Ca mắc bệnh dại tử vong đều do không tiêm phòng

Số ca mắc tử vong vì bệnh dại trong thời gian qua tăng cao đột biến. Bộ Y tế chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng dại trên chó, mèo ở mức thấp.

Thông tin từ Bộ Y tế, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Tại nước ta, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012- 2016.

Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh vốn không phải khu vực trọng điểm về dại. Cụ thể, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; Kiên Giang có 5 ca tử vong trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận 1 ca; Gia Lai có 4 ca tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, nước ta ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.

Với tỷ lệ tử vong lên tới gần 100% khi phát bệnh, bệnh dại được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại. Đáng lo ngại hơn, hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại ở nước ta đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, vừa qua, trên địa bàn xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) ghi nhận một trường hợp tử vong sau 3 tháng bị chó dại cắn nhưng không xử trí vết thương, không tiêm vaccine phòng bệnh dại. Được biết, chỉ trong tháng 8/2022, tại Quảng Bình xảy ra 3 vụ tử vong vì bệnh dại.

Sở Y tế Đắk Lắk mới đây cũng cho biết trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp tử vong nghi do bệnh dại, là bệnh nhân H.N.H. (16 tuổi, trú buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột).Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, bệnh nhân H.N.H bị mèo cắn, cào ở tay và không đi tiêm phòng vaccine phòng dại.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay,… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

BS Nguyễn Tuấn Hải - chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho hay, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm. Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người. Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vaccine dại và tiêm vaccine dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.

PGS. TS Nguyễn Văn Bàng - nguyên Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai:

Lưu ý sơ cứu người bị chó, mèo cắn

Người bị chó, mèo cắn vết thương bị bầm tím, rách da, chảy máu đầu tiên cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus xâm nhập nơi vết cắn. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp. Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm phòng uốn ván và theo dõi con vật đã cắn. Nếu sau 10 ngày mà vật cắn vẫn bình thường thì có nghĩa là khi cắn người nó chưa bị dại, không thể lây bệnh sang người. Tuy nhiên trong thời gian theo dõi, nếu con vật phát bệnh, bị ốm, bị chết (với bất cứ nguyên nhân nào) hoặc bỏ đi... thì cần phải tiêm phòng ngay.

NGHĨA TOÀN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ca-mac-benh-dai-tu-vong-deu-do-khong-tiem-phong-5698362.html