BV Nhi Đồng 1 thay van động mạch phổi qua da cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
Hơn 1 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh chỉ thực hiện cho 8 trẻ bằng phương pháp thay van động mạch qua da cho trẻ bệnh tim bẩm sinh vì chi phí cao mà chưa được thanh toán bảo hiểm y tế.
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công phương pháp thay van động mạch phổi qua da cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh sau can thiệp tứ chứng fallot.
Phương pháp này đang được áp dụng tại nhiều nước có nền y học tiên tiến. Bệnh viện Nhi đồng 1 là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ quốc tế để triển khai kỹ thuật này.
Mắc dị tật tim bẩm sinh tứ chứng fallot, cậu bé L.Tr.Q (12 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) đã được phẫu thuật thay van động mạch từ lúc 19 tháng tuổi. Hơn 10 năm qua, sức khỏe của em bình thường. Tuy nhiên từ cuối năm 2023, Q thường xuyên xuất hiện những cơn đau tim, nhất là những lúc vận động mạnh.
Tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sỹ cho biết van động mạch phổi của em không còn hoạt động hiệu quả, buộc phải thay thế nếu không sẽ bị suy tim. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, em và gia đình phải lặn lội từ Quảng Ngãi vào Thành phố Hồ Chí Minh để được phẫu thuật thay van động mạch phổi lần 2.
Lần này, thay vì cưa xương ức để phẫu thuật theo phương pháp truyền thống, các bác sỹ đã thực hiện kỹ thuật can thiệp qua da - một phương pháp thông tim can thiệp hiện đại đang được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Thạc sỹ-bác sỹ Lê Nguyễn Phú Quý, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết với phương pháp này, các bác sỹ sẽ mở đường từ tĩnh mạch đùi, luồn ống thông lên tĩnh mạch chủ dưới đến nhĩ phải, xuống thất phải và lên động mạch phổi. Sau đó, các bác sỹ lựa chọn kích cỡ van động mạch phổi phù hợp, đưa van động mạch phổi nhân tạo qua đường ống thông từ tĩnh mạch đùi lên động mạch phổi và tiến hành thả van động mạch phổi vào trong thân động mạch phổi nguyên bản của người bệnh. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.
Lý giải nguyên nhân người bệnh phải thay van động mạch phổi sau khi đã phẫu thuật tứ chứng fallot từ khi còn nhỏ, bác sỹ Đỗ Thị Cẩm Giang, Khoa Tim mạch, cho hay khi trẻ lớn lên, van cũ không thể tải được lượng máu lớn, gây suy tim, lúc này trẻ bắt buộc phải thay van tim mới, nếu không, nguy cơ đột tử rất cao.
Trước đây, phương pháp truyền thống khi thay van động mạch phổi là mổ hở bằng cách cưa xương ức. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nguy hiểm nhất định. “Thông thường dưới lồng ngực có 1 lớp mô cơ và tuyến ức để bảo vệ tim, nhưng với những trẻ đã từng mổ tim thì phần này đã bị bóc tách trong lần mổ trước, do đó trái tim của những trẻ này nằm ngay dưới xương ức. Khi cưa xương ức để mổ mở có thể xảy ra rủi ro là cưa trúng tim của trẻ, ảnh hưởng đến tính mạng, vô cùng nguy hiểm,” bác sỹ Cẩm Giang cho hay.
Bên cạnh đó, phẫu thuật bằng mổ mở thời gian gây mê hồi sức kéo dài, có thể xảy ra nhiều biến chứng. Phương pháp can thiệp qua da có thể khắc phục hoàn toàn những nhược điểm này. Can thiệp thay van động mạch phổi qua da sẽ giúp trẻ tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn, khả năng hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện và giảm các nguy cơ biến chứng.
Phương pháp thay van động mạch phổi qua da được Bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai từ cuối năm 2023. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam làm chủ kỹ thuật khó này. Tuy nhiên, trung bình mỗi ca can thiệp thay van động mạch phổi qua da có chi phí hơn 600 triệu đồng, chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán. Vì thế, trong hơn 1 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 mới chỉ thực hiện can thiệp cho 8 trẻ bằng phương pháp này. Hiện, kỹ thuật này đã được chuyển giao cho các bác sỹ tại Bệnh viện E (Hà Nội) và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Thạc sỹ Chu Huy Thành, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết cả 8 ca can thiệp bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da tại đây đều phải kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ bởi chi phí quá lớn. “Chúng tôi mong rằng, phương pháp này sẽ sớm được đưa vào danh mục kỹ thuật được Bảo hiểm y tế chi trả để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình các bệnh nhi”./.