ByteDance thực hiện nước cờ khéo léo để nâng giá trị TikTok, giúp ông Trump trở thành vị cứu tinh
Với việc chủ động tạm thời đóng cửa TikTok tại Mỹ cuối tuần qua, gã khổng lồ công nghệ ByteDance (Trung Quốc) đã thực hiện 'nước cờ khéo léo mang tính phòng ngừa' có thể nâng cao danh tiếng và sự hiện diện trên thị trường của mình, theo nhận định từ các nhà phân tích.
TikTok, Lemon8, CapCut và các ứng dụng khác đã tạm dừng hoạt động trong vài giờ hôm 19.1 để tuân thủ luật yêu cầu các công ty Mỹ không được lưu trữ những dịch vụ của ByteDance trừ khi tập đoàn Trung Quốc này thoái vốn khỏi một số ứng dụng nhất định. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ cung cấp một số biện pháp “cứu TikTok” sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ vào buổi trưa 20.1 giờ Mỹ.
“TikTok đã lường trước sự phẫn nộ của công chúng khi nền tảng này phải ngừng hoạt động ở Mỹ, biết rằng ông Trump sẽ tận dụng cơ hội để trở thành người giải quyết và tạo ra thỏa thuận cuối cùng. Đây là một nước đi khéo léo mang tính phòng ngừa trước lễ nhậm chức của ông Trump”, theo Alex Capri, giảng viên tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore và tác giả cuốn sách Techno-Nationalism: How it’s Reshaping Trade, Geopolitics and Society (Chủ nghĩa Công nghệ Dân tộc: Cách nó định hình lại thương mại, địa chính trị và xã hội).
“Điều quan trọng với TikTok là thị trường và mức định giá. Tại sao không tận dụng sự cố này để cải thiện danh tiếng và mở rộng thị trường? Ngay cả những người không sử dụng TikTok cũng có thể đánh giá cao sự thành công hoặc tầm ảnh hưởng của ứng dụng này lẫn công ty mẹ là ByteDance”, Zhao Zhijiang, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Anbound (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), cho biết.
Alejandro Reyes, học giả tại Trung tâm Xã hội châu Á ở Hồng Kông, gọi động thái này là “sự chuyển đổi đầy kịch tính, điều mà một người thích thể hiện như ông Trump sẽ ưa chuộng, nên giờ đây ông tập trung vào việc cho thấy mình có thể đạt được một thỏa thuận”.
“Tôi nghĩ rằng Trump sẽ cho rằng đây là một đòn ngoạn mục thu hút sự chú ý vào lễ nhậm chức của ông, như thể ông cần có thêm vào tuần này”, Alejandro Reyes nói.
Zhao Zhijiang đồng tình với Alejandro Reyes, lưu ý rằng ông Trump tự định vị mình là “vị cứu tinh của TikTok”, dù chưa có chi tiết nào về cách một thỏa thuận như vậy có thể diễn ra trong phạm vi luật pháp Mỹ.
Quan điểm kiên định của TikTok trong việc tự bảo vệ mình đã làm tăng mức định giá công ty, mà theo ước tính của Phó chủ tịch cấp cao Angelo Zino tại hãng nghiên cứu tài chính CFRA Research sẽ nằm trong khoảng từ 40 tỉ đến 50 tỉ USD, kênh CNBC đưa tin tuần trước. Đây là mức tăng giá đáng kể của TikTok so với ước tính vào tháng 7.2024 của Bloomberg Intelligence, nằm trong khoảng từ 30 tỉ đến 35 tỉ USD. Hiện TikTok có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ, đa số là giới trẻ.
Bloomberg Intelligence là bộ phận nghiên cứu và phân tích thuộc Bloomberg L.P, một trong những công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu tài chính, tin tức và công nghệ.
Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng ông sẽ “ban hành một lệnh hành pháp vào 20.1 để gia hạn thời gian trước khi lệnh cấm TikTok của luật có hiệu lực”, đồng thời muốn một thực thể của Mỹ chia sẻ quyền sở hữu TikTok 50-50 với ByteDance. Chưa rõ liệu sự chia sẻ này có đáp ứng được yêu cầu của luật hay không. Theo quy định của luật, bất kỳ công ty hoặc thực thể nào vẫn nằm dưới quyền sở hữu hoặc sự kiểm soát (dù trực tiếp hay gián tiếp) của ByteDance đều có thể bị xem là vi phạm.
Ngay cả khi việc thực thi luật (được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4.2024) bị trì hoãn, ByteDance vẫn đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi chính phủ Trung Quốc đã cấm xuất khẩu hai công nghệ quan trọng được sử dụng trong TikTok, gồm “đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo".
