Cả hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2024 đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng

Hội thảo - công bố 'báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024' tổ chức sáng nay (20/6/2024), Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, thuộc trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra nhận định 'Kinh tế nước ta trong năm 2024 có thể diễn biến theo 2 kịch bản'.

Hai kịch bản được đưa ra tại hội thảo là Kịch bản 1, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5; Và kịch bản thứ 2 là điều chỉnh chính sách tăng GDP 2024 ở mức 6.01% . Các nội dung liên quan đến “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” cũng được tập trung bàn thảo sâu.

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá (Quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, Quý II/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%). Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế nước ta trong năm 2024 có thể diễn biến theo 2 kịch bản. Thứ nhất, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6% năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm 2024.

Kịch bản thứ 2 là điều chỉnh chính sách tăng GDP 2024 ở mức 6.01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%. Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Từ nay đến cuối năm, thách thức lớn nhất của chúng ta là cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Mặc dù từ đầu năm đến nay, tỷ giá của chúng ta tăng khoảng 4,5%, nhưng chúng tôi dự báo sẽ dịu dần từ quý 3 và cả năm, tỷ giá của chúng ta sẽ tăng từ 3,5 đến 4%. Đây là mức rất khả thi".

Với chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” - điểm nhấn của "báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024", các đại biểu đã phân tích làm rõ những cơ hội, thách thức và tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới. Hai thách thức chính trong chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn là cơ sở hạ tầng và kinh phí. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng nêu thực tế: "Trong quá trình chuyển đổi xanh thì luật của chúng ta còn chưa đồng bộ. Các Luật không tích hợp được với nhau, khi triển khai thì rất khó cho các cơ quan công quyền trong giải quyết thủ tục hành chính trong phát triển xanh. Đó là khó khăn lớn nhất. Đối với vấn đề vốn không quan trọng bằng chính sách. Nguồn vốn sẽ có khi chúng ta có chính sách tốt."

Việt Nam đang khai thác gần như tối đa tiềm năng các nguồn tài nguyên hóa thạch nội địa và sẽ phải nhập khẩu thêm nhiên liệu than, khí. Việt Nam đã trở thành một quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng từ năm 2015. Xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu năng lượng ngày càng rõ.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: "Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại Cop26 khi xác định chiến lược phát thải ròng bằng 0 vào 2050 và cam kết giảm lượng khí thải 43,5% vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng khi các quy định về môi trường đối với những nước đang phát triển, đang thúc giục Chính phủ và các doanh nghiệp, đặc biệt là Việt Nam cần phải chuyển dịch nhanh, tham gia sâu và mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển dịch năng lượng, hướng tới xanh hóa nền kinh tế".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách khuyến nghị, thời gian tới Chính phủ cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn. Chính phủ cũng cần có các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Cung cấp các khoản vay ưu đãi, giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch và khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ca-hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-2024-deu-dang-hoat-dong-duoi-muc-tiem-nang-post1102757.vov