hợp giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác giáo dục và đào tạo không ngừng được quan tâm, trên địa bàn tiểu vùng có 39 trường đạt chuẩn quốc gia (Bảo Lâm 11 trường, Bảo Lạc 14 trường, Nguyên Bình 14 trường). Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, đầu tư, phát triển đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện các huyện miền Tây có 7 bác sĩ/vạn dân, (đạt 71,3% mục tiêu nghị quyết giai đoạn 2021 - 2025); số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 81%, 20,6 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%.
Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, truyền thanh được thực hiện có hiệu quả, đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87,7%, vượt 4,7 điểm phần trăm so với mục tiêu nghị quyết; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 96,4%; khu dân cư văn hóa đạt 82,1%; trên 92% hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, trên 90% hộ được xem Đài Truyền hình Việt Nam. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm chú trọng; chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các chính sách, chương trình dự án giảm nghèo được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%, đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra.
Khai thác lợi thế, phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng...) kết hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền tại địa phương gắn với bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Liên kết với các huyện, các tỉnh lân cận xây dựng tour, tuyến, thúc đẩy phát triển du lịch… Đến hết năm 2024, huyện Bảo Lạc thực hiện đạt và vượt 10/21 chỉ tiêu; huyện Bảo Lâm đạt và vượt 13/21 chỉ tiêu; huyện Nguyên Bình đạt và vượt 14/21 chỉ tiêu...
Thời gian tiếp theo, các huyện tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án đầu tư lớn, tạo động lực để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng các huyện miền Tây phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/but-pha-tren-manh-dat-mien-tay-3174990.html