Cá chết hàng loạt trong lồng bè, người dân òa khóc giữa hồ nuôi
Khoảng 50 hộ nuôi lồng bè khu vực phía dưới bara Đò Điệm trên sông Nghèn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vừa phát hiện hàng tấn cá chết trắng.
Rạng sáng nay (6/10), các hộ nuôi cá lồng bè ở khu vực phía dưới bara Đò Điệm trên sông Nghèn thuộc thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện hàng chục tấn cá bị chết hàng loạt.
Mếu máo cầm những con cá chết trên tay, bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1966) cho biết, gia đình bà nuôi 2.000 con cá trong lồng bè, gồm cá vược, cá hồng. Thời gian nuôi từ 1-3 năm nên trọng lượng to nhỏ khác nhau.
“Từ đêm qua đến rạng sáng nay bara Đò Điệm xả, nước ở trên nguồn chảy xuống khiến cá bị chết hàng loạt. Cá cả làng chết trắng hết, thiệt hại nhiều lắm”, bà Lộc xót xa.
Ngay sau khi phát hiện cá chết, gia đình bà Lộc cùng tất cả hộ dân nuôi cá lồng bè ở đây đã vớt cá lên, bán rẻ mong vớt vát chút vốn. Nhiều người dân ở các địa phương lân cận hay tin cũng đến mua cá giúp bà con giảm bớt thiệt hại.
Chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Thiết (SN 1966) cho biết, gia đình bà có khoảng 5-7 tạ cá bị chết. Bình thường cá sống bà bán được giá từ 150.000 - 200.000 đồng tùy độ lớn, càng lớn giá càng cao. Thế nhưng, nay cá chết hàng loạt vớt lên bán chưa được một nửa giá.
Xót xa nhìn hàng tạ cá chết trắng, chị Võ Thị Đào cho biết, gia đình chị nuôi 6 lồng, có lứa cá đã được 2 năm, có lứa mới được 1 năm. Sáng nay, sau khi phát hiện cá chết, gia đình chị sử dụng thuyền nhỏ vớt được khoảng 800 con, trong đó những con nặng nhất từ 1,5 – 2kg.
“Bây giờ chúng tôi chỉ biết nhờ vào chính quyền và bà con giúp đỡ để bán được cá, mong vớt vát lại chút tiền chứ vay mượn để đầu tư nuôi cá mà bây giờ cá chết hết thì nợ nần chồng chất”, chị Đào òa khóc.
Có mặt tại đây để động viên bà con, đồng thời kêu gọi các hộ dân mua cá ủng hộ, ông Trần Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, có khoảng 50 hộ dân nuôi cá lồng bè bị thiệt hại.
Cũng theo ông Nghĩa, bara Đò Điệm điều tiết nước là hoạt động bình thường, khi nào nước quá ngưỡng theo quy định là đơn vị quản lý, vận hành sẽ điều tiết xả. Đợt này có thể do nước từ thượng nguồn về ở các đồng ruộng ngâm ủ từ rơm, rạ lâu ngày, không đảm bảo môi trường nên khi xả xuống gây ra tình trạng cá chết.
“Việc điều tiết nước là việc bất khả kháng nên hàng năm chính quyền đã khuyến cáo bà con thu hoạch hết cá trước mùa mưa lũ nhưng bà con vẫn không nghe, muốn để nuôi cho cá càng lớn, giá trị càng cao nên rủi ro”, ông Nghĩa nói.