Hôm 20.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết rằng nước này “luôn tin rằng, việc vận hành và mua lại các doanh nghiệp nên được quyết định độc lập bởi các doanh nghiệp”.
“Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc có tham gia, họ nên tuân thủ các luật và quy định của Trung Quốc”, bà Mao Ninh nói thêm.
Việc gia hạn luật “chắc chắn mở ra cơ hội cho nhiều khả năng hơn, gồm cả việc bán nền tảng này cho Elon Musk hoặc một ông trùm công nghệ Mỹ khác”, Alex Capri nhận định.
Bloomberg News tuần trước đưa tin các quan chức Trung Quốc đã thảo luận về khả năng X, mạng xã hội của Elon Musk, tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ. Elon Musk có quan hệ kinh doanh sâu rộng với Trung Quốc, gồm cả một cơ sở sản xuất lớn của hãng ô tô điện Tesla tại thành phố Thượng Hải.
“Bất kể người mua là ai, họ khó có khả năng sở hữu được ‘thuật toán bí mật’ từ ByteDance hoặc khó có được giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Trung Quốc”, Alex Capri đánh giá.
Zhao Zhijiang nhấn mạnh đến sự không chắc chắn đáng kể xung quanh lệnh hoãn thi hành luật cấm TikTok. “Việc đề xuất và thực hiện một kế hoạch cần thời gian. Sự không chắc chắn về thời gian là cực kỳ cao và không thể đưa ra kết luận quá sớm”, ông nói.
Trên mạng xã hội, MrBeast (YouTuber nổi tiếng nhất thế giới hơn 346 triệu người theo dõi) tuyên bố muốn mua lại TikTok ở Mỹ.
“Tôi vừa rời cuộc họp với một nhóm tỷ phú. TikTok, chúng tôi nghiêm túc đấy. Đây là luật sư của tôi. Chúng tôi có sẵn một lời đề nghị dành cho các bạn. Chúng tôi muốn mua lại nền tảng này. Nước Mỹ xứng đáng có TikTok. Hãy cho tôi một vị trí tại bàn đàm phán, để tôi cứu lấy nền tảng này”, MrBeast (tên thật là Jimmy Donaldson, 26 tuổi) nói.
Tuy là YouTuber nổi tiếng nhất, MrBeast không có mặt trong danh sách tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index). Hiện tài sản của MrBeast được cho chỉ hơn 1 tỉ USD. Thế nên, MrBeast phải huy động vốn từ các tỷ phú và nhà đầu tư khác mới đủ tiền mua lại TikTok ở Mỹ.
Trước MrBeast, tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers) và Kevin O'Leary (một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank) bày tỏ ý muốn mua TikTok ở Mỹ. Frank McCourt tin rằng TikTok có giá khoảng 20 tỉ USD mà không bao gồm cả thuật toán của nó. Nếu thành công, nhóm này cho biết sẽ xây dựng lại nền tảng theo cách ưu tiên quyền riêng tư của khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
Hôm 18.1, Reuters đưa tin Perplexity (công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm AI của Mỹ) đã đưa ra đề nghị cho ByteDance để sáp nhập với TikTok ở Mỹ và tạo nên một thực thể mới bằng cách kết hợp công ty sáp nhập với hãng đầu tư tư nhân New Capital Partners (Mỹ). Theo các báo cáo, việc sáp nhập có thể cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Lãnh đạo ByteDance hé lộ thuật toán bí mật của TikTok
Trước khi TikTok ngừng hoạt động ở Mỹ trong thời gian ngắn, Li Liang (Phó chủ tịch của đơn vị Douyin kiêm phụ trách ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao của ByteDance) từng hé lộ thuật toán bí mật của ứng dụng này. Cụ thể hơn, Li Liang đã hạ thấp vai trò của các thuật toán đề xuất nội dung trong việc tạo ra “bong bóng lọc”, khi ByteDance phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Bong bóng lọc là thuật ngữ mô tả hiện tượng khi một người chỉ tiếp xúc với thông tin, quan điểm hoặc nội dung trực tuyến phù hợp với sở thích, niềm tin, hành vi trước đây của họ. Điều này thường xảy ra do các thuật toán trên các nền tảng trực tuyến (như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm hoặc ứng dụng tin tức) phân tích dữ liệu cá nhân của người dùng để tùy chỉnh nội dung đề xuất.
Kết quả là người dùng có thể bị "mắc kẹt" trong một môi trường thông tin giới hạn, ít gặp phải những ý kiến khác biệt hoặc thông tin đa chiều. Hiện tượng này có thể:
Làm suy giảm sự hiểu biết đa dạng: Người dùng chỉ tiếp cận thông tin mà họ đồng tình, dẫn đến nhận thức phiến diện.
