BYD: Bị hoài nghi ở những thị trường khó tính, chuyển hướng sang khu vực 'mới nổi'

Bên cạnh những con số nổi bật về doanh số, BYD cũng vướng vào nhiều bê bối về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và bị thị trường nhiều nước, thậm chí cả người dùng nội địa hoài nghi. Hướng đi mới của hãng đang nhắm đến có thể là những thị trường 'mới nổi' dễ tính hơn như khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Chiếc sedan thuần điện Seal tại sự kiện lái thử của BYD Việt Nam diễn ra mới đây - Ảnh Bình An.

Chiếc sedan thuần điện Seal tại sự kiện lái thử của BYD Việt Nam diễn ra mới đây - Ảnh Bình An.

Chiến lược “lạ”

Theo Carscoops (trang đánh giá xe uy tín thế giới), năng lực sản xuất của các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc hiện lên tới 40 triệu ô tô mỗi năm, trong đó BYD chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng nội địa chỉ dừng lại ở con số 22 triệu xe mỗi năm, tức là chỉ bằng khoảng một nửa nguồn cung.

Đó là lý do các hãng có nguồn cung lớn như BYD muốn nhanh chóng mở rộng thị trường ra thế giới. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải với hãng xe Trung Quốc là chất lượng không qua được rào cản tiêu chuẩn cao tại các nước châu Âu.

Theo báo cáo của các nước châu Âu, trong những tháng đầu năm nay, hàng nghìn chiếc BYD đã không được thông quan vì không đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản, đơn cử như nội thất xe xuất hiện tình trạng nấm mốc. Tại Nhật Bản và nhiều nước khác, xe BYD cũng khó kiếm đường nhập khẩu bởi nếu muốn bán tại những thị trường khó tính này, xe phải sửa chữa gần như toàn bộ để xử lý các lỗi móp méo, trầy xước, cong vênh...

Xe Trung Quốc còn khó có cửa vào các nước như Mỹ, châu Âu bởi hàng rào thuế quan. Từ ngày 4/7, EU chính thức áp mức thuế bổ sung lên tới 38% đối với xe điện nhập khẩu từ xứ tỷ dân. Trước đó, ngày 14/5, Mỹ cũng đã công bố mức thuế quan hơn 100% với xe điện và một số hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều thị trường cũng tỏ ra lo lắng bởi ngoài chất lượng xe không đảm bảo, an toàn thông tin, khả năng xe BYD bị giám sát từ xa cũng có thể là rủi ro lớn.

Một chuyên gia phân tích thị trường tại khu vực Đông Nam Á cho rằng, những khó khăn này đang khiến BYD đẩy mạnh đẩy xe tồn sang các thị trường như châu Phi hay Đông Nam Á – những nơi có rào cản kĩ thuật chưa hoàn thiện hoặc mở ở mức thấp.

“Đây sẽ là nỗi lo lớn của các nước đang phát triển cũng như toàn cầu bởi những sản phẩm vốn không đủ tiêu chuẩn sẽ không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho người dùng mà còn là nhiều hệ lụy xã hội”, vị chuyên gia nói.

Hệ thống pin và khung sườn của xe điện mà BYD Việt Nam phân phối được trưng bày tại sự kiện diễn ra mới đây - Ảnh Bình An.

Hệ thống pin và khung sườn của xe điện mà BYD Việt Nam phân phối được trưng bày tại sự kiện diễn ra mới đây - Ảnh Bình An.

Liên tiếp gặp sự cố

Những vấn đề về chất lượng mà BYD liên tiếp gặp phải có xu hướng gia tăng và đây là một trong những rào cản lớn nếu thương hiệu này muốn chinh phục khách hàng tại các thị trường mới, ngay cả các thị trường mà BYD cho rằng “dễ tính” như Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, các vụ cháy xe không rõ nguyên do được đánh giá là những rủi ro tiềm ẩn cho người dùng mà hãng cần nhanh chóng đưa ra lời giải.

