C.P Việt Nam 25 năm đồng hành cùng người chăn nuôi và thị trường thực phẩm sạch
Trải qua 25 năm đầu tư tại Việt Nam, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV) luôn nỗ lực phát triển mô hình Feed-Farm-Food thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và áp dụng quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn, thân thiện môi trường.
Chủ trương “Ba lợi ích” của CP mang đến nguồn thực phẩm an toàn truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng từ nguồn đầu vào cho đến nguồn ra.
Sự góp mặt của C.P với quy trình khép kín từ con giống đến thức ăn và đầu ra sản phẩm đã tạo nên một thương hiệu quen thuộc và uy tín trên thị trường tiêu dùng ngành thực phẩm nước ta từ hơn 20 năm qua.
Có mặt ở hầu hết các thị trường heo thịt trọng điểm như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên..., CP Việt Nam đã đáp ứng rất tốt nhu cầu tiêu thụ trong cộng đồng xã hội.
Tại thị trường TP.HCM, riêng heo C.P tiêu thụ mỗi ngày chiếm 1/3 số lượng, với khoảng từ 3.000 - 3.500 con. Hầu hết được giết mổ ở các lò như Xuyên Á, Tân Thạnh Đông, Tân Phú, Hòa Phú, Bình Tân và Long An.... So với nguồn thịt từ những nơi khác, nguồn thịt từ C.P luôn được đánh giá cao nhất về chất lượng. Ngoài ra, tại các cửa hàng thịt heo C.P ở tất cả các tỉnh thành, thịt heo C.P và các sản phẩm từ thịt heo luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Để xây dựng được thương hiệu có tên tuổi như ngày hôm nay, đó là sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của cả một tập thể người Thái và người Việt với bao công sức mồ hôi. Khi nói đên thương hiệu C.P là nói đến sự liên kết chặt chẽ giữa công ty và người chăn nuôi.
Phó Tổng giám đốc điều hành C.P Việt Nam - ông Jirawit, từ những ngày mới vào Việt Nam, C.P đã chú trọng phát triển con giống tốt, có tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon. Tuy nhiên, cái khó nhất của việc chuyển đổi giống vật nuôi của ngành chăn nuôi Việt Nam xuất phát từ nhận thức và mô hình sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân.
Bởi làm nhỏ lẻ nên họ thường tự nhân giống, hoặc mua giống vật nuôi của người quen gần đó, lựa chọn giống dựa trên kinh nghiệm bản thân theo kiểm may rủi... Điều này cần thay đổi triệt để nhằm đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nông dân sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là việc đáp ứng nhu cầu giống vật nuôi cho quá trình chuyển đổi này cũng là một thách thức, đòi hỏi không chỉ về kinh phí mà còn cả thời gian.
“Dù hiện có vài doanh nghiệp nông nghiệp lớn cung ứng giống vật nuôi đạt chất lượng nhưng đó chưa đủ đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi nằm trong Top 10 thế giới như Việt Nam. Với bao tâm huyết của mình để thay đổi mọi thứ, tôi và CP Việt Nam đã cùng nhau đưa chất lượng con giống không ngừng được cải thiện hàng năm để đáp ứng thị hiếu của người Việt Nam và thích nghi với điều kiện chăn nuôi Việt Nam”, ông Jirawit nói.
Tạo ra xu thế mới cho ngành chăn nuôi
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, từ năm 1993, khi C.P đầu tư vào Việt Nam, chăn nuôi heo theo mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác được chú trọng và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Trong đó, việc chăn nuôi hợp tác theo mô hình của C.P. Việt Nam giúp bà con thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún.
Ngoài xây dựng hệ thống sản xuất đa ngành khép kín theo mô hình "Feed - Farm - Food", C.P. Việt Nam còn tiến hành chuyển giao công nghệ chăn nuôi khép kín, năng suất cao cho người chăn nuôi Việt Nam thông qua hình thức chăn nuôi hợp tác, khuyến khích, hỗ trợ nông dân để họ tự chủ trong hoạt động chăn nuôi, giúp họ trở thành khách hàng của CPV trong tương lai. Bằng hình thức liên kết chăn nuôi, CPV đã kết hợp với nông dân thiết lập hơn 3.000 trang trại trên toàn quốc, qua đó tạo công ăn việc làm cho khoảng 400.000 lao động.
Mới đây, C.P Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của công ty này trong ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.