Tăng cường định kiến: Việc chỉ tiếp xúc với các quan điểm giống nhau có thể củng cố niềm tin ban đầu, dẫn đến khó chấp nhận ý kiến trái chiều.
Ví dụ: Trên một nền tảng như TikTok, nếu bạn thường xem các video về một chủ đề cụ thể (như thể thao, nhạc rap hoặc nấu ăn), thuật toán sẽ tiếp tục đề xuất các video tương tự, hạn chế khả năng bạn tiếp cận nội dung mới mẻ hoặc trái ngược với sở thích hiện tại.
Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, "không có động lực tạo ra bong bóng lọc", Li Liang nói. Ngược lại, Douyin được thúc đẩy để phá vỡ các bong bóng lọc vì có nội dung đa dạng giúp giữ chân người dùng trong thời gian dài, theo Li Liang.
"Một số liệu quan trọng với Douyin là tỷ lệ giữ chân người dùng lâu dài", ông nhấn mạnh.
TikTok và Douyin đã thu hút sự chú ý của hơn 2 tỉ người dùng trên toàn thế giới bằng cách điều chỉnh nguồn cấp dữ liệu nội dung mỗi người theo sở thích xem của họ. Các thuật toán mạnh mẽ nhưng bí mật của ByteDance được coi là có giá trị đến mức chính phủ Trung Quốc quy định rằng chúng không được bán cho các thực thể nước ngoài.
Tuy nhiên, các thuật toán như vậy cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng người dùng chỉ được tiếp xúc với thông tin và ý kiến mà họ đồng tình, tạo ra bong bóng lọc (hoặc kén thông tin).
Li Liang mô tả hệ thống đề xuất của ByteDance là sự kết hợp giữa các thuật toán và chiến lược, chẳng hạn bộ lọc cộng tác. Đó là kỹ thuật được sử dụng để tuyển chọn nội dung cho một người dựa trên sở thích hoặc hành vi của những người dùng khác có hành vi tương tự.
Ông cho biết các công cụ đề xuất của ByteDance cũng bao gồm cả một thuật toán dựa trên nội dung có thể phân tích và nhận dạng các video tương tự, cùng một cơ chế khám phá được thiết kế để cung cấp nhiều thông tin đa dạng cho người dùng với mục đích tránh bong bóng lọc.
Nguồn cấp nội dung trên các ứng dụng ByteDance không chỉ dựa vào những gì được hệ thống đề xuất mà còn gồm cả thông tin liên quan đến những gì người dùng đã tìm kiếm và chia sẻ với nhau, cũng như các chủ đề thịnh hành, ông nói thêm.
Li Liang đưa ra phát biểu này trong bối cảnh chiến dịch kéo dài ba tháng do cơ quan giám sát internet hàng đầu Trung Quốc phát động cuối tháng 11.2024 nhằm giải quyết "các vấn đề điển hình với thuật toán", gồm bong bóng lọc và giá cả không công bằng nhắm vào các nhóm nhân khẩu học khác nhau.
Đầu tháng 1, Douyin đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm an toàn trong năm 2025 để làm cho hệ thống đề xuất của mình minh bạch hơn với người dùng. Nhà điều hành nền tảng video ngắn Kuaishou Technology, cùng các nhà cung cấp ứng dụng khác như Pinduoduo và Xiaohongshu, cũng giới thiệu nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục vấn đề liên quan đến thuật toán.
Việc ra mắt Douyin tại Trung Quốc đại lục vào năm 2016 và TikTok ở các thị trường quốc tế năm 2017 đã cách mạng hóa ngành truyền thông xã hội. Hai ứng dụng này có giao diện tương tự, cung cấp nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa với các video tự động phát khi người dùng vuốt lên hoặc xuống. Cả Douyin và TikTok đều được hỗ trợ bởi cùng một công nghệ đề xuất của ByteDance.
Trung Quốc không thể bỏ qua tầm quan trọng từ các thuật toán của ByteDance và đã cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu trong năm 2020 để ngăn chặn việc bán ra nước ngoài hai công nghệ chính mà TikTok sử dụng là "đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo".
Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump ký lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán tài sản TikTok tại nước này cho các chủ sở hữu người Mỹ.
"Chính phủ Trung Quốc đã nói rõ rằng sẽ không cho phép thoái vốn khỏi công cụ đề xuất nội dung, chìa khóa thành công của TikTok tại Mỹ", TikTok cho biết.