C4IR-Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động
Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đầu tiên của Việt Nam vừa khánh thành và chính thức đi vào hoạt động tại TP.HCM, được đánh giá là mốc quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp tại thành phố nói riêng và của Việt Nam nói chung.
C4IR thuộc mạng lưới WEF sẽ là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế, nghiên cứu lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM. Trung tâm có 10 thành viên sáng lập bao gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Viettel, Sovico, HDBank… được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực và chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực chuyển đổi số công nghệ tại Việt Nam, hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh…
Phát biểu tại sự kiện khánh thành Trung tâm, ông Kyriakos Triantafyllidis - Trưởng phòng Tăng trưởng và Chiến lược, Trung tâm Sản xuất Tiên tiến và Chuỗi cung ứng (WEF) thì C4IR tại TP.HCM là một phần của mạng lưới C4IR, sẽ tập hợp cộng đồng sản xuất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hệ sinh thái công nghiệp bằng cách khai thác các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó dẫn đầu các hệ thống sản xuất thông minh, sáng tạo và bền vững.
C4IR tại TP.HCM sẽ tập trung vào 4 trụ cột hành động chính gồm: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh; Thúc đẩy đổi mới và công nghệ; Khuyến khích đổi mới, tự động hóa và chuyển đổi số; Thúc đẩy công nghệ cao và tăng trưởng cao các ngành công nghiệp.
Đại diện cho C4IR Malaysia tham dự sự kiện, bà Ellina Roslan, Giám đốc Điều hành cấp cao chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa 2 trung tâm C4IR của hai nước: “Cả hai quốc gia đều chia sẻ khát vọng trong việc tận dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển bền vững và sản xuất thông minh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Malaysia và Việt Nam có thể hợp tác phát hành các bài viết về tư tưởng lãnh đạo, tập trung vào các công nghệ mới nổi như AI, IoT và blockchain. Cả hai Trung tâm có thể chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và tri thức về phát triển chính sách và quản trị công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi năng lượng, và sản xuất thông minh”.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Solutions – một trong những đơn vị thành viên sáng lập thì Trung tâm thì C4IR cần được định hướng rõ ràng về mục tiêu, tầm nhìn, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước, quá trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Huấn cũng đề xuất cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ vốn, chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát triển hạ tầng số.
Bên cạnh đó, cũng cần huy động nguồn lực từ Tập đoàn Công nghệ lớn trong nước phối hợp cùng vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm để phát triển và phát huy vai trò của Trung tâm đối với quá tình chuyển đổi số công nghiệp trong cả nước.