Thôn, xóm thông minh - hạt nhân 'nông thôn số'

Năm 2024, Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Một trong những thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số xây dựng các thôn, xóm thông minh, tạo ra những 'ngôi làng số' kết nối cộng đồng và thúc đẩy kinh tế số.

Bảng thông tin điện tử công cộng đặt ở trung tâm xã Trực Khang (Trực Ninh) phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tới người dân.

Bảng thông tin điện tử công cộng đặt ở trung tâm xã Trực Khang (Trực Ninh) phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tới người dân.

Hình thành công dân số - phát triển xã hội số

Đến thôn Bo, xã Yên Chính (Ý Yên) dễ dàng nhận thấy những con đường “số hóa” hiện rõ trong đời sống của bà con nhân dân. Thôn Bo đã được công nhận đạt chuẩn thôn NTM thông minh, tạo nền tảng để xã Yên Chính xây dựng thành công NTM kiểu mẫu về chuyển đổi số. Cách người dân ở thôn Bo tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày cũng tự nhiên, gần gũi như cách mà Tổ công nghệ số cộng đồng thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” phổ biến, hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số… Đặc biệt, thôn Bo đã xây dựng thành công các mô hình “Chợ 4.0” và “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt”. Các hộ kinh doanh được trang bị mã QR để người tiêu dùng thanh toán trực tuyến. Người mua hàng không dùng tiền mặt để trả cho người bán mà chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã là có thể thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Ông Phạm Quang Hiệt, người dân trong thôn phấn khởi: “Thôn tôi giờ là thôn số, thôn thông minh rồi. Ra đường, không phải lo mang theo tiền mặt, mua thứ gì có chiếc điện thoại di động thông minh quét mã QR chuyển khoản để thanh toán ngay. Nếu bận việc, không có thời gian đi mua hàng, tôi chỉ cần gọi điện thoại cho cửa hàng thân quen đặt mua hàng, rồi chuyển khoản thanh toán trực tuyến luôn, xong là họ mang hàng đến. Chuyển khoản thanh toán không còn lo đếm thừa thiếu, thậm chí nguy cơ tiền giả, nhất là dịp cuối năm sắm Tết phải tiêu nhiều”. Việc triển khai mô hình chợ 4.0, tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt tại thôn Bo không chỉ là một bước tiến trong việc cải thiện thanh toán mà còn là nền tảng quan trọng để người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng các công dân số thông minh.

Mô hình camera giám sát an ninh tại thôn thông minh Bo, xã Yên Chính (Ý Yên).

Mô hình camera giám sát an ninh tại thôn thông minh Bo, xã Yên Chính (Ý Yên).

Tại xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Giao Phong (Giao Thủy), xóm Lâm Phú đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới với mô hình xóm thông minh. Tiếp chúng tôi, trưởng xóm Phạm Quang Minh tự hào cầm điều khiển mở màn hình tivi cỡ lớn có kết nối với hệ thống camera an ninh các khu vực ngã 3, ngã 4, khu vực đông dân cư, khu vực điểm đen hay xảy ra tai nạn giao thông. Ông Minh cho biết, từ khi xây dựng thôn thông minh, việc điều hành của cán bộ xóm cũng trở nên thuận lợi hơn. Để chuẩn bị triển khai hay thông báo các công việc như: tổ chức họp xóm, nhắc nhở người dân treo cờ trong dịp lễ, tết, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường… chỉ cần nhắn tin trên nhóm zalo chung của xóm là người dân đều biết và nắm được, thay vì như trước đây cán bộ xóm phải đi tới từng hộ dân thông báo, mất nhiều thời gian và công sức. Cũng thông qua nhóm zalo, lãnh đạo xóm cũng ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, phản ánh của người dân, từ đó kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp trên giải quyết, kịp thời định hướng tư tưởng người dân trước những vấn đề còn chưa thông suốt. Đây là bước đi vững chắc để xây dựng những cộng đồng văn minh, hiện đại, nơi mà công nghệ số không chỉ hỗ trợ quản lý mà còn nâng cao đời sống và gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Thôn 2 Lạc Chính, xã Trực Khang (Trực Ninh) đang thay đổi ngoạn mục với mô hình thôn thông minh. Wifi miễn phí phủ sóng khắp nơi, nhà dân lắp đặt camera an ninh, người dân dùng điện thoại thông minh để kết nối, giao dịch. Người dân trong thôn không chỉ áp dụng công nghệ số trong đời sống mà còn tận dụng các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada hay thành lập các fanpage bán hàng trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng chí Trần Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Trực Khang cho biết: Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã thay đổi diện mạo xã, phát triển hạ tầng và nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình thôn thông minh tại thôn 2 Lạc Chính là bước đệm quan trọng, giúp xã hướng tới mục tiêu xây dựng các thôn thông minh còn lại, tiến tới xây dựng xã thông minh ở những năm tiếp theo.

Nhân rộng những “ngôi làng số” - hướng đi tất yếu của NTM

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tại nhiều địa phương trong tỉnh, hình hài những thôn, xóm thông minh đã dần được hình thành, phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trong đời sống nhân dân, hướng đến phát triển xã hội số...

Người dân thôn Bo, xã Yên Chính (Ý Yên) thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân thôn Bo, xã Yên Chính (Ý Yên) thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bộ Tiêu chí của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2021-2025, mỗi xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình “Thôn, xóm thông minh” với “Tổ công nghệ số cộng đồng”, có sản phẩm tiêu biểu của người dân trong thôn, xóm được giới thiệu, bán hàng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc được bán trên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 điểm wifi miễn phí phục vụ người dân tại điểm tập trung công cộng (nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng); trên 70% người dân được nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp. Bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các huyện, thành phố đã định hướng cho các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh gắn với chuyển đổi số, hiện đại hóa, không để người dân nằm ngoài xu thế cuộc Cách mạng 4.0. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, triệt để đến từng hộ gia đình, từng người dân, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok; trên các sàn thương mại điện tử như postMart.vn, shopee... Nhiều thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính và xây dựng trang thông tin zalo để kết nối cộng đồng.

Những “ngôi làng số” đang tạo diện mạo mới cho nông thôn, thu hẹp khoảng cách với thành thị, đưa Nam Định trở thành điểm sáng trong hành trình hiện đại hóa nông thôn bền vững, văn minh nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc, nét đẹp riêng của từng địa phương.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao--nong-thon-moi-kieu-mau/202501/thon-xom-thong-minh-hat-nhan-nong-thon-so-22a2850/