Tháng 9/2023, một chiếc BYD Atto 3 đã bốc cháy khi đang cắm sạc ở Thái Lan, trong khi mới mua chưa đầy 6 tháng.

Ngay cả ở thị trường Trung Quốc, hãng xe này cũng đã nhiều lần bị người tiêu dùng tố cáo về chất lượng xe. Theo CarNewsChina, từ năm 2020-2022, BYD là thương hiệu đứng đầu bảng thống kê các vụ cháy xe điện do báo chí đưa tin ở Trung Quốc.

Tháng 8/2022, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một video về mẫu xe điện BYD Han đang đỗ ở tỉnh Tứ Xuyên bỗng nhiên bốc cháy. Thời điểm chiếc xe bắt đầu bốc khói, may mắn thay, chủ nhân không ở trong xe. Đám cháy đã nhanh chóng được đội cứu hỏa xử lý nhưng xe đã bị thiêu rụi. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Quá đáng sợ”, chủ xe trong vụ việc chia sẻ.

Những vụ việc này đã đặt ra nhiều nghi vấn về công nghệ và việc kiểm soát chất lượng của BYD. Bình luận về sự việc này, một số netizen Trung Quốc thẳng thắn tuyên bố: “May mắn tôi đã không mua chiếc xe này”.

Gần đây, vào tháng 5/2024, hãng xe Trung Quốc cũng đã phải triệu hồi 16.666 mẫu BYD Seagull tại chính thị trường nội địa vì lỗi liên quan tới hệ thống điều khiển camera trên màn hình trung tâm, gây rủi ro tới khả năng quan sát.

Theo một video đăng tải trên mạng xã hội, người xem đã phát hiện ra tình trạng rò rỉ điện trên các mẫu xe như BYD Song Pro, khiến chủ xe bị giật bởi dòng điện 110 V.

 vụ cháy showroom thứ 10 của BYD tại Phúc Kiến - Ảnh CNT

vụ cháy showroom thứ 10 của BYD tại Phúc Kiến - Ảnh CNT

Cũng trong tháng 5/2024, tại tỉnh Phúc Kiến đã xảy ra vụ cháy showroom thứ 10 của BYD chỉ trong vòng chưa đến 3 năm kể từ tháng 10/2021, khiến 7 chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn, một số xe của khách hàng đang gửi tại showroom để sửa chữa bị hư hỏng. Theo nguồn tin ban đầu, nguyên nhân vụ cháy đến từ một chiếc xe điện trong phòng trưng bày.

Đến 90% doanh số từ thị trường nội địa, nơi có dân số hơn 1,4 tỷ người, các chuyên gia đánh giá thành công này có được khi BYD đang hưởng rất nhiều ưu đãi và bảo hộ. Với 10% doanh số ở thị trường quốc tế, hãng xe Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm để tiêu thụ hết lượng xe đang dư thừa trong nước, ùn ứ ở các cảng biển.

Tìm đến các thị trường mới nổi là một hướng đi, tuy nhiên con đường sẽ không dễ như khi còn được bảo hộ ở nội địa.

BYD Việt Nam sẽ không phát triển trạm sạc công cộng mà khuyến khích khách hàng sạc tại nhà hoặc bên thứ 3 - Ảnh Bình An.

Tại thị trường Việt Nam, BYD vừa công bố giá niêm yết dành cho 3 mẫu xe đầu tiên bao gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal. Trong số này, BYD Dolphin là mẫu xe rẻ nhất của thương hiệu khi có giá khởi điểm từ 659 triệu đồng.

Mẫu xe đắt nhất trong dải sản phẩm lần này là BYD Seal với 2 phiên bản Advanced và Performance, mức giá niêm yết tương ứng lần lượt 1,119 tỷ đồng và 1,359 tỷ đồng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/byd-bi-hoai-nghi-o-nhung-thi-truong-kho-tinh-chuyen-huong-sang-khu-vuc-moi-noi.html