Bút pháp carnaval của người 'giăng lưới bắt chim'

Ở xứ mình, người viết văn về đề tài lịch sử phần lớn là người không viết sử theo nghĩa đen của từ này. Và những trang văn của những người này thường đẹp, được người viết sử và độc giả nhã giám. Nguyễn Huy Thiệp là thầy giáo dạy sử nhưng viết về lịch sử rất khác người viết sử. Ông viết về Gia Long, về Quang Trung, về Hồ Xuân Hương... không giống ai cả. Phải chăng ông bị quên kiến thức lịch sử?

Lịch sử và nhân vật lịch sử của ông đầy hỷ, nộ, ái, ố, lúc thì được ông nói huỵch toẹt ra, khi thì được ông nghiền ngẫm. Điều dễ thấy nhất là ông viết về lịch sử khác hẳn với Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải, Trần Thùy Mai…, những người kể lại lịch sử bằng văn phong và cấu tứ, kết cấu của văn chương, đương nhiên là có hư cấu, tức khác với "chí", "thông chí", "liệt truyện", "sử ký"… Khác ở chỗ có thể có những sự kiện, quan hệ mà trong chính sử không có. Nguyễn Huy Thiệp cũng hư cấu, đầy hư cấu nhưng không kể chuyện lịch sử.

Có ông vua nào lại nói như thế này không: "Khanh chẳng hiểu gì. Vinh quang nào mà chẳng xây trên điếm nhục?" (Nguyễn Ánh trong "Vàng lửa"). Không có và có lẽ sẽ không bao giờ có.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021).

Trong truyện "Kiếm sắc", khi gặp ca nữ Vinh Hoa, một tuyệt thế giai nhân, Đặng Tiến Đông "đánh rơi cả kiếm", Quang Trung "thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay", còn Nguyễn Ánh thì "bỗng nhiên xây xẩm mặt mày, thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi".

Không ai đi "làm sử" với mấy câu "chết người" đó. Là thầy giáo dạy sử, Nguyễn Huy Thiệp biết điều này hơn ai hết. Nhưng ông vẫn viết mấy câu đó. Đó là những câu văn bình thường một cách không bình thường. Không bình thường là vì ở ta khó chấp nhận tư duy và viết như vậy. Nhưng bình thường vì Nguyễn Huy Thiệp, như đã nói, ông không nhằm chứng minh cho cái chân, ông chủ yếu cố đối thoại với quá khứ, ông nghĩ về quá khứ.

Với cảm hứng và động cơ đó, người trần thuật kể chuyện Nguyễn Ánh tâm sự: "Ta chỉ thích như người thường thôi!" (Kiếm sắc). Rồi đến truyện "Phẩm tiết", Nguyễn Ánh còn bảo: "Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện". Có người từng lưu ý đọc truyện hư cấu khác với đọc sử trong trường hợp Nguyễn Huy Thiệp (Cách đọc văn học viết về lịch sử cũng khác với cách đọc các công trình sử học). Chẳng phải vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" cũng được Lưu Quang Vũ viết theo kiểu này sao?

Nguyễn Huy Thiệp có một truyện ngắn có nhan đề rất lạ: "Không có vua". Tôi nghĩ cái tựa đề này có ý nghĩa tượng trưng cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp: phong cách carnaval (carnival, carneval, carnevale). Khi tham gia cuộc chơi carnaval (lễ hội hóa trang), tất cả đều đeo mặt nạ che mặt nhưng thân hình lại để trần trụi. Không còn phân biệt. Một thế giới phi trật tự trong một trật tự rất con người: dân chủ. Không còn đẳng cấp, địa vị giữa ông Kiền vá xe, anh Cấn cắt tóc, anh Khiêm lò mổ, anh Tốn dị dạng với anh Đoài công chức ngành giáo dục, anh Khảm sinh viên. Tất cả đều không hoàn bị như chính thế giới này.

Nguyễn Huy Thiệp không có cảm hứng cũng như động cơ hạ bệ cái quan phương. Ở ông, chỉ có con người cá nhân - cá thể trong ngày hội carnaval tràn ngập tiếng cười nhất nguyên. Trong truyện ngắn "Nguyễn Thị Lộ", khi Nguyễn (Nguyễn Trãi) gặp Thị Lộ, "con người cũ trong ông chết đi". "Con người cũ", "chết", đây đâu phải là từ ngữ của thời Nguyễn Trãi, của châu Á thế kỷ XV! Châu Á hồi bấy giờ chỉ có con người trong mối quan hệ thiên - địa - nhân, thiên nhân tương cảm và thời gian tuần hoàn, ở đó cái gì đã qua đều có tính chuẩn tắc. "Con người cũ", "chết" có gì đó giống với cách nói quyết liệt của Nguyễn Tuân giữa thế kỉ trước khi nhà văn này sửa lại tác phẩm "Chùa đàn" ! Cũng vì thế, người ta có thể chấp nhận câu văn sau về Nguyễn Thị Lộ: "Nàng không súng sính bởi học vấn hoặc phẩm hạnh, cũng không cứng nhắc bởi đồ lót mình" (truyện "Nguyễn Thị Lộ"). Có nghĩa là, với lớp từ của ngày nay, nhân vật lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp sống cùng thời với độc giả theo cảm quan tiểu thuyết.

