Cá lóc 'diễn xiếc', cá trê 'vượt cạn' ở nhà vườn Cần Thơ khiến du khách trầm trồ
Huấn luyện đàn cá 'diễn xiếc' điêu luyện: cá lóc bay, bú bình, cá trê 'vượt cạn', nhà vườn của anh Nguyễn Thành Tâm ở Cồn Sơn (Cần Thơ) thu hút hàng trăm du khách ghé thăm mỗi ngày, đem về nguồn thu nhập tốt.
Vài năm trở lại đây, Cồn Sơn là điểm đến du khách khó có thể bỏ qua khi tới Cần Thơ bởi nhiều hoạt động thú vị như thu hoạch trái cây, làm bánh dân gian, thưởng thức đặc sản và xem "xiếc cá". Đàn cá tại một nhà vườn ở Cồn Sơn có thể bật nhảy như bay để đớp thức ăn, biểu diễn kỹ năng "vượt cạn", "bú bình" độc đáo, khiến du khách "mắt chữ O miệng chữ A".
Anh Nguyễn Thành Tâm (45 tuổi, chủ nhà vườn Thành Tâm) là người sáng tạo và thực hiện mô hình "xiếc cá" độc đáo này. Trước đây, anh Tâm là một nông dân làm vườn, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng thu nhập bấp bênh. Từ năm 2015, gia đình mở cửa đón khách trải nghiệm ao cá, vườn cây.
"Năm 2016 tôi bắt đầu huấn luyện cá lóc bay, cá trê "vượt cạn" để du khách có thêm trải nghiệm thú vị, nhất là các bạn nhỏ thành phố", anh Tâm cho hay.
Tới nay, nhà vườn này đón tới 1.500 lượt khách/tuần. Anh Tâm nhẩm tính, vườn đang nuôi khoảng 60.000 con cá lóc to, nhỏ để luyện "xiếc bay", hơn 20.000 cá trê "vượt cạn" còn lượng cá lóc bú bình thì không đếm được, do đã thả vào môi trường tự nhiên.
"Từ ngày làm du lịch, nhất là khi sáng tạo các mô hình xiếc cá, gia đình tôi có thu nhập tốt hơn nhiều, cuộc sống khấm khá. Mỗi con cá là một "thú cưng", mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình nên tôi tuyệt đối không ăn, không bán. Khi chúng đủ lớn, tôi thả về môi trường tự nhiên", anh Tâm chia sẻ.
60.000 con cá lóc được nuôi trong các ô riêng biệt, quây bằng lưới, nằm giữa vườn ổi, ao sen. Theo anh Tâm, để luyện cá lóc bay phải tập ngay khi chúng còn nhỏ, lúc "mới bằng chiếc đũa". Anh Tâm dùng chiếc đĩa gõ vào xô đựng thức ăn, tạo những tiếng leng keng để cá quen với âm thanh này. "Khi đã quen âm thanh rồi thì chỉ cần mình gõ là cả đàn cá sẽ chú ý và nhảy lên đón thức ăn”, chủ vườn cho biết.
Về cách tung thức ăn, khi cá còn nhỏ, anh Tâm tung thấp rồi từ từ tung cao lên để cá bật nhảy xa hơn. "Sau 3-4 tháng tập đều đặn, đàn cá hình thành phản xạ có điều kiện, sẽ nhảy lên trình diễn mà không phải chỉ khi đói", anh Tâm cho biết.
Khi cả 13-14 tháng tuổi, kích cỡ quá lớn, không thể bay, anh Tâm sẽ thả về môi trường tự nhiên.
Nhiều con cá lóc "quyến luyến" chưa chịu rời xa nhà vườn, vẫn tập trung ở khu vực ngạch nước gần đó. Anh Tâm cho thức ăn vào bình sữa rồi hằng ngày đem ra cho cá lóc “bú“. Khi đã dạn người, cá lóc về nhiều hơn, ngoi lên "bú bình" điêu luyện.
Anh Tâm sử dụng loại bình sữa dành cho trẻ nhỏ bú, cắt bỏ một phần nhỏ ở núm để viên thức ăn có thể đi qua. Khi anh Tâm lắc bình sữa, nghe thấy tiếng thức ăn va vào thành bình hay tiếng bình sữa gõ nhẹ vào thành cầu gỗ, đàn cá ham ăn lao tới.
Với cá trê "vượt cạn", thời gian huấn luyện cũng cần khoảng 4 tháng. Cá trê có tập tính sống ở tầng đáy, nhút nhát nên trước tiên anh Tâm phải để cá "quen hơi" bằng cách cho ăn gần bờ. Khi thấy cá dạn dĩ anh mới để thức ăn xa hơn. Sau này anh tung thức ăn lên một tấm xốp nổi. Đàn cá đã quen nên lao lên tấm xốp đớp mồi, quẫy nước áo bắn tung tóe, khiến du khách thích thú ngắm nhìn. Trong chốc lát, hàng trăm con cá trê đã "vượt cạn", ăn sạch đống thức ăn.
Để cá trê đủ sức "vượt cạn" cần chọn được con giống tốt, khỏe, có chiều dài, đuôi và vây đẹp. Ban đầu anh Tâm nuôi thử nghiệm khoảng 700 con cá trê, hiện lượng cá là hơn 2 vạn.
Theo chủ vườn, riêng chi phí thức ăn cho đàn cá là 70.000 đồng mỗi tháng, chưa kể tiền thuốc, bảo dưỡng... Hiện chi phí tham quan vườn là 30.000 đồng/người.
Tại vườn, anh Tâm có trồng hơn 600 gốc ổi chuyên để thu hoạch phục vụ du khách miễn phí, không bán. Ổi được trồng hữu cơ, không phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.
"Từ Hà Nội vào du lịch miền Tây, khi tới thăm vườn nhà anh Tâm tôi rất ấn tượng. Cá tại vườn dạn người, trình diễn các động tác thú vị, lạ mắt, hấp dẫn du khách. Chủ vườn rất nhiệt tình, mời khách uống nước mát, ăn trái cây, kể chuyện huấn luyện cá. Thêm một điểm đặc biệt là họ không thu hoạch cá để làm thịt hay bán, hoàn toàn trả về thiên nhiên", một du khách chia sẻ.
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, du khách di chuyển khoảng 10 km đến bến đò Cô Bắc (đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy) để thuê thuyền ra Cồn Sơn.