Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cả cuộc đời vì nước vì dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Đảng, Nhà nước quan tâm, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình... để xây dựng đất nước, trong đó, có các chương trình, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… phát triển kinh tế, xã hội, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống.

Những ngày qua, các phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer trở nên trầm lắng, bà con đồng bào ai cũng đều bày tỏ sự thương tiếc khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Theo đồng bào dân tộc Khmer, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là sự mất mát lớn lao với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chum Aram Prếk Chếk, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, hiện nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta, trong đó, có đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã có sự phát triển mạnh mẽ, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hệ thống giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển

Hệ thống giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh đạo được đồng bào, nhân dân cả nước yêu quý, 54 dân tộc anh em đều thương mến. Từ khi bác lên lãnh đạo đến nay, đất nước nói chung và đời sống đồng bào Khmer nói riêng có sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội”, Đại đức Sơn Phước Lợi nói.

Thạc sĩ Sơn Chanh Đa, giảng viên người dân tộc Khmer đang công tác tại trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cống hiến, hy sinh cho đất nước và nhân dân; là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản, có nhiều đóng góp để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong những ngày qua, khi được biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bản thân ông vô cùng thương tiếc.

Đồng bào Khmer được đào tạo nghề từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước

Đồng bào Khmer được đào tạo nghề từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước

Ông Sơn Chanh Đa tâm sự, ông luôn cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc trong vai trò là người đứng đầu Đảng và Nhà Nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là chính sách phát triển giáo dục. Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo hay Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030…

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chủ động ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến đáng kể.

Mô hình chăn nuôi bò của đồng bào Khmer được hỗ trợ từ Chương trình 1719 của Chính phủ

Mô hình chăn nuôi bò của đồng bào Khmer được hỗ trợ từ Chương trình 1719 của Chính phủ

Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, tỷ lệ học sinh là người dân tộc Khmer đến trường tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm đều tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt như trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học ngày càng phát huy hiệu quả… Qua đó, đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Sóc Trăng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Sóc Trăng

“Tổng Bí thư mất đi là một tổn thất rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Song tôi tin tưởng, lớp cán bộ lãnh đạo sau sẽ học tập, noi theo tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để cùng toàn Đảng, toàn dân khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, nhân dân có cuộc sống tiến bộ và hạnh phúc”, ông Sơn Chanh Đa tin tưởng.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ca-cuoc-doi-vi-nuoc-vi-dan-post1110182.vov