Cả hệ thống chính trị Đức Thọ vào cuộc giảm nghèo bền vững
Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác giảm nghèo ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã đạt được những kết quả tích cực.
Những năm qua, từ cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Đức Thọ đều đồng lòng và tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo.
Theo đó, Đức Thọ đã triển khai cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Chương trình hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, từ đó tiếp thêm động lực để người yếu thế vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Trước khi nhận được hỗ trợ, gia đình ông Trần Văn Mạo (thôn Diên Phúc, xã Tùng Châu) sống trong một căn nhà tạm bợ, dột nát. Gia đình ông Mạo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông ở nhà làm nông nuôi 2 con nhỏ và mẹ già thường xuyên đau ốm; vợ đi làm giúp việc để nuôi con lớn học đại học. Vì thế, dù phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên không thể xây dựng được nhà mới. Nhờ chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo của Ủy ban MTTQ huyện Đức Thọ, bà con lối xóm... ông Mạo đã có được một căn nhà kiên cố.
Ông Mạo xúc động cho biết: "Tùng Châu là xã ngoài đê La Giang, hằng năm lũ lụt tàn phá khiến cho đời sống của người dân chúng tôi hết sức khó khăn. Đặc biệt là nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, may nhờ chính quyền địa phương cùng với cộng đồng xã hội hỗ trợ, giúp đỡ gia đình xây nhà ở kiên cố, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế".
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (thôn Hoa Đình, xã Bùi La Nhân) cũng sắp sửa có nhà ở mới bởi ngôi nhà do Ủy ban MTTQ huyện Đức Thọ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình vừa được khởi công trong tháng 6/2024. Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành.
Không riêng gia đình ông Mạo, bà Hằng, giờ đây, nỗi lo bão lũ của những hộ nghèo sống ngoài đê La Giang ở Đức Thọ cũng đã giảm bớt, khi các chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Đảng, Nhà nước, ủy ban MTTQ các cấp, sự chung tay của các nhà hảo tâm được cụ thể hóa.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tùng Châu cho biết: 5 năm qua, Ủy ban MTTQ xã Tùng Châu đã kêu gọi, hỗ trợ được 20 nhà ở, mỗi nhà trị giá từ 60 - 70 triệu đồng; trao 22 mô hình sinh kế là gà và bò, trong đó, 20 mô hình gà trị giá từ 3 - 5 triệu đồng/hộ, 2 mô hình bò trị giá 10 triệu đồng/con. Cùng đó, hằng năm, Ủy ban MTTQ xã còn kêu gọi trao tặng hàng nghìn suất quà trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng cho các gia đình chính sách.
Công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Tùng Châu là một điển hình của huyện Đức Thọ. Hiện nay, toàn xã Tùng Châu chỉ còn lại 32 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,8%, giảm 2,3% so với năm 2020 (năm 2020, toàn xã có 52 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,5%).
Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở ở Đức Thọ đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức xã hội vận động đóng góp, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 690 nhà ở trị giá gần 46 tỷ đồng.
Cùng với hỗ trợ xây dựng nhà ở, những năm qua, huyện Đức Thọ cũng đã linh hoạt trong hỗ trợ mô hình sinh kế, không để hộ nghèo, cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đã hỗ trợ 960 mô hình, trị giá hơn 5,8 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Vì người nghèo các cấp 233 mô hình với số tiền gần 600 triệu đồng; các tổ chức đoàn thể 313 mô hình với số tiền 500 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 414 mô hình với số tiền 4,74 tỷ đồng.
Hộ bà Nguyễn Thị Thuận ở thôn Quy Vượng, xã Yên Hồ từ khi được hỗ trợ làm nhà ở và mô hình chăn nuôi dê, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt. Bà Thuận cho biết: “Tháng 7/2023, gia đình được Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ 3 con dê, trong đó 2 con nái, tổng trị giá 10 triệu đồng. Đến nay, 2 con nái đã sinh sản, đàn dê của gia đình đã tăng từ 3 lên 5 con. Gia đình đã có thêm thu nhập đáng kể nhờ mô hình nuôi dê sinh sản”.
Để chung tay giúp đỡ người nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội phát động các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, quản lý ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH cho hội viên, đoàn viên vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các khóa đào tạo nghề cho người dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các lớp học này không chỉ cung cấp kỹ năng cần thiết, mà còn giúp người dân có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và tăng thu nhập.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngô Ngọc Hân cho biết: Thời gian qua, hội đã phát động phong trào thi đua SXKD giỏi, hằng năm có 9.200 hộ đạt danh hiệu hộ gia đình SXKD giỏi các cấp; xây dựng 1.118 mô hình lớn, vừa, nhỏ; thành lập 12 HTX, 88 tổ hợp tác; phối hợp quản lý nguồn vốn 281 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH, cho 4.771 hội viên vay, với 131 tổ tiết kiệm và vay vốn...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đức Thọ Bùi Ngọc Nhật thông tin: Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, mô hình sinh kế giảm nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,99% (1.269 hộ) năm 2019 xuống còn 3,04% (963 hộ) năm 2023.
Những nỗ lực không ngừng từ chính quyền huyện, cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo tại huyện Đức Thọ. Dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước, song sự đồng lòng và quyết tâm của toàn huyện là động lực mạnh mẽ để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.