Cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới

Một trong những bài học quý trong Phong trào Xây dựng NTM của huyện Xuân Lộc là đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Phạm Minh Hùng (bìa phải), Trưởng Cơ quan thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam, tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản phẩm OCOP của huyện Xuân Lộc tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh:B.Nguyên

Ông Phạm Minh Hùng (bìa phải), Trưởng Cơ quan thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam, tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản phẩm OCOP của huyện Xuân Lộc tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh:B.Nguyên

Đặc biệt, người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, là lực lượng đi đầu trong phát triển kinh tế và đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như: hiến đất, góp công, góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Thi đua phát triển sản xuất

Trong xây dựng NTM, Xuân Lộc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, đặc biệt từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Huyện kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lợi thế của từng địa phương; tạo môi trường thuận lợi thu hút ND, doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Trong suốt hành trình xây dựng NTM, danh sách những tấm gương DN, ND năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất không ngừng được nối dài. Huyện có nhiều điển hình ND khởi nghiệp trở thành chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã (HTX), chủ DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu...

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với sản phẩm hạt ca cao được bao tiêu cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Hiện vùng nguyên liệu của HTX được nhân rộng trên 100 hécta, canh tác theo chuẩn GlobalGAP. Trong đó, nhiều diện tích trồng ca cao được chuyển đổi từ cây điều cho hiệu quả thấp, nay đạt thu nhập từ 300-400 triệu đồng/hécta/năm. HTX còn tích cực ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, đoạt nhiều giải thưởng cao trong cuộc thi sáng tạo, đổi mới khoa học - công nghệ.

Theo ông Trương Văn Mỹ: “Nhờ phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở những vùng sâu, vùng xa có sự thay đổi lớn với đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp. Chính vì vậy, HTX mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch sinh thái, góp phần quảng bá nông sản của địa phương đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp”.

Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt, xã Xuân Trường chia sẻ, DN đầu tư nhà máy chuyên sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao làm trang trại trồng rau, trái cây sạch trong nhà màng. Vừa qua, DN tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy sản xuất phân bón với mong muốn sẽ thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Trong đó, sự ủng hộ của chính quyền địa phương chính là động lực để DN mạnh dạn đầu tư.

Đồng lòng xây dựng NTM

Giai đoạn 2011-2023, huyện Xuân Lộc đã huy động được hơn 46,6 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM; riêng giai đoạn 2015-2023, tổng nguồn vốn huy động hơn 36,95 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ người dân chiếm hơn 93,2%. Điều này thể hiện cao tính xã hội hóa và vai trò của cả cộng đồng trong xây dựng và phát triển NTM.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc.

Ông Văn Tuấn, nông dân tại ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường là điển hình được tuyên dương trong đóng góp xây dựng NTM. Khi địa phương đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã từ xã Xuân Trường đến xã Xuân Thành, gia đình ông đã tự nguyện chặt cây, tháo các công trình kiến trúc trên vườn nhà, hiến 2,9 ngàn m2 đất để làm đường giao thông. Ông Văn Tuấn chia sẻ: “Biết là tấc đất, tấc vàng nhưng thấy rõ lợi ích của việc mở đường sẽ mở hướng phát triển kinh tế - xã hội; người dân đi lại, trao đổi hàng hóa thuận tiện; con cháu đi học dễ dàng, gia đình tôi rất phấn khởi và tự nguyện đóng góp cho lợi ích chung của cả cộng đồng”.

Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam, xã Xuân Tâm là DN tích cực đóng góp xây dựng NTM tại địa phương như: đóng góp 935 triệu đồng chăm lo Tết cho người nghèo và ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn trong tình hình dịch Covid-19. Tài trợ gần 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường học, cầu đường và các công trình công cộng khác. Tài trợ hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến học, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, hoạt động thể thao

Trên địa bàn huyện, các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp không ngừng được nhân rộng đều do dân làm, chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ. Ông Phan Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hòa, cho hay người dân rất có ý thức giữ gìn môi trường, kiến tạo cảnh quan nông thôn. Họ không chỉ làm đẹp khuôn viên trong vườn nhà mà rất tích cực chăm sóc, giữ cho những tuyến đường nông thôn. Người dân cũng đóng góp chính trong thực hiện lắp hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh, đảm bảo sự bình an cho các vùng nông thôn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-xay-dung-nong-thon-moi-47234c3/