Cả cuộc đời vì Đảng, vì dân

Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907 trong một gia đình nghèo tại làng Bích La Đông, lớn lên tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Sau khi thoát ly gia đình đi theo cách mạng, năm 1928, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên cộng sản lớp đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

 Người dân tri ân tình cảm sâu nặng của Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương, đất nước - Ảnh: N.V

Người dân tri ân tình cảm sâu nặng của Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương, đất nước - Ảnh: N.V

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, vẻ vang

Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đồng chí Lê Duẩn được giao nhiều trọng trách quan trọng của Đảng: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946 - 1954), Ủy viên Bộ Chính trị (1951), Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1960 đến 1986.

Thực tiễn đã khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược chủ yếu, đó là tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Những tư tưởng chiến lược nói trên của Đảng mà người thiết kế chủ yếu là đồng chí Lê Duẩn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng XHCN nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa - một sự nghiệp vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã có những suy nghĩ, trăn trở tìm tòi con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử- văn hóa, kinh tế- xã hội và con người Việt Nam, đó là tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, coi đó là luận điểm cơ bản nhất trong đường lối chiến lược của Đảng ta.

Tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học- kỹ thuật và cách mạng tư tưởng- văn hóa, trong đó cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV và được phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX với những chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế phân phối lưu thông mà trước hết là chính sách giálương- tiền. Với tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tiến công, tình cảm cách mạng sâu sắc và mong muốn cháy bỏng sớm “đưa nước ta hùng mạnh ngang tầm với các nước giàu có trên thế giới”, đồng chí Lê Duẩn rất tâm huyết trong việc tìm tòi con đường đi riêng của Việt Nam để quá độ lên CNXH…

Trong lịch sử hơn 90 năm phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người “khai quốc công thần”. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm giữ vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu.

Với những quan điểm mang tính đột phá, bản đề cương đã góp phần tìm hướng đi cho cách mạng Việt Nam và tỏ rõ tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với Nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất.

Tình cảm sâu nặng với quê hương

Dù bận nhiều công việc, dù ở chiến trường xa xôi tận miền Nam hay giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn đau đáu hướng về quê nhà. Ông Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy Triệu Hải giai đoạn 1977- 1983 chia sẻ, ngay sau khi đất nước hòa bình, ngày 23/3/1976 đồng chí Lê Duẩn trở về thăm quê hương. Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, lúc này quê hương gặp vô vàn khó khăn. Giấu niềm xúc động nghẹn ngào vào trong, đồng chí Lê Duẩn đến từng nhà, bắt tay từng người để thăm hỏi, động viên và căn dặn, hướng dẫn cách làm ăn xây dựng lại quê hương, nước nhà. Đồng chí căn dặn cán bộ địa phương: “Các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc, nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt”.

Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn, bà con quê hương đoàn kết khai hoang phục hóa, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, đắp đập be bờ trồng lúa, ngô, khoai. Tuy vậy, để sản xuất được cần phải xây dựng một công trình thủy lợi dẫn nước trên các cánh rừng về. Sau chuyến về thăm quê nhà, đồng chí Lê Duẩn đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình thủy nông Nam Thạch Hãn và không lâu sau đó, năm 1979 các huyện, thị xã phía Nam của tỉnh đã được hưởng lợi từ công trình thủy lợi thiết yếu này.

Không chỉ quan tâm đến khai hoang phục hóa sản xuất, đồng chí Lê Duẩn còn dành thời gian đến thăm những người bạn thời thơ ấu, những chiến sĩ một thời chiến đấu với kẻ thù và những gia đình là ân nhân nuôi giấu, giúp đỡ đồng chí trong những năm hoạt động cách mạng. Đồng chí quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước. Thấy các cháu nhỏ đang ăn chưa no, mặc chưa ấm, gầy gò xanh xao, đồng chí căn dặn các bậc làm cha làm mẹ cố gắng chăm sóc và dành tình yêu thương cho các cháu vì đó là tương lai của quê hương, đất nước.

Không chỉ dành thời gian đến thăm nơi chôn nhau cắt rốn, trong mỗi lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn dành nhiều thời gian về cơ sở. Khi đến huyện Hướng Hóa, qua tìm hiểu đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn đói nghèo, bệnh tật, đồng chí đề nghị lãnh đạo huyện phải tập trung lãnh đạo sản xuất. Đồng chí nhấn mạnh: “Huyện ta rất giàu về tiềm lực, có điều kiện để phát triển kinh tế, tuy nhiên do chưa chú trọng khai thác đúng mức nên kết quả đưa lại chưa cao. Tiềm lực con người Hướng Hóa rất to lớn, đồng bào các dân tộc ở đây có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, lao động cần cù và đoàn kết, thương yêu nhau. Nếu biết phát huy và khai thác những tiềm năng, thế mạnh đó thì tương lai không xa huyện Hướng Hóa sẽ trở thành huyện miền núi kiểu mẫu”…

Nhiều người cao tuổi ở thôn Hậu Kiên kể rằng, khi bác Duẩn về thăm quê ai cũng đến vây quanh để được nghe bác kể chuyện. Bác Duẩn nói: “Ngày xưa làng mình nghèo lắm, nhưng đồng bào rất thương nhau. Một gia đình có việc là cả xóm xúm vào giúp. Do nghèo và tình nghĩa đồng bào mà tôi ra đi làm cách mạng. Bây giờ hòa bình, độc lập rồi bà con cần phải thương yêu, đùm bọc nhau, tổ chức tốt các ngành nghề sản xuất để ai cũng có công ăn việc làm, đời sống ngày càng được nâng cao”. Qua sự gợi ý về cách sản xuất, tìm kiếm nghề mới của bác Duẩn, ban chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Hậu Kiên thành lập đoàn công tác ra các tỉnh miền Bắc để tìm hiểu, kêu gọi các HTX có tên tuổi vào hợp tác làm ăn. Chẳng bao lâu sau, HTX Chiếu cói ở tỉnh Thái Bình nhận lời vào đào tạo xã viên, chuyển giao công nghệ, giúp thôn mở HTX Chiếu cói. Lúc mới ra đời, HTX đã thu hút được 120 xã viên là người dân trong xã Triệu Thành, rồi lên đến 300 xã viên. Nhờ có HTX nên đời sống của người dân ở đây khá hơn so với mặt bằng chung trong huyện, trong tỉnh.

Đồng chí Lê Duẩn còn căn dặn: “Phải biết bảo ban nhau mà học hành, sản xuất để không ngừng nâng cao đời sống”. Chính từ lời dặn ân cần và chăm lo của đồng chí Lê Duẩn mà quê hương có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166163&title=ca-cuoc-doi-vi-dang-vi-dan