BV TW Huế: không cho phép chủ quan trong phòng chống dịch nCoV

Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện lớn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, một trong 3 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh do nCoV khi vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên. Những ngày qua, khu vực miền Trung chưa ghi nhận bệnh nhân dương tính với virus corona nhưng không vì thế công tác ứng phó với dịch ở đây lơ là. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

PV: Thưa ông, tại Huế và khu vực lân cận chưa ghi nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, công tác phòng ngừa và chủ động đương đầu với dịch trên địa bàn như thế nào?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Tại tỉnh Thừa Thiên Huế tuy chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV nhưng không vì thế chính quyền, cán bộ y tế toàn tỉnh chủ quan.

Từ những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã triệu tập cuộc họp với các sở ngành, địa phương nhằm triển khai kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn dịch do nCoV lây lan vào địa bàn. Đến thời điểm này, dù trên địa bàn chưa có trường hợp nào mắc bệnh, nhưng lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng không được chủ quan, cần chủ động các phương án phòng chống dịch.

 GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (thứ 2 từ phải sang) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tại buổi diễn tập phương án có bệnh nhân.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (thứ 2 từ phải sang) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tại buổi diễn tập phương án có bệnh nhân.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 23 đội phản ứng nhanh, trong đó có 5 đội phản ứng nhanh cấp tỉnh, 18 đội phản ứng nhanh cấp huyện được tập huấn các phương án phòng ngừa bài bản. Các cơ sở y tế, BV trên địa bàn đã xây dựng phương án tối ưu để phòng ngừa, nhất là BV Trung ương Huế đã tiến hành tập huấn, diễn tập cho đội ngũ cán bộ y tế, thiết lập hệ thống cách ly ở Trung tâm Nhi khoa (tầng 1) và ở Khoa Bệnh nhiệt đới, sẵn sàng thu dung, điều trị kịp thời nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ. Bệnh viện TW Huế cũng đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh ngay tại bệnh viện do Giám đốc bệnh viện là tổ trưởng chịu trách nhiệm điều hành khi có dịch.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chúng tôi tổ chức diễn tập phòng chống dịch tại cơ sở 2 của bệnh viện. Tham gia đợt diễn tập là đội ngũ các nhân viên y tế thuộc nhiều khoa như cấp cứu, nhiệt đới, vi sinh, nhi, phổi, xét nghiệm và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của bệnh viện. Ê kip trực tiếp điều trị của các khoa đã diễn tập thực hiện các bước tiệt khuẩn, tiệt trùng, thăm khám lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm, hội chẩn, đặt nội khí quản, thở máy, chụp X- quang và đưa ra phác đồ điều trị... đối với các trường hợp giả định.

Thông qua diễn tập, các y, bác sĩ chủ động, sẵn sàng tinh thần, kĩ năng y khoa và phát huy hiệu quả phối hợp “chiến đấu” với dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV tại địa bàn cũng như các tỉnh, thành lân cận.

Hiện nay, chúng tôi đã tổ chức 3 khu cách ly cho bệnh nhân để lấy xét nghiệm; chẩn đoán xác định có nCoV hay không và khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV. Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều bệnh nhân, bệnh viện đã có khu cách ly riêng để tổ chức cách ly đảm bảo cho công tác điều trị cũng như phòng chống lây lan dịch bệnh cho những đối tượng khác. Các phòng cách ly này đều có hệ thống camera giám sát và nối máy điện thoại ra bên ngoài để trao đổi với người bệnh.

Robot với tên gọi Tâm An do các thầy thuốc BV Trung ương Huế sáng chế có nhiệm vụ mang thức ăn, thuốc, đồ vải... đến cho người bệnh ở khu vực cách ly.

Robot với tên gọi Tâm An do các thầy thuốc BV Trung ương Huế sáng chế có nhiệm vụ mang thức ăn, thuốc, đồ vải... đến cho người bệnh ở khu vực cách ly.

Đặt giả thiết, khi có dịch bùng phát, chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 làm khu cách ly chỉ dùng cho điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV, có thể huy động khoảng 1.000 giường với đầy đủ các điều kiện y tế đi kèm.

Điều vui mừng để giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế, chúng tôi, đã cải tiến xe điện điều khiển từ xa nhằm mục đích phục vụ bệnh nhân cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm nCoV. Robot tên gọi Tâm An này có “nhiệm vụ” mang thức ăn, thuốc, vật tư tiêu hao, đồ vải... đến cho các bệnh nhân đang được điều trị hoặc cách ly.

PV: Phòng xét nghiệm của bệnh viện cũng đã được phép thực hiện các xét nghiệm ncoV, điều này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Phòng xét nghiệm của bệnh viện đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II và có tủ an toàn sinh học cấp III. Các kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm đều được các chuyên gia Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm.

Trước diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra việc Bộ Y tế cho phép bệnh viện tiến hành xét nghiệm có ý nghĩa tích cực và rất quan trọng, giúp thời gian trả kết quả xét nghiệm nhanh và không phải di chuyển mẫu xét nghiệm đi xa.

Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị thứ 5 được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm nCoV trên cả nước theo phương pháp kỹ thuật Real time RT – PCR. Trước đó, ở khu vực miền Trung chỉ có duy nhất Viện Pasteur Nha Trang được thực hiện xét nghiệm xác định nCoV.

Anh Tuệ ( thực hiện )

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-trung-uong-hue-chu-dong-khong-cho-phep-chu-quan-chong-dich-n168776.html