Cả gia đình phập phồng theo nhịp ôn thi vào lớp 10 của con
Trong mấy năm gần đây, tỷ lệ học sinh dự tuyển vào các trường THPT ở 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội đều tăng. Điều này khiến kỳ thi tuyển sinh vào 10 vẫn trở nên vô cùng khốc liệt, gây áp lực tâm lý không nhỏ cho nhiều phụ huynh, học sinh.
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội khiến nhiều phụ huynh và học sinh căng thẳng. Ảnh minh họa
"Con thi, cha mẹ cũng thi"
Chị Hoàng Thị Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con gái cách nhau 1 tuổi. Mới năm ngoái, con gái lớn của chị trải qua kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì năm nay, tới lượt con gái thứ 2 "vượt vũ môn". Năm ngoái, gia đình chị Mai xác định dừng mọi hoạt động vui chơi để tập trung lo cho con.
"Con phải học thêm kín tất cả các buổi tối 3 môn Toán, Văn, Anh tới sát ngày thi mới được nghỉ. Tới khi con thi đậu vào trường THPT với số điểm bằng đúng điểm chuẩn mà tôi thấy đứng tim", chị Mai nhớ lại. Do đã có kinh nghiệm trong mùa thi trước nên năm nay, ngay từ đầu năm học, chị Mai đã cho con gái thứ hai học thêm ở một trung tâm gần nhà.
Sợ con mình xuất phát muộn, tối nào, chị cũng ngồi canh con làm bằng hết bài tập ở lớp lẫn học thêm mới thôi.
Anh Phan Mạnh Thắng, một phụ huynh có con học lớp 9 ở quận 1, TPHCM, cũng cho biết, cả năm nay, chủ đề chính trong nhà anh là việc thi tuyển sinh vào lớp 10 của con. Con được miễn làm mọi việc nhà, cơm nước có bố mẹ lo, quần áo thay ra có bố mẹ giặt. Toàn bộ thời gian của con chỉ để tập trung lo học thi.
Với anh Thắng, việc con thi đỗ trường THPT công lập không chỉ liên quan đến con mà còn là danh dự của bố mẹ.
"Năm nào cũng thế, cứ sau khi trường THPT công lập công bố điểm chuẩn là các đồng nghiệp có con thi ở cơ quan tôi lại nhớn nhác hỏi thăm tình hình của nhau. Bố mẹ nào có con thi đỗ thì vui vẻ, tự hào, còn bố mẹ nào con thi trượt thì im thít. Nhớ lại cảnh đấy, tôi cũng bị áp lực", anh Thắng nói.
Chấp nhận mất tiền để giải tỏa nỗi lo
Tại Hà Nội, có khoảng 100 trường THPT ngoài công lập tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, có trên 120 trường ngoài công lập. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, "cuộc đua" xét tuyển vào trường ngoài công lập cũng không phải thênh thang.
Lý do là nhiều gia đình muốn có phương án an toàn cho con nên đã đăng ký xét tuyển sớm và "đặt cọc" suất học ở trường ngoài công lập. Nếu phụ huynh nào không nhanh nhạy thì có thể rơi vào cảnh "con không còn chỗ đăng ký".
Chị Mai Lê, ở Cầu Giấy (Hà Nội) năm ngoái có con thi vào lớp 10 nhớ lại, đầu tháng 6 năm ngoái, trường THPT FPT phát đi thông báo tuyển sinh. Vừa mới đọc thông tin, chị về chuẩn bị hồ sơ nộp thì ngày hôm sau, trường này đã tạm dừng nhận hồ sơ đăng ký nhập học vì đã tuyển đủ chỉ tiêu. Kinh nghiệm "xương máu" mà chị rút ra là phải "thường xuyên cập nhật thông tin và sẵn sàng… chạy".
"Không được tiếc tiền" lại là kinh nghiệm khác của nhiều phụ huynh học sinh có con thi vào lớp 10. Như năm học 2021-2022, vào cuối tháng 5, trường THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đã hoàn tất việc tuyển sinh đợt 1.
Học sinh nào trúng tuyển phải nộp 5 triệu đồng phí ghi danh, nếu không học cũng không được nhận lại tiền. Chị Hà Thu, một phụ huynh cho biết, chị chấp nhận "mua sự an toàn" cho con và sự thảnh thơi phần nào cho bố mẹ còn hơn lúc con thi trượt trường công, quay sang trường tư thì hết chỗ.
Năm học này, Vĩnh Long, Đồng Tháp là 2 địa phương sẽ bỏ hình thức thi tuyển sinh, thay vào đó là xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh trong 4 năm học THCS. Một số phụ huynh mong muốn Hà Nội, TPHCM cũng sẽ áp dụng phương thức này để giảm áp lực cho cả học sinh và gia đình.
Tuy nhiên, gốc của vấn đề nằm ở việc số trường THPT công lập ở một số địa phương hiện chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của học sinh sau khi đã hoàn thành chương trình THCS. Vì vậy, nếu áp dụng phương án xét tuyển bằng học bạ rất có thể lại phát sinh nguy cơ "làm đẹp học bạ" nếu không có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
- Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, số học sinh xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 là 129.210 em. Số học sinh tuyển vào THPT năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Đặc biệt, chỉ 55,7% học sinh lớp 9 Hà Nội được tuyển vào các trường THPT công lập (tương đương 72.000 học sinh.
- Ở TP.HCM, kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022-2023 có hơn 93.000 thí sinh đăng ký tham dự, chỉ tiêu tuyển là 72.000. Số thí sinh được cho là "trượt" công lập năm 2022 ở mức cao nhất trong 5 năm qua ở TP.HCM, với hơn 21.000 em. Còn năm 2023, TP.HCM có 109.617 học sinh lớp 9, cao hơn năm ngoái hơn 16.500 em.