"Chút thoáng Xuân Hương" là truyện ngắn khá dài của Nguyễn Huy Thiệp, gồm 3 truyện, trong đó "Truyện thứ ba" kể về một nhân vật "anh" nào đó loay hoay với vai diễn Chiêu Hổ mà đạo diễn giao cho. Điều quan trọng là bỗng anh hình dung có lẽ ngày xưa Xuân Hương đã sống như thế. Những thu hoạch siêu thời gian này đương nhiên mâu thuẫn tuyệt đối với cái kịch bản "khốn nạn, văn không ra văn, chữ không ra chữ (…). Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ". Đây rồi: "Có lẽ ngày xưa chính là Xuân Hương sống thế". Hình như có người từng nhận xét rất hay rằng truyện ngắn về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp không chủ trương minh họa chân lý mà chỉ có những giả thuyết về những gì đã xảy ra.

Bìa sách “Tướng về Hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Bìa sách “Tướng về Hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tuy không phải là người đi tiên phong, nhưng Nguyễn Huy Thiệp là người quyết liệt nhất ở vào thời điểm giao mùa của văn học Việt Nam hồi thế kỷ trước: từ văn học sử thi thành văn học của đời thường, đời tư. Xét trong tính lịch sử - cụ thể, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn quá khổ, tức không thể đo bằng kích tấc thông thường vào cái thời ông mới bắt đầu cầm bút.

Câu văn của Nguyễn Huy Thiệp khiến người đọc có cảm giác như những nhát kéo cắt vào cái tôi, cả cái siêu tôi, thoạt đọc có vẻ lạnh lùng, không ít chỗ bỗ bã. Đằng sau cái vẻ tưởng như cộc lốc của ông là một ao ước cháy bỏng rằng con người hãy vươn lên sống đẹp.

Trong truyện "Tướng về hưu", ông Bổng là người "ghê gớm", "ăn nói văng mạng", đang lúc người nhà đóng quan tài cho chị dâu thì đã tranh thủ nói với cháu: "Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván".

Cái con người tưởng đâu ruỗng hết cả vì vong thân này thì hôm đưa tang anh, trên đường về, lại nói mấy câu rất nghiêm túc: "Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước (…) Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, Nhân dân muôn năm".

Ở đây, nếu trích đủ, sẽ thấy một định đề về bán kính của cảm xúc thẩm mỹ: Cái gì ở gần quá, vào đụng ra chạm, sẽ gây cảm giác tầm thường, lò xo cảm xúc không bật nảy. Điều đáng nói là nhà văn nhìn thấy đốm người trong con người nhân vật. Với "Tướng về hưu", Nguyễn Huy Thiệp gặp gỡ Nam Cao khi nhìn thấy ông Bổng "tốt nhưng nghèo". Chao ôi, làm sao có thể cứu vớt lấy cái thiện lương nơi con người!

"Chảy đi sông ơi" là câu chuyện đầy xúc động. Cái đẹp đích thực, hiện thân là chị Thắm, thường lẩn khuất, lặng lẽ. "Cà phê Hàng Hành" là câu chuyện về sự nhận chân ánh sáng và bóng tối, và đằng sau đó còn là những day dứt, lo âu cho văn hóa dân tộc.

Ở truyện "Sang sông" cũng vậy, nhà thơ, ông giáo, nhà sư… đâu có cứu được đứa bé bị kẹt tay ở miệng của chiếc bình cổ; chỉ có "tên cướp" với một cú bổ mạnh của cây côn nhị khúc. Rồi "tên cướp" bỏ đi với "di huấn": "Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu". "Những người thợ xẻ" là sự tuyên chiến với cái trí trá, giả dối, mà đau đớn thay lại là sự giả trá trong giới trí thức.

"Muối của rừng" là thiên truyện độc đáo, một diễn ngôn phê bình sinh thái ra đời rất sớm ở Việt Nam. Truyện ngắn này, theo tôi cảm nhận, xứng đáng được xếp trong tuyển tập truyện ngắn kinh điển của thế giới. Nó kêu gọi tất thảy chúng ta hãy thuận theo tự nhiên mà sống, như nhân vật ông Diểu sau cuộc đi săn thất bại: "Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng (…). Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi". Thật ra ông Diểu không thất bại mà trái lại, ông rất thành công bởi ông nhận được bài học về thiên nhiên, về con người, về sự sống…

Sự thật đời sống, phẩm giá con người trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp quý và mong manh đến mức như huyền thoại. Cầu mong ông yên nghỉ. Các thế hệ sau sẽ nối bước ông đi tìm "Con gái thủy thần".

Đặng Ngọc Hùng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/but-phap-carnaval-cua-nguoi-giang-luoi-bat-chim-635251/